Bài 1: Thiếu đất sản xuất – thực trạng và nguyên nhân

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa có diện tích tự nhiên chiếm ba phần tư diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Địa hình chia cắt phức tạp, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, nên tình trạng nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất khiến công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân thiếu đất sản xuất ở miền núi xứ Thanh

Cán bộ, phóng viên Báo Thanh Hóa và đại diện lãnh đạo thôn Tân Hiệp, UBND xã Thanh Hòa, Phòng Dân tộc huyện Như Xuân tìm hiểu thực trạng thiếu đất tại hộ ông Vi Thành Định - hộ nghèo xã Thanh Hòa. Ảnh: Thùy Dương

Thiếu đất sản xuất, người dân khó thoát nghèo

Gia đình anh Vi Văn Đô, dân tộc Thái (thôn Tân Hiệp, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân), có căn nhà xây dựng trên diện tích khoảng 70 m2. Nhà gần rừng, song gia đình anh không có đất sản xuất.

“Vợ mình mới đi xuất khẩu lao động, còn mình thì hàng ngày đi làm phụ hồ, thu nhập khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, nhưng công việc không ổn định. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Hiện tại kinh phí trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học khó khăn lắm. Mong Nhà nước hỗ trợ cấp đất để gia đình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp ngay trên quê hương của mình...” - anh Đô bộc bạch.

Sinh sống cùng bản với anh Đô, gia đình ông Vi Thành Định, hộ nghèo của xã Thanh Hòa cũng chỉ có 0,1 ha đất sản xuất. Ông giãi bày: Nhà cửa đơn sơ, đồ đạc không có gì đáng giá, hai miệng ăn, đất sản xuất quá ít nên ông cũng chưa biết đến lúc nào gia đình mới thoát nghèo...

Cùng chúng tôi đi tìm hiểu thực tế thực trạng thiếu đất sản xuất, anh Vi Đức Thuật, trưởng thôn Tân Hiệp, cho biết thêm: Theo Quyết định số 2530/QĐ-UBND ngày 17-7-2017 của UBND tỉnh quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình đối với 11 huyện miền núi là 2,417 ha/hộ, nhưng hiện tại địa phương không có quỹ đất nên chỉ giao cho anh Đô 0,9 ha đất lâm nghiệp để bảo vệ, phát triển rừng. Không chỉ gia đình anh Vi Văn Đô, ông Vi Thành Định mà thôn Tân Hiệp có tới 60 hộ/tổng số 170 hộ thiếu đất sản xuất. Toàn thôn có tới 54% hộ nghèo và cận nghèo, trong đó hộ nghèo chiếm 31,7%. Hầu hết các hộ thiếu đất sản xuất thuộc hộ nghèo và cận nghèo của thôn.

Ông Lương Xuân Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hòa, cho biết: Xã Thanh Hòa có 2.300 nhân khẩu, 90% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Xã có tổng diện tích tự nhiên 8.648 ha, trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Chàng quản lý khoảng 5.000 ha, Trại giam Thanh Lâm quản lý gần 1.700 ha, xã quản lý gần 2.000 ha. Hiện tại, toàn xã có 73,3 ha đất cấy lúa, còn lại là diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Phần lớn đất lúa người dân sản xuất có hiệu quả trong vụ chiêm xuân, vụ mùa do ảnh hưởng của bão lũ thường gây sạt lở, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Hiện tại có tới 200 hộ/tổng số 540 hộ của xã Thanh Hòa thiếu đất sản xuất. Mặc dù có sức lao động, điều kiện thủy lợi khá đảm bảo nhưng không có đất canh tác, khó khăn về nguồn vốn, xã cũng như người dân loay hoay tìm kế sinh nhai. Một số gia đình có người đi xuất khẩu lao động, nhiều hộ đi làm thuê, công việc, thu nhập không ổn định... Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 30,8%, hộ cận nghèo chiếm 22,1%. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới của xã còn khó khăn, bởi hiện tại mới đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới... Lãnh đạo xã đề nghị các cấp, các ngành sớm giải quyết tình trạng thiếu đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Theo báo cáo của các phòng chức năng thuộc UBND huyện Như Xuân: Huyện có 16.049,48 ha đất sản xuất nông nghiệp, 46.735,06 ha đất lâm nghiệp. Hiện tại, toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được giao cho các tổ chức, hộ dân sản xuất nông nghiệp. Trong tổng diện tích đất lâm nghiệp, huyện đã giao 22.567,49 ha cho các hộ dân, diện tích còn lại đã được giao cho các cơ quan, đơn vị quản lý. Toàn huyện có 730 hộ thiếu đất sản xuất. Theo Quyết định số 2530/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất cho mỗi hộ gia đình đối với 11 huyện miền núi thì huyện Như Xuân thiếu khoảng 1.410 ha đất sản xuất. 14 xã của huyện có tình trạng hộ dân thiếu đất sản xuất. Thực hiện Đề án “Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Như Xuân rà soát, tổng hợp đề nghị hỗ trợ cho 110 hộ thiếu đất sản xuất vốn ngân sách Nhà nước 1.442,71 triệu đồng và vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 4.233,85 triệu đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.397 hộ vốn ngân sách Nhà nước 6.985 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách xã hội 42.328,38 triệu đồng, hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 157 hộ với số vốn 6.940 triệu đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 7-2019, trên địa bàn huyện mới có 58 hộ được hỗ trợ vay vốn tín dụng với tổng số tiền 2 tỷ 337 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề trên địa bàn huyện Như Xuân còn quá chậm, nguyên nhân là do khó khăn về nguồn vốn; mặt khác, mức hỗ trợ của một số chính sách thấp, chỉ đủ kinh phí làm thủ tục chuyển nhượng (hộ thiếu một phần đất sản xuất). Đối với đất sản xuất trong quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì một số giấy chứng nhận đang thế chấp ngân hàng hoặc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa đang giữ dẫn đến không thực hiện được các thủ tục để nhận hỗ trợ. Giá đất ở một số nơi cao nên không mua được đất. Những khó khăn do thiếu đất sản xuất đã và đang ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo tổng hợp của Phòng Dân tộc UBND huyện Thạch Thành toàn huyện có 2.492 hộ thiếu đất sản xuất với tổng diện tích theo hạn mức quy định là 5.787,61 ha. Tổng nhu cầu vốn cần hỗ trợ của các hộ chuyển đổi nghề là 120.453,52 triệu đồng, trong đó nhu cầu vốn ngân sách Nhà nước 12.460 triệu đồng, vốn vay ngân hàng chính sách 107.993,52 triệu đồng. Cũng trong tình trạng chung, đến đầu tháng 8-2019, vấn đề hỗ trợ cho các hộ nghèo thiếu đất sản xuất, chuyển đổi nghề trên địa bàn huyện chưa có kinh phí thực hiện.

Quyết định 4753/QĐ-UBND ngày 8-12-2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về phê duyệt Đề án “Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018-2020” theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 21.063 hộ nghèo, chủ yếu ở các huyện miền núi thiếu đất sản xuất với hơn 39.000 ha. Trong đó, có 20.914 hộ không có đất hỗ trợ, sẽ hưởng chính sách chuyển đổi nghề, còn 149 hộ (ở Ngọc Lặc và Như Xuân) có khả năng được hỗ trợ đất sản xuất. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8-2019, tỉnh Thanh Hóa chưa được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án nêu trên. Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội – Chi nhánh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 7-2019, mới có 634 hộ thiếu đất được vay 25,095 tỷ đồng chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh. Thiếu đất sản xuất khiến đời sống nhiều hộ dân khu vực miền núi gặp nhiều khó khăn. Đây là một trong những rào cản trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của nhiều huyện miền núi.

Đâu là nguyên nhân

Trong bối cảnh nhiều hộ nghèo ở các huyện miền núi bức xúc vì thiếu đất sản xuất, thì hiện tại 12 ban quản lý rừng phòng hộ, 1 trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật lâm nghiệp, 6 công ty TNHH: Sông Âm, Yên Mỹ, Lam Sơn, Thống Nhất, Công-Nông nghiệp Hà Trung, Lam Sơn-Sao Vàng và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa; 2 công ty lâm nghiệp; 3 khu bảo tồn thiên nhiên; 4 khu di tích lịch sử văn hóa; 2 vườn quốc gia (Bến En và Cúc Phương) và Khu Bảo tồn loài Nam Động trên địa bàn tỉnh đang được giao quản lý, sử dụng 196.714,4 ha. Nhìn chung, công tác quản lý, sử dụng đất của các công ty TNHH, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ sau khi sắp xếp, chuyển đổi hình thức, bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là các đơn vị nêu trên được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai rất lớn, quá sức quản lý và đầu tư khai thác nên nảy sinh vấn đề mua bán, chuyển nhượng, cho thuê đất. Một phần do năng lực tài chính khó khăn nên chưa khai thác được tiềm năng đất đai, lao động gắn với sản xuất và chế biến, chủ yếu bán sản phẩm nguyên liệu cho các đơn vị chế biến. Công tác quản lý đất đai thời gian qua còn thiếu chặt chẽ trong đo đạc xác định ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến xâm canh, tranh chấp, lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nhận khoán sản xuất tại nhiều địa phương. Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa có 2 đơn vị trực thuộc được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất (Nông trường Phúc Do và Thạch Thành), nhưng công ty vẫn chưa thực hiện kê khai nghĩa vụ tài chính để ký hợp đồng thuê đất, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách Nhà nước và đây cũng là nguyên nhân các đơn vị chưa quyết liệt giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân có nhu cầu đất ở, đất sản xuất nhưng không được giao. Vì không có đất ở, đất sản xuất nên đời sống của nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc khu vực miền núi gặp khó khăn...

Được biết UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 52 quyết định thu hồi đất của các nông, lâm trường bàn giao cho các địa phương quản lý với diện tích 6.767,57 ha. Tổng diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến tiếp tục bàn giao về địa phương là 2.913,36 ha. Tuy nhiên, hầu hết diện tích này nằm rải rác, không tập trung, khó khăn trong lập phương án đưa quỹ đất vào sử dụng (chưa được xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính). Tiến độ bàn giao đất rất chậm, do thực hiện thủ tục ở nhiều cấp và thiếu sự phối hợp tích cực của các công ty với các huyện, sở, ngành chức năng. Cá biệt, có một số diện tích đất trước đây UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho địa phương quản lý nhưng vẫn chưa thực hiện.

Theo tìm hiểu thực tế tại cơ sở và ý kiến của một số trưởng thôn, lãnh đạo đảng ủy và UBND xã, đại diện lãnh đạo các phòng liên quan, lãnh đạo một số huyện miền núi có nhiều hộ nghèo thiếu đất sản xuất, Ban Dân tộc, thì ngoài nguyên nhân các nông, lâm trường quốc doanh, các ban quản lý rừng phòng hộ... đã được giao quản lý diện tích đất lớn, tình trạng thiếu đất sản xuất tại các huyện miền núi còn do tăng dân số tự nhiên và cơ học, nhiều gia đình mới được bố mẹ cho tách hộ ở riêng, đất bố mẹ cho không đủ hạn mức quy định. Cũng có nhiều hộ trước đây do kinh tế khó khăn đã bán đất sản xuất. Đất tại nhiều huyện miền núi có độ dốc cao, hàng năm ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ gây xói mòn, sạt lở nhiều diện tích đất, đặc biệt đất ven sông, suối, người dân không sản xuất được. Địa hình có độ dốc lớn nên đất có khả năng khai hoang phục vụ sản xuất hạn chế. Cũng có huyện có những cá nhân “ôm” từ vài chục ha đến hơn 170 ha đất sản xuất cũng “góp phần” gây nên tình trạng thiếu đất trên địa bàn. Trong khi đó, việc thu hồi một phần đất đã giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, nông, lâm trường quốc doanh... quản lý đang gặp vướng mắc do các thủ tục pháp lý. Để giải quyết kịp thời, hiệu quả tình trạng thiếu đất sản xuất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng.

Thùy Dương

Bài 2: Cần giải pháp đồng bộ, bền vững.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bai-1-thieu-dat-san-xuat--thuc-trang-va-nguyen-nhan/106401.htm