Bài 1: Phong Dụ Thượng - Về nơi đất ít tình nhiều

Bài 1: Phong Dụ Thượng - Về nơi đất ít tình nhiều

(Xây dựng) - LTS: Lên Yên Bái hôm nay cảm nhận về một tỉnh vùng cao ổn định và tràn đầy sức sống mới. Người ta bảo, có được như vậy ngoài tiềm năng địa lợi nhân hòa, Yên Bái đang có một thế mạnh là đội ngũ cán bộ lãnh đạo vững mạnh. Những Bí thư Chi bộ, trưởng thôn biết việc; những cán bộ xã, cán bộ huyện “nằm vùng”; một nữ Bí thư Tỉnh ủy bản lĩnh, hy sinh thương dân như con; một Chủ tịch UBND tỉnh tuổi trẻ năng động, tâm huyết và trí tuệ... Họ đang viết những điều kỳ diệu bằng sự khiêm nhường mà lặng lẽ.

Vóc dáng bản làng văn hóa mới từ hiệu quả nỗ lực tái định cư di dân vùng lũ.

1. Tìm kiếm trên google xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nổi tiếng với hình ảnh con đường đất lầy lội mùa mưa, những vũng sống trâu lồi lõm và ám ảnh cảnh các thầy cô giáo cắm bản trầy trụa ngã khi cõng xe máy vượt đèo lên bản.

Đấy là chuyện của năm ngoái. Còn hôm nay trong tiết Xuân phơi phới, chúng tôi đã đi ôtô lên Phong Dụ Thượng, vào tận bản Lùng.

Từ trung tâm huyện lỵ Văn Yên vào Phong Dụ Thượng phải qua 2 xã với gần 30 cây số tuyến đường Đông An - Gia Hội gập ghềnh khúc khuỷu, mất chừng 90 phút. Nhưng cam đoan bạn sẽ khó mà mệt, mà say xe được vì mê mải ngắm con suối Hút rộng lớn mà hiền hòa quanh co miệt mài chảy theo ta dưới chân đèo suốt dọc hành trình, ngắm những bản làng bình an dưới thung sâu, ngắm những nếp nhà sàn yên ả nép bên những lùm cây ven đường, vượt qua trung tâm xã Phong Dụ Hạ sầm uất như phố thị rồi lại vượt đèo đổ dốc lên cao mãi...

Đến khi chạm đỉnh đèo giáp trung tâm xã Phong Dụ Thượng là ta sẽ tỉnh hết cơn nôn nao ngây ngất say và mệt, khi chạm mắt xuống thung lũng gặp cánh đồng làng Chạng, Pinh Cại nhấp nhô ruộng bậc thang, ẩn hiện nếp nhà sàn xưa cũ quần tụ đông đúc rất hữu tình. Người ta bảo vào mùa lúa chín thung lũng trung tâm Sùng Đô, Sài Lương, Gia Hội, Nậm Có đẹp không kém gì Mù Cang Chải.

Bí thư Đảng ủy xã Phong Dụ Thượng Nguyễn Thượng Phi giao vội chúng tôi cho Phó bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Mai Quốc Ngữ rồi lại tất bật đi cùng đoàn thiện nguyện của DN từ Hà Nội lên đi thực tế hiện trường để xây dựng cho xã 2 phòng học mới.

Đường vào bản Lùng chừng 6 - 7 cây số sẽ phải qua 2 lần lội qua suối, trừ mưa lũ và mấy tiếng trong ngày khi thủy điện Ngòi Hút xả nước thì cơ bản suối cạn đến bắp chân, nước trong vắt thấy rõ những viên đá cuội nhẵn bóng dưới lòng suối.

Hai bên bờ suối, dọc đường lên bản Lùng lổn nhổn những đá là đá. Đá to vuông vức viên lớn bằng cả… chiếc xe tăng, viên nhỏ cỡ chiếc bàn uống nước nằm la liệt không theo trật tự nào cả. Anh Ngữ bảo “ấy là bao nhiêu sức người, sức máy cần mẫn dọn 5 - 6 tháng trời mới trả lại đường lên bản hôm nay đấy!”.

Theo anh Ngữ, khi lớn lên đã thấy Phong Dụ Thượng nhiều đá như thế!

Tuy nhiên sau trận lũ vừa rồi Trời dội thêm đá mới cho Phong Dụ Thượng, người ta mới nghĩ rằng hẳn cả trăm năm trước chắc nơi đây cũng đã hứng trận phong ba tương tự như thế nên Phong Dụ Thượng còn nguyên dấu tích những khối đá rêu phong vô lối, nửa trồi trên mặt đất nửa bị vùi trong đất bao đời. Mùa bơm nước ngập đồng để ải nhìn đá nhô lên như vịnh Hạ Long cạn rất đẹp!

2. Kể lại chuyện sau lũ, anh Ngữ cười ha hả: Đến bây giờ vẫn không hiểu nổi phép màu nào cứu được cho mấy chục con người bản Lùng đêm ấy. Nước lũ về quét nhanh đến bất ngờ. Những cơn bão đá từ sườn núi sầm sập lao xuống long trời lở đất. Phía dưới suối Hút nước dâng cuồn cuộn như cơn cuồng nộ của Sơn Tinh, con suối Hút bị nắn đổi dòng hung dữ chảy thẳng vào bản Lùng xé toạc bản nhỏ thành 2 mảnh, cuốn trôi 15 nóc nhà trên đường đi của lũ.

Nhiều người vô tội không kịp chạy ra khỏi nhà. Ấn tượng nhất là sau lũ, những người cứu nạn vỡ òa niềm vui sướng khi bới trong đống hoang tàn đổ nát của một ngôi nhà, tìm thấy hơn 10 người lớn bé già trẻ mắc kẹt trong đó, trong tư thế nắm tay nhau bất lực chờ đón lưỡi hái của Thần Chết. Ngôi nhà gỗ mái đã đổ sụm, ấy vậy mà như có phép màu cái khung nhà mắc vào cây cột điện đổ níu lại, mọi người bấu chặt cột điện và cùng may mắn sống sót.

Có lẽ nhờ hồng phúc ấy, bản Lùng dẫu tay trắng cũng không bị rơi vào trạng thái tang thương, lãnh đạo xã và dân lại lạc quan dựng bản xây cuộc đời mới.

Bản Lùng mới hôm nay là kết quả của sự sáng tạo, linh hoạt của chính quyền và nhân dân xã Phong Dụ Thượng, của huyện Văn Yên, sự quan tâm và ý chí quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Yên Bái nhanh chóng xây dựng trong 4 tháng kịp cho gần 20 hộ đồng bào bị mất toàn bộ nhà cửa trong trận lũ quét có nhà mới đón Tết, đồng thời giải quyết được khoảng 40 hộ không mất nhà nhưng thuộc diện phải di dời khẩn cấp khỏi vùng nguy hiểm.

Nguyên một phần đất bản Lùng vốn là vạt đồi thuộc gia đình Bí thư Chi bộ trưởng thôn Nguyễn Văn Minh khai phá để canh tác trồng ngô và hoa màu. Nhưng sau khi lũ quét xảy ra, đích thân trưởng thôn đi kiểm đếm từng hộ, từng nhân khẩu và chứng kiến cảnh hàng chục hộ gia đình màn trời chiếu đất trắng tay, hàng trăm mạng người sống trong nguy cơ mất an toàn cao cần di dời khẩn cấp, người đảng viên trưởng thôn này đã đề xuất tự nguyện hiến đất nhà mình và vận động bà con xung quanh chung sức cho huyện triển khai kế hoạch lập bản mới, chỉ nhận một phần kinh phí đền bù thiệt hại hoa màu.

Chỉ trong vòng 4 tháng, vạt đồi được mở đường đổ bê tông gần 2km chạy dọc bản, mặt bằng san lấp đủ chỗ dựng nhà cho gần 60 hộ dân đa dạng sắc thái: Cụm nhà người Mông phía trên cao nhất; người Dao người Thái ở giữa, người Tày thấp hơn. Một nhà văn hóa khang trang theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy đang hoàn thiện làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho bà con trong bản.

Niềm vui trong căn nhà mới. Ảnh: Dịch Phong

Tôi vào ngôi nhà vợ chồng người Mông trên cao nhất bản, gặp vợ chồng Lù Giàng Dê. Nhắc lại kỷ niệm sau đêm lũ dữ nhà bị cuốn trôi chị Mao đỏ mặt cười bẽn lẽn. Một mình Tráng Thị Mao khi đó vừa khóc vừa điên dại đi bới đống đổ nát hàng cây số ấy tìm cái cột nhà chỉ vì trong nó khoét hốc nhỏ, vợ chồng chắt chiu tích lũy được 35 triệu bạc mà lũ dữ tàn nhẫn cuốn phăng.

Tôi hỏi: Thế vừa rồi nhận được bao nhiêu tiền ủng hộ và thiện nguyện? Chỉ tay vào đống bao thóc chất cao qua đầu ở giữa nhà, Mao thật thà không giấu giếm: Nhà mình được 160 triệu và nhiều thóc gạo lắm! Đấy, giờ không sợ đói đâu.

Gặp lúc Lù Giàng Dê vừa từ ruộng về. Anh Dê kể: Đang tìm mọi cách vớt vát cứu ruộng lúa cũ bị đá lũ vùi lấp lấy cái mà sinh nhai.

Không than vãn cũng không trông đợi vào ai giúp, anh Dê đã thuê máy xúc mỗi giờ 700 ngàn đồng để gạt đá cứu ruộng, đầu tư hơn 6 triệu đồng mua ống dẫn nước vào đồng.

3. Đến bản Lùng hôm nay đi từ đầu đến cuối bản đều gặp những gương mặt người rạng rỡ niềm vui và nụ cười nở trên môi. Không cần biết khách là ai, cứ đi ngang cửa là được mời vào nhà, mời bước lên sàn. Gặp bữa là mời cơm nhiệt tình và chỉ cần khách gật đầu đồng ý là thịt gà, là hái rau vườn nấu cơm đãi khách.

Mỗi một dân tộc một sắc thái riêng trang phục riêng tạo thành một bản làng ấm áp. Trên những cây sào phơi ngang nhà váy hoa xòe người Mông, váy nhung đen dài mượt mà người Thái, khăn đỏ khăn hồng người Dao khoe sắc rất sinh động.

Và tôi thấy ánh lên trong mắt những người lãnh đạo xã Phong Dụ Thượng niềm khát khao thay đổi.

Phong Dụ Thượng đang phô diễn hết vẻ đẹp an hòa trời phú từ đất và người mời gọi du khách yêu thiên nhiên lên khám phá.

Ở bản Lùng nhà nào cũng có khu vệ sinh tự hoại, nước sạch dẫn từ bể chứa trên núi về tận từng nhà và điện chiếu sáng kéo từ trung tâm xã vào. Khí hậu ở Phong Dụ Thượng cơ bản ôn hòa mát mẻ, mùa hè ban đêm ngủ vẫn phải đắp chăn.

Trong thời gian lưu lại Phong Dụ Thượng có thời gian du khách có thể đi tắm suối nước nóng thiên nhiên nguyên sơ (giao lưu cùng giáo bản). Nơi đây chưa có tổ chức cá nhân nào đầu tư kinh doanh khai thác, cách trung tâm xã khoảng 7 - 8 cây số.

Giống như Mù Cang Chải, lên Phong Dụ Thượng dịp tầm tháng 8 - tháng 10 mùa lúa mới sẽ được ngắm ruộng bậc thang trải một màu vàng óng.

Tháng Giêng sẽ được hòa mình vào những lễ hội truyền thống nguyên bản của bà con dân tộc mà nhiều lễ hội đã được xếp loại di sản văn hóa phi vật thể: Lễ hội lồng tồng của người Tày; lễ cấp sắc của người Dao; múa xênh tiền cúng ma của người Mông... Tất nhiên những lễ hội này tại Phong Dụ Thượng chưa có màu sắc thương mại và được thưởng thức hay không còn tùy duyên.

Mong sao sớm có một con đường tốt nối với Phong Dụ Thượng đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây để nhiều người lên với vùng cao, với bản Lùng.

Huệ Anh - Hà Vy

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bai-1-phong-du-thuong-ve-noi-dat-it-tinh-nhieu.html