Bài 1: Tầm nhìn đột phá

Ngày 22-10-2019, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công bố danh sách 21 thành phố, khu vực được vinh danh có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu của thế giới năm 2020 (Smart21).

Một lần nữa, Bình Dương tiếp tục là địa phương duy nhất của Việt Nam vinh dự nằm trong danh sách này. Đó là sự khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Dương vươn tới mục tiêu xây dựng TPTM, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và khát vọng hội nhập, nâng tầm thương hiệu Bình Dương.

Bình Dương vốn là tỉnh thuần nông, được tái lập cách đây gần 22 năm. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn trăn trở tìm hướng đi mới, tạo sự bứt phá cả về quy mô, diện mạo và đời sống người dân. Một trong những chủ trương quan trọng là xây dựng TPTM Bình Dương với đầy đủ những điều kiện hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong quản lý, điều hành với cơ chế mở để phát huy cao độ tiềm năng, nhân lực, vật lực. Chủ trương này thể hiện tầm nhìn chiến lược, đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của tỉnh nhà.

Đồng thuận chủ trương

Những năm đầu mới tái lập, Bình Dương đã mạnh dạn đột phá với chiến lược công nghiệp hóa, đưa tỉnh từ một địa phương thuần nông trở thành vùng công nghiệp tiêu biểu của cả nước. Tuy nhiên, Bình Dương đang phải đối mặt với những thách thức ngắn, trung và dài hạn, như: Dựa nhiều vào sản xuất truyền thống, vật giá và chi phí lao động tăng, giảm lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp gia công giá rẻ, tăng nhanh dân số cơ học, chủ yếu là lao động phổ thông; tình trạng ô nhiễm môi trường do các ngành gia công gây ra…

 Trung tâm thương mại Bình Dương sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trung tâm thương mại Bình Dương sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trước thực trạng trên, muốn phát triển nhanh, Bình Dương cần chuyển hóa nền kinh tế từ sản xuất truyền thống sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hướng tới nền kinh tế tri thức và nâng tầm đô thị, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bởi vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng TPTM ở các nước trên thế giới để vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Đầu năm 2015, Bình Dương ký kết biên bản ghi nhớ với thành phố Eindhoven (Hà Lan) về hợp tác và triển khai mô hình phát triển KT-XH hợp tác “ba nhà”. Cũng trong năm đó diễn ra Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Với tầm nhìn chiến lược, nghị quyết đại hội xác định mục tiêu tổng quát: “… Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ-công nghiệp gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học… xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020”. Tỉnh ủy Bình Dương cũng thống nhất xác định 5 chương trình đột phá (2016-2020), trong đó nhấn mạnh việc quy hoạch phát triển đô thị văn minh, giàu đẹp; đổi mới, thu hút đầu tư, nâng tầm quốc tế thương hiệu Bình Dương.

Theo đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương: Để có được chủ trương này là cả quá trình tích lũy, bám sát điều kiện và đòi hỏi thực tiễn, quyết tâm đổi mới, phát triển KT-XH, xây dựng TPTM. Nghị quyết và các chương trình hành động của Tỉnh ủy nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là cơ sở để Bình Dương quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện chủ trương, nghị quyết, hoàn thành 5 chương trình đột phá đề ra.

Trụ cột hợp tác “ba nhà”

Triển khai thực hiện biên bản ký kết, nghị quyết và các chương trình đột phá, cũng là thời điểm các đơn vị chức năng của tỉnh xây dựng đề án TPTM Bình Dương sau khi đã học tập, nghiên cứu nhiều mô hình trên thế giới, đặc biệt là mô hình “ba nhà” của thành phố Eindhoven. Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết: "Sau nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, lãnh đạo tỉnh cùng các chuyên gia tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven đã khẳng định tính khả thi trong việc ứng dụng mô hình “ba nhà” vào Bình Dương có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương".

Đề án TPTM Bình Dương với tên gọi đầy đủ là “Binh Duong Navigator 2021-Đề án phát triển KT-XH Bình Dương, triển khai mô hình hợp tác “ba nhà”, hướng tới đô thị thông minh” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 21-11-2016. Đây là sự thể hiện quyết tâm quy tụ nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, những giá trị mới của nền kinh tế khu vực và toàn cầu trong thế kỷ 21, vươn tới nền kinh tế dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, có khả năng thích ứng với những biến chuyển của thế giới, từng bước hướng đến đô thị thông minh, đáp ứng nhu cầu mới của người dân và doanh nghiệp.

TS Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, giải thích: Mô hình “Ba nhà” là trụ cột xây dựng TPTM, bao gồm: Nhà nước (chính quyền địa phương), nhà doanh nghiệp và nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu). Trong mối quan hệ này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo, hiệu quả của hai yếu tố kia; doanh nghiệp và nhà trường, viện nghiên cứu nhận trách nhiệm tương ứng trên mỗi lĩnh vực. Các bên liên quan trong hợp tác “ba nhà” sẽ cùng đóng góp vào tiến trình chung thông qua việc cùng chia sẻ những mối quan tâm, kiến thức, tư tưởng, tầm nhìn, hành động cụ thể cho sự phát triển trong tương lai.

Mặc dù học tập từ thành phố Eindhoven, nhưng Bình Dương có cách tiếp cận riêng. TPTM được hiểu là hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối, trong đó mọi thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới, sáng tạo không ngừng và tối ưu hóa. Điều này khác với mô hình học tập ở nước ngoài và cũng khác xa so với mô hình xây dựng TPTM ở một số địa phương trong nước, khi chỉ nhấn mạnh yếu tố công nghệ hiện đại. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp-CTCP (Becamex IDC), doanh nghiệp trực tiếp tham gia thực hiện đề án TPTM Bình Dương, nhấn mạnh: “Bình Dương không lựa chọn bước khởi đầu là ứng dụng giải pháp công nghệ nâng cấp từng lĩnh vực nhỏ, như: Giao thông, quản lý đô thị, chính phủ điện tử… mà lựa chọn hợp tác chiến lược với thành phố Eindhoven, ứng dụng mô hình “ba nhà” để phát triển đồng bộ, đưa nền kinh tế chuyển dần sang sản xuất công nghệ cao, từng bước vươn tới TPTM theo tiêu chí của ICF. Đề án được coi là chiến lược phát triển mới của Bình Dương đến năm 2021 nhằm hiện thực hóa 5 chương trình đột phá của Tỉnh ủy Bình Dương, giai đoạn 2016-2020”.

HÙNG THÀNH KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-tam-nhin-dot-pha-603384