Bài 1: Thực tế khắc nghiệt ở miền Trung

Được biết đến là mảnh đất có địa hình phức tạp nên nhiều năm qua, tình trạng thiên tai gây mưa lũ, sạt lở đất đá, cháy rừng làm thiệt hại không nhỏ đến tính mạng, tài sản của nhân dân trên địa bàn Quân khu 4.

Tuy nhiên, phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 4 luôn sát cánh cùng nhân dân thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN).

Thiên tai vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường

Sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu những kết quả đạt được trong công tác PCTT, TKCN trên địa bàn, Đại tá Nguyễn Công Trình, Trưởng phòng Cứu hộ-Cứu nạn (CHCN), Quân khu 4 cho biết: "Địa bàn Quân khu 4 nằm trên dải đất Bắc miền Trung, bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Trên địa bàn có nhiều hệ thống sông, hồ, đập lớn (hơn 70 con sông và 68 hồ, đập lớn), địa hình hẹp, có nhiều suối ngắn và dốc nên thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Bên cạnh đó, tuyến đê biển, đê sông, hồ đập cơ bản xây dựng từ thập niên 70, 80 thế kỷ trước, tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở, vỡ đê, hồ đập. Giao thông tỉnh lộ và giao thông nông thôn nhiều nơi chưa phát triển, nhất là các huyện miền núi; hệ thống cầu, cống nhiều nhưng nhỏ và hẹp, dễ bị chia cắt, cô lập cục bộ mỗi khi có mưa lớn, lũ lụt kéo dài".

Cùng với sự phát triển về kinh tế, việc xây dựng nhiều hồ đập lớn cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình thoát lũ nên tình trạng ngập, lụt cục bộ thường xuyên xảy ra vào mùa mưa. Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên ngày một thu hẹp nên các địa bàn ở vùng núi thường xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt cục bộ… Đến giờ, chắc hẳn nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng khi xem lại hình ảnh những trận "lũ chồng lũ" ở Hương Khê (Hà Tĩnh) tháng 9-2019, hoặc những đợt mưa lớn gây lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên diện rộng ở địa bàn các huyện: Quan Sơn, Mường Lát, Cẩm Thủy, Thường Xuân (Thanh Hóa) trong tháng 7-2019.

Đáng chú ý, trung bình hằng năm địa bàn Quân khu 4 phải hứng chịu từ 3 đến 5 cơn bão đổ bộ trực tiếp với cấp độ mạnh, kèm theo mưa lớn, nước biển dâng khiến lũ lụt xảy ra nhiều nơi, nhất là trong các vùng trũng, vùng hạ du các con sông lớn. Bên cạnh đó, do chịu ảnh hưởng của gió tây, thời tiết khắc nghiệt, hanh khô nên các địa phương thuộc Quân khu 4 cũng thường xuyên xảy ra hạn hán, cháy rừng trên diện rộng. Đặc biệt, do tác động của biến đổi khí hậu nên những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trên địa bàn Quân khu 4 càng diễn biến phức tạp, các địa phương liên tiếp hứng chịu sự tàn phá khốc liệt của thiên tai, nhất là bão, lũ, dông lốc...

Sát cánh cùng nhân dân

Quá trình khảo sát thực tế địa bàn, ngày 12-5, khi đến xã Hương Xuân, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi chứng kiến hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái, cây xanh, hoa màu gãy đổ do dông lốc bất thường gây ra. Chỉ tay về phía các cán bộ, chiến sĩ bộ đội thường trực và dân quân cơ động thuộc Ban CHQS huyện Hương Khê đang lợp lại nhà cho nhân dân, ông Lê Hồng Tiến, trú tại xóm Hòa Sơn, xã Hương Xuân xúc động nói: “Hơn 60 năm sinh sống tại địa phương, tôi đã chứng kiến nhiều cơn bão, lũ lớn tràn qua địa phương mình. Còn các cơn lốc xoáy, mưa lớn gây ngập lụt… thì gần như năm nào cũng có, khiến tài sản, nhà cửa bị cuốn trôi, hoa màu giập nát, thiệt hại khá lớn. Thế nhưng, nhờ có sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương, lại có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chú bộ đội, dân quân nên thiệt hại cũng giảm đi nhiều…”.

Trực tiếp chỉ huy LLVT giúp nhân dân khắc phục hậu quả trận lốc xoáy, Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Hương Khê chia sẻ: “Trận lốc xoáy xảy ra bất ngờ khiến 118 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 1 ngôi nhà bị sập, hơn 50 ngôi nhà bị tốc mái, gần 70 nhà bị hư hỏng, các công trình bổ trợ và nhiều diện tích hoa màu, cây cối bị thiệt hại…”.

Cũng theo anh Hoàng, ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, Ban CHQS huyện Hương Khê đã huy động 40 cán bộ, chiến sĩ thường trực, hơn 100 chiến sĩ dân quân tự vệ phối hợp cùng các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả. Tính đến chiều 12-5, hơn 70% số ngôi nhà bị thiệt hại đã được khắc phục, sửa chữa. Trước mắt, các lực lượng tập trung giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng, gia đình người có công, các hộ neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn và gia đình quân nhân đang tại ngũ. Sau đó, tiếp tục hỗ trợ những gia đình còn lại, từng bước giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra gần 40 vụ lũ quét, dông lốc, cháy rừng, ngập lụt, sạt lở gây sập đổ nhà cửa, trôi dạt, chìm đắm tàu thuyền, hư hại hoa màu. Trước những diễn biến bất thường của thiên tai, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã huy động gần 3.200 ngày công từ cán bộ, chiến sĩ, di dời hơn 1.000 hộ dân với gần 5.000 nhân khẩu đến nơi an toàn; phối hợp với các lực lượng dập tắt những vụ hỏa hoạn, cứu hộ hàng chục vụ tàu, thuyền gặp nạn trên biển với hàng chục ngư dân. Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền hoặc phối hợp với chính quyền địa phương huy động phương tiện, ngư dân tham gia CHCN; phối hợp với các lực lượng trao đổi thông tin liên quan đến công tác PCTT, TKCN để người dân nắm được, chủ động phòng, chống. Do duy trì nghiêm chế độ ứng trực và làm tốt công tác ứng phó nên góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Công Trình cho biết thêm, cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế xảy ra mưa lớn gây ngập lụt tại các huyện: Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy, khiến hơn 16.000ha lúa vụ Đông Xuân bị ngã đổ và ngập úng, hàng trăm héc-ta hoa màu của người dân bị ngập nặng, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 4, Sư đoàn 968 đã huy động gần 180 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 19, giúp nhân dân xã Điền Môn, huyện Phong Điền và thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền khắc phục hậu quả thiên tai. Tại đây, đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp đỡ hơn 270 hộ thu hoạch gần 35ha lúa, hoa màu; vệ sinh môi trường, thu gom gần 160m3 rác các loại; sửa chữa hơn 1,2km đường liên thôn… giúp người dân vùng lũ từng bước ổn định cuộc sống. Những việc làm của bộ đội Sư đoàn 968 đã góp phần thắt chặt hơn tình cảm đoàn kết quân dân trên địa bàn miền Trung khắc nghiệt.

Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn Quân khu 4 đã xảy ra hơn 700 vụ cần phải CHCN. Trong đó thiên tai xảy ra hơn 100 vụ; cháy nổ gần 150 vụ; cháy rừng hơn 340 vụ; tai nạn đuối nước hơn 120 vụ… làm chết và mất tích gần 480 người, bị thương hơn 270 người; hơn 2.100ha rừng bị cháy; hơn 1.100 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 153.500ha hoa màu, cây công nghiệp bị ngập úng, hư hỏng. Tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên QPAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-1-thuc-te-khac-nghiet-o-mien-trung-618498