Bài 1: Thiếu trách nhiệm, qua loa, đại khái

Trong những năm qua, Báo Thanh tra liên tiếp nhận được nhiều đơn thư phản ánh chính quyền địa phương này chậm trễ, thậm chí không giải quyết hoặc giải quyết không công bằng, triệt để các khiếu kiện của dân. Việc 'tắc trách' này khiến nhiều vụ việc ban đầu chỉ là mâu thuẫn láng giềng được thổi bùng lên thành các vụ xô xát, gây thương tích bằng dao, súng và cũng có thể là kết thúc bằng án mạng trong tương lai...

Cổng và tường rào nhà của ông Tạ Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm xây dựng trên đất hành lang giao thông. Ảnh: PV

Cổng và tường rào nhà của ông Tạ Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm xây dựng trên đất hành lang giao thông. Ảnh: PV

Vào cuộc xác minh và qua thời gian thực tế làm việc, chờ đợi cách giải quyết của địa phương này, chúng tôi thấy Hòa Bình cần có cuộc thanh tra trách nhiệm.

Mở đầu cho loạt bài báo, chúng tôi xin đưa việc giải quyết đơn tố cáo công dân tố lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm vi phạm pháp luật của tân Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy làm minh chứng.

Ngày 23/5/2019, UBND huyện Lạc Thủy ban hành Kết luận tố cáo số 01/KL-UBND đối với lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm (ông Tạ Văn Hà, Chủ tịch và ông Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch). Theo Kết luận, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy khẳng định: 2 trên 3 nội dung tố cáo là đúng. Hiện Kết luận này chưa được người tố cáo đồng thuận vì chưa trả lời hết các nội dung tố cáo, kết quả giải quyết còn hời hợt, biểu hiện xuê xoa, cho qua... (chúng tôi sẽ phân tích trong bài báo sau).

Kết luận nêu, việc lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm tùy tiện cho Hợp tác xã (HTX) Đồng Tâm ký hợp đồng với ông Nguyễn Bình Sinh làm xưởng thuê bóc gỗ tại Chợ nông sản Đồng Tâm là trái quy định. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo xã Đồng Tâm giai đoạn từ năm 2011 đến nay.

Ông Tạ Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm lấn chiếm đất, xây dựng cổng và tường rào nhà riêng trên đất hành lang giao thông đã quy hoạch, trách nhiệm thuộc về ông Tạ Văn Hà và ông Nguyễn Đức Hân, nguyên công chức địa chính xã, nay là Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm.

Bà Nguyễn Thị Thúy (em ruột của ông Nguyễn Đức Hân) lấn chiếm đất hành lang hồ đập tại thôn Đồng Đễ, xã Đồng Tâm là đúng. Để xảy ra việc này thuộc trách nhiệm ông Hà, ông Hân và các cá nhân liên quan khác.

Với những sai phạm nêu trên, tại Văn bản 422 UBND-TTr ngày 27/5/2019, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy yêu cầu UBND xã Đồng Tâm cùng các ngành liên quan chỉ đạo HTX Đồng Tâm khẩn trương thanh lý hợp đồng, di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực chợ, hoàn trả mặt bằng đảm bảo việc kinh doanh, khai thác và quản lý Chợ nông sản Đồng Tâm. Thời gian xong trước ngày 30/6/2019. Đồng thời, giao UBND xã Đồng Tâm tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể lãnh đạo, cá nhân trước những tồn tại nêu trên (tại Kết luận 01); thời gian xong trước ngày 20/6/2019. Phòng Nội vụ hướng dẫn việc kiểm điểm...

Văn bản điều hành là vậy, nhưng qua thực tế địa phương này đã không nghiêm túc thực hiện.

Xưởng gỗ của ông Nguyễn Bình Sinh vẫn hoạt động bình thường. Ảnh: PV

Cụ thể, về việc thuê đất chợ làm xưởng bóc gỗ, trước khi có đơn tố cáo của công dân gửi UBND huyện, Báo Thanh tra đã có bài phản ánh về vụ việc này vào tháng 5/2018. Giải quyết nội dung Báo nêu, ngày 20/7/2018, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy có Văn bản 643/UBND-KT&HT, chỉ đạo UBND xã Đồng Tâm thanh lý hợp đồng, đình chỉ mọi hoạt động sản xuất trước ngày 15/8/2018. Nhưng, cho đến thời điểm này những chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện vẫn hoàn toàn là “trên giấy”.

Về nội dung kiểm điểm lãnh đạo UBND xã Đồng Tâm (với sai phạm cho phép làm xưởng bóc gỗ trong chợ và lấn chiếm đất đai) được Chủ tịch UBND huyện yêu cầu xã Đồng Tâm thực hiện xong trước ngày 20/6/2019, nhưng đến ngày 18/7/2019, địa phương này mới thực hiện. Việc thực hiện cũng qua loa, đại khái thậm chí là vi phạm.

Ông Tạ Văn Hà tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách vì để xảy ra sai phạm tại Chợ nông sản Đồng Tâm và chậm trễ chưa thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện về di dời xưởng gỗ. Việc gia đình lấn chiếm đất, ông Hà không thừa nhận.

Ông Nguyễn Đức Hân chỉ nhận hình thức “kiểm điểm sâu sắc” với sai phạm được nêu trong kết luận.

Theo biên bản ghi nhận buổi họp kiểm điểm này, có 16 cán bộ dự họp, nhưng chỉ có 5 ý kiến phát biểu tham gia đóng góp (trong đó 1 ý kiến là kết luận của người chủ trì). Các ý kiến đều bày tỏ thông cảm, bao che thậm chí còn là khen ngợi các cán bộ sai phạm là “có trình độ, uy tín”... Người đứng ra chủ trì cuộc họp kiểm điểm 2 cán bộ này là một Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm. Sau khi kết luận, hội nghị bỏ phiếu 100% đồng tình cho 2 đồng chí Hà, Hân “Kiểm điểm sâu sắc rút kinh nghiệm”.

Buổi kiểm điểm trên đã vi phạm Khoản 2 Điều 16 (Tổ chức họp kiểm điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật) Nghị định 34/2011/NĐ-CP về Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Cụ thể, trong trường hợp này, chủ trì cuộc họp kiểm điểm phải là Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy.

Việc UBND xã Đồng Tâm 2 lần không thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong vụ lập xưởng bóc gỗ trong chợ và việc chậm trễ kiểm điểm, kiểm điểm không đúng quy định của pháp luật, qua loa, đại khái, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, thiết nghĩ Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy cần phải chủ trì kiểm điểm và xem xét, xử lý theo quy định.

Ngoài ông Hà, ông Hân còn có những ai liên quan trong vụ việc này chưa được đưa ra xem xét, kiểm điểm nữa, chúng tôi sẽ thông tin trong số báo sau.

Khoản 2, Điều 16, Nghị định 34/2011/NĐ-CP:

2. Đối với người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu có hành vi vi phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm tổ chức họp kiểm điểm và quyết định thành phần dự họp.

Bài 2: Một kết luận chưa công tâm và né tránh

PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/bai-1-thieu-trach-nhiem-qua-loa-dai-khai_t114c39n151651