Bài 1: Thực hiện các giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh đến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona (COVID-19) gây ra là loại dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của con người, tốc độ lây lan nhanh, số người nhiễm bệnh và tử vong lớn... Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các cấp, các ngành đang tiếp tục tập trung ưu tiên các giải pháp về phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, thực hiện các giải pháp duy trì, ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh để tránh bị tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh và bảo đảm hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra.

Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19

Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Xi măng Long Sơn làm việc tại trung tâm điều hành sản xuất. Ảnh: Xuân Hùng

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, chú trọng các giải pháp về giám sát, cách ly ngăn ngừa lây lan nguồn bệnh và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo hướng dẫn của ngành y tế. Do công tác chỉ đạo, phát hiện kịp thời, ý thức của người nhiễm bệnh rất tốt, cùng với phản ứng và xử lý của các cơ quan y tế rất hiệu quả nên bệnh nhân đầu tiên của tỉnh đã được điều trị, chữa khỏi và chưa có lây lan thứ phát sang các đối tượng khác.

Với diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc và trên thế giới đã tác động không chỉ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản mà còn tác động đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước cũng như của tỉnh... Mặt khác, dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc nên việc nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... gặp khó khăn, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đi đôi với đó, dịch bệnh tác động đến ngành chế biến, chế tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong số 32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh, một số ngành sản xuất các sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, như: Súc sản đông lạnh xuất khẩu; thủy sản đông lạnh, cói nguyên liệu, phân bón, bia các loại, ô tô, sản phẩm may mặc, giày da... Dự kiến giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 ước thực hiện 149.000 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch. Các ngành dịch vụ chịu tác động lớn nhất thời của bệnh COVID-19, nhất là trong các lĩnh vực thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, vận tải... Các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là thủy sản đông lạnh, bột cá, tinh bột sắn, cói, rau, củ, quả. COVID-19 cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch của tỉnh, nhất là các lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, các công ty lữ hành... Số người muốn đi du lịch, có kế hoạch đi du lịch giảm mạnh; nhiều cuộc họp, hội nghị trong chương trình du lịch (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) tại các khách sạn lớn đã bị hoãn hoặc hủy bỏ. Dịch bệnh cũng làm cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại các khu, điểm du lịch bị dừng hoặc hạn chế quy mô tổ chức. Vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; trong đó, có vận chuyển hàng hóa qua biên giới vẫn được thực hiện; tuy nhiên, do phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới nên có ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động vận tải hàng hóa. Đối với hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn đến thời điểm hiện tại vẫn ổn định. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, dự báo khối lượng vận tải trong năm 2020 giảm khoảng 3% so với kế hoạch, khối lượng vận tải hành khách giảm khoảng 10%, doanh thu vận tải giảm khoảng 3%... Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tới nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế, nhất là đầu tư của khu vực vốn nước ngoài, khu vực ngoài Nhà nước. Về lĩnh vực FDI trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm với Trung Quốc, khó khăn trong việc nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất của nhiều dự án FDI từ Trung Quốc do tình trạng đóng cửa thông quan hàng hóa, làm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ, công tác chuẩn bị cũng như triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư tiềm năng của Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung cũng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, dịch bệnh diễn ra với quy mô lớn, nhiều nhà máy sản xuất ở Trung Quốc phải đóng cửa ngừng sản xuất, đây là cơ hội để Việt Nam nói chung, tỉnh ta nói riêng có các chính sách thu hút các nhà đầu tư. Dịch bệnh sẽ làm giảm số thu ngân sách Nhà nước ở khu vực nội địa xuất, nhập khẩu. Số thu nội địa có xu hướng giảm do nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh vận tải, du lịch, dịch vụ... bị giảm sút. Dự báo năm 2020, thành lập mới doanh nghiệp trong một số lĩnh vực có xu hướng giảm so với cùng kỳ, như: Ngành nghề nghệ thuật, vui chơi, giải trí, vận tải kho bãi, dịch vụ việc làm, du lịch, sản xuất phân phối điện, công nghiệp chế biến, chế tạo. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX với năng lực tài chính, sản xuất còn hạn chế, sẽ là đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp nhất từ dịch bệnh, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, nguồn vốn cho tái cơ cấu sản xuất, khả năng thanh toán, thực hiện nghĩa vụ tài chính, huy động lao động, chi phí đầu vào.

Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra. Tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2 (ngày 20 - 2), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng, nêu rõ: Thời gian tới, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đe dọa đến phát triển kinh tế - xã hội nếu không có các giải pháp quyết liệt và kịp thời. Trước mắt sẽ là vấn đề thiếu nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp; tình hình xuất khẩu sẽ khó khăn; các hoạt động dịch vụ, du lịch sẽ ảnh hưởng... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu từng sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị phải tích cực triển khai các nhiệm vụ được đề ra từ đầu năm, tập trung vào các giải pháp để hạn chế tác động của dịch bệnh COVID-19, trong đó, quan tâm chỉ đạo phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đang tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (H5N1, H5N6, dịch bệnh tả lợn châu Phi). Đồng thời, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực đóng góp lớn vào tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh để chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thuận lợi về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tập trung rà soát, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Các ngành, các địa phương thực hiện các biện pháp “tăng thời gian làm việc”, “tăng chất lượng làm việc”, “giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tiết giảm hơn nữa thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và phấn đấu cắt giảm 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định đối với các thủ tục có thời gian giải quyết dưới 15 ngày, giảm 70% thời gian đối với thủ tục hành chính có thời gian giải quyết trên 15 ngày. Tiếp tục rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, các dự án có sử dụng đất, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh, HĐND tỉnh, chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, đa mục tiêu, tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội, đến các vùng miền, ngành, lĩnh vực và của tỉnh. Tổ chức nghiệm thu khi dự án, công trình có khối lượng hoàn thành và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước bảo đảm theo quy định. Nghiên cứu chuyển đổi, mở rộng diện tích cây trồng, các loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập trung triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng để khôi phục các hoạt động của dịch vụ, thương mại, như: Tổ chức phân phối, lưu thông cung ứng hàng hóa để bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, phòng chống đầu cơ, găm hàng, tạo khan hiếm giả hàng hóa trên thị trường; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường xúc tiến đầu tư, gặp gỡ, làm việc với các đối tác thương mại quan trọng, nhất là các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, các tổ chức, đại sứ quán các nước để có kế hoạch tiếp cận, quảng bá và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Thực hiện tốt các biện pháp quản lý thuế, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế. Theo dõi chặt chẽ việc đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, phân loại các nguồn thu để có biện pháp thu hiệu quả. Rà soát toàn bộ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, giao đất, cho thuế đất đầu tư sản xuất, kinh doanh và cấp quyền khai thác khoáng sản để yêu cầu các đối tượng thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác thăm dò, xác định trữ lượng các mỏ khoáng sản để đấu giá, giao quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Xuân Hùng

Bài 2: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bai-1-thuc-hien-cac-giai-phap-han-che-tac-dong-cua-dich-benh-den-muc-tieu-nhiem-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/115081.htm