Bài 1: Thời kỳ đầu và những thử thách sinh tử

Lịch sử 75 năm ngành quân giới-công nghiệp quốc phòng (CNQP) gắn liền với nhiều sáng kiến độc đáo, sản phẩm đặc biệt của quá trình nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, cải tiến vũ khí, từng góp phần thay đổi cục diện chiến trường.

Đằng sau những hào quang chói sáng là biết bao câu chuyện, tấm gương hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành quân giới. Vệt bài sau đây như là nét "chấm phá" trong hành trình gian lao, tự hào từ quá khứ anh hùng đến quân giới thời 4.0 hôm nay...

Chỉ chưa đầy hai tuần sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 15-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chỉ thị thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng (tiền thân của ngành CNQP ngày nay). Giữa chồng chất khó khăn thuở ban đầu ấy, với tầm nhìn sáng suốt, Đảng ta và Bác Hồ đã thu hút và bồi dưỡng được thế hệ tinh hoa đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vũ khí (SXVK). Họ đã dấn thân, tận hiến, hy sinh vì đại nghĩa, vì dân tộc...

Thế hệ tinh hoa đầu tiên...

Ra đời trong bối cảnh đất nước phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách trước thù trong, giặc ngoài và "giặc đói", "giặc dốt" hoành hành, ngành quân giới đứng trước một thực tế: Tất cả đều là con số không. Không có các cơ sở sản xuất công nghiệp cơ bản, như: Điện, hóa chất, luyện kim...; không có các thiết bị công nghệ sản xuất quốc phòng; không có các loại vật tư, nguyên liệu cốt yếu...

Hơn lúc nào hết, thời điểm này, đất nước rất cần những nhà khoa học hàng đầu để phát triển ngành quân giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh với uy tín lớn và khả năng hấp dẫn phi thường, đã thuyết phục một số nhà khoa học Việt kiều tài năng ở nước ngoài về tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu trong số đó có kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Thiếu tướng, Giáo sư (GS), Viện sĩ Trần Đại Nghĩa)-người có công đầu trong việc xây dựng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu, chế thử và SXVK Việt Nam. Lúc sinh thời, trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, GS Trần Đại Nghĩa đã khẳng định: “Chính Bác đã chỉ ra con đường cách mạng, trao cho tôi nhiệm vụ. Và suốt chặng đường tôi đi, Bác đã dìu dắt và tạo điều kiện cho tôi làm tròn nhiệm vụ”.

 Đại tá Phan Thượng Trí (thứ ba, từ trái sang) với cánh tay trái không còn nguyên vẹn, cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm với các cán bộ của Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (tháng 9-2018). Ảnh: NGỌC MAI

Đại tá Phan Thượng Trí (thứ ba, từ trái sang) với cánh tay trái không còn nguyên vẹn, cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm với các cán bộ của Viện Vũ khí, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (tháng 9-2018). Ảnh: NGỌC MAI

Kể về lần đầu tiên được gặp Bác khi Người sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau tháng 7-1946, GS Trần Đại Nghĩa cho biết, thời điểm đó bản thân ông đang chưa biết làm cách nào để gặp Bác và trình bày nguyện vọng trở về nước phục vụ cách mạng thì được Người mời gặp tại khách sạn Joyal Monceau cùng đoàn đại biểu Việt kiều. Ông viết trong hồi ký: “Tôi rất cảm động khi Bác hỏi tình hình học tập và nguyện vọng. Tôi báo cáo với Bác về chuyện tôi bí mật tự học về vũ khí và nguyện vọng được về nước, mang hết tâm hồn và năng lực phục vụ Tổ quốc. Bác nhìn thẳng vào hai mắt tôi, cười và khẽ gật đầu. Lòng tôi trào lên một niềm vui khó tả. Sau khi biết tin hội nghị không thành công và được Bác báo: "Bác về nước, chú chuẩn bị về với Bác, hai ngày nữa ta lên đường", tôi đã bỏ lại hầu hết đồ dùng cá nhân, tập trung gói ghém gần 1 tấn tài liệu, sách báo để sẵn sàng lên đường”.

Sau đó là 40 ngày đêm lênh đênh trên biển trong hành trình trở về quê hương. Kỹ sư Phạm Quang Lễ cùng các nhà khoa học khác như: Kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, bác sĩ Tôn Thất Tùng... được dự một lớp học chính trị đặc biệt do Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn. “Đối với những trí thức ở nước ngoài về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác luôn khêu gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở bản thân, tin ở tập thể, ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Lời nói giản dị, thân yêu, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm hóa, chinh phục trái tim của chúng tôi”, GS Trần Đại Nghĩa viết trong hồi ký.

Sau này, bằng nhiều con đường khác nhau, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhà khoa học đã bỏ lại vinh quang nơi xứ người trở về nước, đem những kiến thức có được góp phần phát triển ngành quân giới còn non trẻ. Không những thế, với tầm nhìn của mình, Bác Hồ còn chủ động lựa chọn những nhân tài ở trong nước, cử ra nước ngoài học tập, bồi dưỡng từ rất sớm.

Năm 1951, trong khu rừng Tân Trào ở Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và quyết định cử 21 cán bộ là những tinh hoa sang Liên Xô học tập. Đây là đoàn “lưu học sinh” đầu tiên được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi sang Liên Xô học tập, nghiên cứu. Và một điều rất đặc biệt, 5 người trong số họ gồm các đồng chí: Phạm Như Vưu, Lê Văn Chiểu, Hoàng Văn Lãn, Phạm Đồng Điện và Nguyễn Đức Thừa đều đang công tác tại các đơn vị thuộc Cục Quân giới trước khi được cử đi học. Đồng chí Phạm Như Vưu là Trưởng ban Chế tạo vũ khí của Nha Giám đốc Công binh xưởng; Lê Văn Chiểu là cán bộ Phòng Xạ thuật (hay còn gọi là Thuật phóng); Phạm Đồng Điện là Trưởng phòng Hóa chất; Nguyễn Đức Thừa là Phó trưởng phòng Hóa chất; Hoàng Văn Lãn là Phó trưởng phòng Chế tạo vũ khí thuộc Nha Nghiên cứu kỹ thuật (NCKT). Sang Liên Xô, Phạm Như Vưu và Hoàng Văn Lãn được phân công học về bảo đảm kỹ thuật quân đội và SXVK bộ binh tại Trường Cao đẳng Quân khí Tula; Lê Văn Chiểu và Phạm Đồng Điện học về chất nổ ở Trường Đại học Tổng hợp Bauman; Nguyễn Đức Thừa học về luyện kim.

Việc đưa đoàn đi học là chủ trương bí mật của Trung ương Đảng ta lúc bấy giờ, nên hầu như không có nhiều tài liệu ghi lại. Tuy nhiên, trong những cuốn sổ ghi chép, nhật ký của các thành viên trong đoàn, nội dung làm việc của các đồng chí trong Trung ương Đảng với đoàn được ghi chép từng ngày. Đặc biệt, sự kiện ngày 18-7-1951, Bác Hồ đến gặp, giao nhiệm vụ được các thành viên ghi chép cẩn thận. Đồng chí Phạm Như Vưu viết: “Ngày 18-7-1951 là ngày lịch sử trong đời, Bác đến bắt tay anh em và dặn dò thêm kỹ càng hơn người cha... Một bờ suối quanh co dưới bóng cây um tùm của Tân Trào kia không ngờ đã là nơi kỷ niệm sâu sắc của 21 anh em, tiếp thu những lời vàng ngọc của vị lãnh tụ”. Còn đồng chí Lê Văn Chiểu năm đó 25 tuổi, là người ít tuổi nhất đoàn, miêu tả trong cuốn sổ nhỏ của mình: Bác mặc áo lụa màu gụ, quần cộc màu nâu, chống gậy tre, đội mũ cát kaki đã có vết rách. Hôm đó, Bác dặn mọi người rất kỹ, nhiều điều, đại ý nhắc chúng tôi nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng.

Nhớ lời căn dặn của Người, đến năm 1958, tất cả 21 nhà khoa học trở về nước, nhiều người sau đó trở thành cốt cán trong những ngành mà họ được đào tạo, như các đồng chí: Phạm Như Vưu, Lê Văn Chiểu-Phó chủ nhiệm Tổng cục CNQP; Hoàng Văn Lãn, Cục trưởng Cục Kỹ thuật, Tổng cục Kỹ thuật...

Dấn thân và tận hiến hy sinh

Trong việc trọng dụng và sử dụng trí thức, quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn quan tâm, tin tưởng và tôn trọng họ. Đó là động lực mạnh mẽ thôi thúc các nhà khoa học cống hiến hết mình, từ bỏ những lợi ích cá nhân, sẵn sàng hy sinh xương máu, tính mạng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Còn nhớ thời điểm năm 1946, khi gặp Bác, mức lương hằng tháng của kỹ sư Phạm Quang Lễ được Chính phủ Pháp trả có giá trị tương đương hàng chục lượng vàng. Vậy mà khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về nước, ông đã nhận lời ngay. Nhận trọng trách là Cục trưởng Cục Quân giới trong điều kiện cơ sở vật chất hầu như không có gì ngoài một số trang thiết bị ít ỏi từ thời Pháp để lại, đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự đã bằng mọi cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Đại tá Trần Dũng Trí, nguyên cán bộ Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân, con trai đầu của Giáo sư Trần Đại Nghĩa kể với chúng tôi: “Cha tôi say mê nghiên cứu và hiếm khi nói về mình. Trong số ít chuyện của ông, tôi nhớ mãi cha từng nhắc đến hai câu Bác Hồ hỏi ông trước khi về nước là: “Ở nhà cực khổ lắm, chú về có chịu được không?” và “Bây giờ ở nhà kỹ sư, công nhân về vũ khí không có, máy móc thiếu, liệu chú có làm việc được không?” cùng câu trả lời chắc nịch của ông: "Thưa Bác, tôi đã chuẩn bị 10 năm rồi và tôi tin là làm được”.

Với niềm tin ấy, đồng chí Trần Đại Nghĩa và các cộng sự đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc kháng chiến, tạo ra những sản phẩm đột phá của quân giới Việt Nam. Cùng với ông, cán bộ, chiến sĩ, công nhân quân giới trên cả nước cũng lặng thầm cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp chung. Vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, vừa chiến đấu, bộ đội quân giới đã phải hứng chịu nhiều tổn thất. Mới đây, chúng tôi được tham gia chuyến về nguồn cùng các cựu chiến binh (CCB) CNQP-Quân giới thăm nơi các công binh xưởng từng đóng quân. Theo những số liệu ghi chép trên các bia di tích, thì từ tháng 12-1948 đến năm 1952, hàng chục cán bộ, chiến sĩ và công nhân các công binh xưởng ở Liên khu 3 đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Điển hình như: Ngày 24-12-1948, trong khi tra kíp địa thủy lôi, một quả phát nổ khiến 9 công nhân của Xưởng B4 (Ninh Bình) hy sinh. Đêm mồng 3 rạng sáng 4-1-1949, Xưởng B5 được lệnh chuyển gấp toàn bộ thiết bị, vật tư, vũ khí đạn của phân xưởng đúc từ hang động Gia Lâm (Nho Quan, Ninh Bình) về chợ Đập (Lạc Thủy, Hòa Bình) thì bị quân Pháp bất ngờ tấn công, 8 chiến sĩ du kích và 5 công nhân quân giới bám trụ chiến đấu trên sườn núi Đít Ngựa đã bị địch xả súng bắn chết...

CCB Phạm Hữu Quốc, 97 tuổi, đang sinh sống tại TP Ninh Bình (Ninh Bình) ngậm ngùi: “Công việc của lính quân giới là thế. Lặng thầm sau những chiến công ngoài mặt trận là biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của chúng tôi. Nhiều đồng chí dù biết chắc sẽ đối mặt với nguy hiểm nhưng vẫn sẵn sàng nhận và làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ”. Và theo lời giới thiệu của ông, chúng tôi đã gặp được những nhân chứng của một thời như thế.

Đại tá, thương binh Phan Thượng Trí, nguyên Giám đốc Nhà máy Z121 vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày làm việc ở Nha NCKT, nhất là lần bị thương khi nhồi thuốc nổ. Năm ấy, nhóm nghiên cứu lựu đạn thuộc Phòng Hóa chất (Nha NCKT) gồm 3 người do Phan Thượng Trí làm nhóm trưởng đang nghiên cứu thử thành phần lựu đạn khói (fumigène) của Pháp, hai lần thử đầu thành công nhưng các thông số chưa được như mong muốn, Phan Thượng Trí quyết định làm trực tiếp trên tay với suy nghĩ nếu bị thương, cũng chỉ bị thương tay trái, mong sao nghiên cứu sớm hoàn thiện để kịp thời phục vụ chiến đấu. Nhưng do nhồi quá nhiều, lực nén lớn, mật độ thuốc tăng cao, khối bộc phá nổ ngay trên tay ông; bàn tay trái bị nát, 7 mảnh kim loại găm trên ngực, một mảnh ở chân phải. Dù vĩnh viễn mất một cánh tay, sức khỏe giảm sút nhưng ngay sau thời gian điều trị, Phan Thượng Trí lại trở về Nha NCKT tiếp tục công việc lặng thầm của mình như chưa hề bị thương.

Tiếp nối tinh thần, ý chí các bậc tiền bối, chống Pháp rồi đến chống Mỹ, cứu nước, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của ngành quân giới chưa bao giờ lùi bước trước khó khăn. Từ năm 1961, để có điều kiện xây dựng hệ thống trạm xưởng quân giới, bảo đảm vũ khí cho toàn chiến trường, nhiều đoàn cán bộ quân giới miền Bắc đã “Nam tiến”, trở thành nòng cốt của ngành quân giới ở các khu. Họ đã dấn thân vào cuộc đối đầu mới với kẻ thù mạnh hơn rất nhiều với tâm thế của những người lính luôn tiến về phía trước, dẫu có gian khổ và đầy rẫy những hiểm nguy đang chờ đón. Ví như việc chuẩn bị đánh trận Ba Gia (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) tháng 5-1965, một tổ kỹ thuật của Phòng Quân giới Khu 5 đã có nhiều ngày đêm dũng cảm, bám sát đội hình của Trung đoàn 1-chủ lực Khu 5 để bảo đảm kỹ thuật sử dụng súng 12,7mm kiểu M2HB của Mỹ đã được quân giới nghiên cứu cải tiến trang bị thêm một giá 3 chân, đồng thời lắp thêm máy ngắm phòng không để bắn máy bay địch yểm trợ bộ binh. Hay sự kiện đồng chí Nguyễn Trinh Tiếp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quân giới, năm 1967, trên đường đi kiểm tra thực địa việc sử dụng sản phẩm mới được nghiên cứu, cải tiến của đơn vị thì gặp máy bay Mỹ ném bom và đã anh dũng hy sinh...

Thật khó có thể kể hết những hy sinh thầm lặng của những người lính quân giới trong hành trình 75 năm qua. Xin mượn lời của Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa lúc sinh thời đã khẳng định: “Một người thiết kế chế tạo vũ khí của quân đội cách mạng, không thể thiếu trách nhiệm với sinh mạng của chiến sĩ”, nên họ sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm để hoàn thiện nghiên cứu của mình.

(còn nữa)

HOÀNG TIẾN - THANH TÚ - MINH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-cong-nghiep-quoc-phong-75-nam-xay-dung-va-phat-trien/bai-1-thoi-ky-dau-va-nhung-thu-thach-sinh-tu-632716