Bài 1: Quản lý theo quy hoạch và có kế hoạch

'Quy hoạch phải đi trước một bước', đó là nguyên lý trong phát triển đô thị. Tuy nhiên, hầu hết các quy hoạch phát triển đô thị ở Hà Nội đều bị 'phá vỡ' chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện, gây lãng phí tài nguyên và nguồn lực. Trên thực tế xuất phát từ đặc thù riêng, quy hoạch Thủ đô Hà Nội không đơn thuần như quy hoạch một đô thị lớn. Trong khuôn khổ loạt bài 'Để quy hoạch Thủ đô xứng tầm', Báo Lao động Thủ đô xin nêu ra một phần thực trạng và những tồn tại trong quy hoạch, từ đó đóng góp ý kiến để xây dựng Thủ đô Hà Nội 'Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại' đúng như yêu cầu đã đặt ra trong Đề án quy hoạch Hà Nội năm 2030 định hướng 2050.

Trong suốt 10 thế kỷ (từ năm 1010-2018) lịch sử hình thành và phát triển của Thủ đô Hà Nội gắn liền với quá trình đô thị hóa. Khu thành cổ, khu 36 phố phường, khu phố Pháp qua các thời kỳ đều được xác định là trung tâm Hà Nội cổ hay đô thị lõi lịch sử, là trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế, nơi tập trung các cơ quan đầu não của nhà nước Việt Nam, nơi diễn ra những hoạt động văn hóa mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, quy hoạch Thủ đô Hà Nội không đơn thuần như quy hoạch một đô thị lớn mà còn phải cân nhắc đến nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan.

Quy hoạch đi trước như thế nào

Giai đoạn từ hòa bình lập lại đến nay, Hà Nội đã nhiều lần quy hoạch lại thành phố với nguyên tắc là “Xanh – Văn hiến - Văn minh – Hiện đại”. Thực tế, trong lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội tính đến thời điểm đồ án Quy hoạch chung Hà Nội mở rộng được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 7/2011 đã có 6 lần điều chỉnh quy hoạch chung (không kể các lần điều chỉnh cục bộ). Ít ai biết rằng, khi tiếp quản Thủ đô năm 1954, Hà Nội chỉ rộng vỏn vẹn với diện tích 152km2 gồm 8 quận huyện, 4 quận nội thành, 34 khu phố với dân số 37.000 dân và 4 quận ngoại thành với 35 xã, 16.000 dân. Đến thành phố đã rộng gấp 20 lần với dân số hơn 7,5 triệu người.

Bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

Năm 1960, với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Ba Lan lần đầu tiên bản đồ án “Quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội” được hoàn thành. Định hướng thành phố phát triển chủ yếu ở khu vực phía Nam sông Hồng và một phần khu phía Bắc (Gia Lâm, Đông Anh). Chủ yếu về phía Tây Bắc là các khu Phú Thượng, Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, phía Tây là khu vực Cầu Giấy, Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa, Tây Nam chủ yếu dọc theo QL6, phía Nam là khu vực Giáp Bát, một phần khu vực Định Công.

Thời gian này trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở miền Nam trở nên ác liệt, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc như vậy rõ ràng cần xem xét lại hướng phát triển của Thủ đô đã xác lập trong quy hoạch 1962, phải gắn kết với khu vực xung quanh Sơn Tây, Xuân Mai. Nhiều phương án về luận chứng phát triển Thủ đô đã được nghiên cứu cuối cùng phương án chọn là khống chế Hà Nội với 40 vạn dân, phát triển thủ đô ở Vĩnh Yên với 60 vạn dân. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ toàn thắng đã mở ra các giai đoạn mới phát triển của Thủ đô. Yêu cầu mới đòi hỏi lại phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các chuyên gia Liên Xô đã cùng chuyên gia nước ngoài nghiên cứu quy hoạch chung điều chỉnh. Hội đồng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 qui mô dân số là 1,5 triệu dân. Ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường, các thành phố vệ tinh xung quanh Hà Nội làm chức năng công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch, nghỉ mát. Khái niệm chùm đô thị Hà Nội đã được triển khai.

Đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh

Bước sang thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội cần có mật độ dân cư hợp lý cũng như phát triển lao động có chất lượng cao tương xứng với cơ cấu kinh tế mới là dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp sinh thái. Việc lựa chọn mở rộng không gian, mở rộng địa giới Hà Nội trước hết là yêu cầu cấp thiết là ý chí, nguyện vọng mong muốn của người dân Hà Nội và của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, thuận lợi trong hội nhập với khu vực thế giới.

Trong bản Quy hoạch Hà Nội 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ là Đô thị hạt nhân - đa chức năng với chức năng hành chính, chính trị quốc gia là nổi bật. Hà Nội có 5 khu đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh và Sóc Sơn. Các khu đô thị vệ tinh này có chức năng riêng biệt hỗ trợ đô thị hạt nhân phát triển tạo thành chùm đô thị vệ tinh xung quanh Đô thị hạt nhân tránh mô hình đô thị phát triển theo dạng lan tỏa và đô thị tập trung phát triển quá mức.

Trong bản Quy hoạch Hà Nội 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ là Đô thị hạt nhân - đa chức năng với chức năng hành chính, chính trị quốc gia là nổi bật. Hà Nội có 5 khu đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh và Sóc Sơn. Các khu đô thị vệ tinh này có chức năng riêng biệt hỗ trợ đô thị hạt nhân phát triển tạo thành chùm đô thị vệ tinh xung quanh đô thị hạt nhân tránh mô hình đô thị phát triển theo dạng lan tỏa và đô thị tập trung phát triển quá mức.

Theo quy hoạch, đô thị hạt nhân là trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của cả nước, khu vực và thành phố Hà Nội, có dân số khoảng 4 - 4,5 triệu người, được mở rộng từ đô thị lõi lịch sử về phía Tây đến tuyến đường Vành đai IV, về phía Bắc sông Hồng – Khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm theo định hướng của Quy hoạch 1998. Trong đó, thành phố lõi lịch sử được kiểm soát bảo tồn nghiêm ngặt các di sản di sản văn hóa Thăng Long cổ và lối sống truyền thống của người Hà Nội, dân số tối đa là 0,8 triệu người, khống chế kiểm soát mật độ và tầng cao xây dựng.

Khu vực Gia Lâm, Long Biên phát triển dịch vụ chất lượng cao như thương mại, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, đào tạo nghề, y tế chuyên sâu...và hỗ trợ các ngành công nghiệp dọc Quốc lộ 5. Huyện Đông Anh sẽ tập trung phát triển thương mại giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, trường quay gắn với bảo tồn di tích Cổ Loa và đầm Vân Trì, trung tâm thể thao thành phố Hà Nội. Huyện Mê Linh là khu đô thị dịch vụ và công nghiệp sạch, đa ngành, kỹ thuật cao kết nối với sân bay Nội Bài, phát triển trung tâm triển lãm EXPOR, hội chợ hoa kết hợp trung tâm khoa học công nghệ chuyên ngành hoa và cây.

Năm khu đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh và Sóc Sơn có dân số từ xấp xỉ từ 21 vạn đến 75 vạn người/1 đô thị. Mỗi đô thị vệ tinh sẽ có một hoặc nhiều nhân tố chính để tạo công ăn việc làm và có chức năng đặc thù riêng để hỗ trợ, chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo chất lượng cao, công nghiệp, dịch vụ...

Trong đó Hòa Lạc là đô thị khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến nhất của Việt Nam, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và vùng. Sơn Tây là hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cửa ngõ Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, là đô thị văn hóa lịch sử du lịch sinh thái, phát triển tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp sinh thái. Xuân Mai là đô thị đại học và dịch vụ cửa ngõ phía Tây Nam Hà Nội.

Phú Xuyên – Phú Minh là đô thị vệ tinh phía Nam của Thủ đô, phát triển công nghiệp, kho tàng, các dịch vụ trung chuyển, đầu mối phân phối, tiếp vận hàng hóa và Logistics phân phối nông sản vùng. Sóc Sơn là đô thị cửa ngõ phía Bắc Hà Nội, là đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng hàng không Nội Bài gắn với bảo tồn khu vực núi Sóc… Như vậy có thể thấy định hướng phát triển không gian vùng Thủ đô đã được nêu rất rõ trong quy hoach, tuy nhiên trên thực tế công tác quy hoạch của chúng ta vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thành phố.

Tuấn Dũng

Kỳ II: Nâng cao công tác kiểm soát việc thực hiện quy hoạch

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-1-quan-ly-theo-quy-hoach-va-co-ke-hoach-78366.html