Bài 1: Tạo nền tảng công nghệ, hướng đến xây dựng nhà trường thông minh

Thế giới đang trong giai đoạn bản lề của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Để phù hợp với xu thế này, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ giáo dục-đào tạo (GD&ĐT), các học viện, nhà trường quân đội (HVNTQĐ) đã tích cực tìm hiểu, tiếp cận phương pháp GD&ĐT tiên tiến; đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT)... với mục tiêu xây dựng 'Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc CMCN 4.0'.

Nhận thức đúng để hành động đúng

Nhận thức CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống, kinh tế-xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các HVNTQĐ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu mới của thời đại. Bởi vậy, ngay từ khi nhận được các chỉ thị, văn bản hướng dẫn của cấp trên về tiếp cận CMCN 4.0, hành động của hệ thống nhà trường quân đội trước tác động của CMCN 4.0, giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo, các HVNTQĐ đã quyết liệt triển khai chương trình hành động phù hợp với đặc điểm thực tiễn của từng đơn vị.

Với vai trò là một trường đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm nghiên cứu khoa học lớn của quân đội và Nhà nước, Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) được xác định là đơn vị nòng cốt triển khai ứng dụng thành quả cuộc CMCN 4.0 trong quân đội, xây dựng học viện theo mô hình nhà trường thông minh, trở thành trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế. Theo đó, học viện xác định, giai đoạn 2018-2025 tập trung nâng cao nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; xây dựng đội ngũ, công tác đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, xây dựng cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, PGS, TS Lê Minh Thái, Phó giám đốc Học viện KTQS cho rằng: "Thời gian tới, lĩnh vực quân sự chắc chắn sẽ xuất hiện các khí tài, trang bị, vũ khí thế hệ mới được hình thành trên nền tảng công nghệ mới, với sự tích hợp giữa các hệ thống kỹ thuật khác nhau. Hệ thống khí tài không còn đơn lẻ cơ khí hay điện tử đơn thuần mà là sự tích hợp kỹ thuật điều khiển, xử lý thông minh, kết hợp giữa vật lý-sinh học... đòi hỏi người sử dụng phải được đào tạo phù hợp để thích nghi, có khả năng nhanh chóng nắm bắt để khai thác, điều khiển chúng".

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường, Giám đốc Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) cũng khẳng định: "Chỉ khi các lực lượng tham gia có nhận thức đúng đắn, có ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận, quyết tâm cao thì việc ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào GD&ĐT mới thực sự đem lại hiệu quả. Từ nhận thức này, trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, học viện chủ trương xác định đúng bản chất cuộc CMCN 4.0 và tác động của nó đến hoạt động giảng dạy của học viện, đồng thời phải phân tích rõ sự cần thiết việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong điều kiện quân chủng đang thực hiện tiến thẳng lên hiện đại...".

Nắm bắt xu hướng của cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến GD&ĐT, những năm qua, Học viện KTQS, Học viện PK-KQ, Học viện Hậu cần... đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch “đón đầu”, ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào nâng cao hiệu quả, chất lượng các mặt công tác. Do đó, chương trình hành động, dự báo của các học viện, nhà trường luôn phù hợp với các chỉ thị, văn bản hướng dẫn từ cơ quan cấp trên. Thiếu tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng, Giám đốc Học viện Hậu cần cho biết: "Học viện đã triển khai kế hoạch hành động với lộ trình cụ thể đến các cơ quan, đơn vị chức năng, trong đó Khoa Khoa học công nghệ là trung tâm phối hợp hiệp đồng. Học viện xác định việc quán triệt nâng cao nhận thức, xây dựng các kế hoạch là hành động đầu tiên, tiếp đó mỗi ngành lại có cách tiếp cận cho từng giai đoạn".

Mặc dù cơ bản các nhà trường đã có nhận thức đúng về việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0 và tích cực triển khai các phương án tiếp cận, nhưng cá biệt vẫn còn một số cán bộ chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Vì vậy, các nhà trường quân đội cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục bảo đảm cho mọi cán bộ, giảng viên thông suốt vấn đề trên thì mới có hành động hiệu quả và thống nhất.

Đổi mới trên nền số hóa

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, Học viện KTQS thực sự là đơn vị đi đầu trong toàn quân tiếp cận cuộc CMCN 4.0 với cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Ở Học viện KTQS, bên cạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và xây dựng cơ sở vật chất, nhà trường xác định công tác đào tạo là một trong những bước đột phá để tiến tới CMCN 4.0. Giai đoạn 2018-2020, nhà trường triển khai cập nhật, bổ sung các học phần mới vào chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, trong đó có các nội dung về an toàn thông tin và công nghệ chuỗi khối, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo... tập trung vào các chương trình đào tạo thuộc các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến CMCN 4.0, như: CNTT, an toàn an ninh hệ thống thông tin, kỹ thuật điện tử-viễn thông, kỹ thuật cơ-điện tử...

Trước xu thế phát triển của CMCN 4.0 và những thách thức đặt ra với sự nghiệp bảo vệ bầu trời Tổ quốc nói chung, công tác GD&ĐT và nghiên cứu khoa học nói riêng, Học viện PK-KQ đã được khảo sát để đầu tư, xây dựng nhà trường thông minh, tiếp tục ứng dụng CNTT trong quản lý theo dõi hệ thống mạng, điều hành, quản lý học viện, quản lý các văn bản, xây dựng hệ thống thư viện số, nghiên cứu các thiết bị mô phỏng, tập trung ứng dụng công nghệ mô phỏng đối với các loại vũ khí, trang bị mới, cải tiến. Trong đó, giai đoạn 1 (2018-2020) học viện chủ yếu tập trung vào những dự án ngắn hạn, lĩnh vực CNTT; giai đoạn 2 (2021-2025) đầu tư vào những nội dung lớn hơn, những hạng mục đòi hỏi kinh phí nhiều hơn, như: Trung tâm mô phỏng, hệ thống về các giảng đường, phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế... Đại tá, Thạc sĩ Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự, Học viện PK-KQ cho biết: "Thời gian qua, các dự án: “Ứng dụng CNTT vào công tác chỉ huy điều hành, quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tại Học viện PK-KQ”, “Xây dựng hệ thống sở chỉ huy diễn tập sư đoàn PK, KQ” được áp dụng rất hiệu quả trong thực tiễn. Hiện nay, học viện đang tiến hành khảo sát, triển khai bước đầu dự án “Trung tâm mô phỏng vũ khí, khí tài mới, cải tiến, tính toán chiến thuật, chiến dịch PK, KQ”.

Tuy không phải là trường chuyên về kỹ thuật nhưng Học viện Hậu cần đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin đồng bộ, liên thông, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giảng dạy, thiết kế các phần mềm, thiết bị mô phỏng phục vụ GD&ĐT, phục vụ huấn luyện SSCĐ tại đơn vị; xây dựng và khai thác hiệu quả mạng truyền dữ liệu quân sự, thư viện số và phòng máy tính kết nối mạng nội bộ, internet. Thiếu tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng cho biết: "Đến năm 2020, học viện sẽ hoàn thành việc rà soát, chỉnh sửa, bổ sung nội dung ứng dụng CNTT để bảo đảm ứng dụng, phát triển CNTT, coi đây là những nội dung quan trọng, bắt buộc phải có trong các chương trình, kế hoạch công tác quân sự, quốc phòng...".

Có thể thấy, việc nâng cao năng lực tiếp cận, tận dụng cơ hội, thành quả của khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ nhiệm vụ GD&ĐT sát với yêu cầu, nhiệm vụ của quân đội trong tình hình mới cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các nhà trường vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cũng như đề xuất những giải pháp với cơ quan cấp trên để hoạt động này vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.

DUY ĐÔNG - THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bai-1-tao-nen-tang-cong-nghe-huong-den-xay-dung-nha-truong-thong-minh-549029