Bài 1: Nỗi lo chống dịch

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của chính quyền từ trung ương đến địa phương, thời gian qua tốc độ lây lan dịch bệnh đã bước đầu được ngăn chặn hiệu quả, một số địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh sau 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi còn chủ quan buông lỏng khiến cho dịch bệnh có chiều hướng bùng phát trở lại.

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại

Tiêu hủy lợn bệnh tại xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang).

Tiêu hủy lợn bệnh tại xã Nghĩa Trung (Việt Yên, Bắc Giang).

Lợn chết cả đàn vẫn chưa xác định được nguyên nhân

Bao nhiêu năm gắn bó với nghề chăn nuôi, chưa bao giờ lão nông Thân Văn Hòa (Thôn Yên Sơn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) phải đối mặt với một “cơn bão” dịch bệnh lớn như vừa qua. 74 con lợn là cả một gia tài của gia đình ông Hòa bỗng dưng mất trắng chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng.

Từ tháng Tư, lợn nhà ông Hòa đã bị ốm, cứ nghĩ là lợn bị sốt thông thường nên ông đi mua thuốc về tự điều trị nhưng ông càng chữa trị, lợn càng bệnh nặng hơn. Ban đầu chết con một, sau thì cùng lúc vài con. Ông bảo: “Lứa nào nuôi cũng hao hụt nên tôi nghĩ mấy con chết cũng không có gì lạ”.

Trại lợn nhà ông Hòa giờ đã trống trơn.

Nhưng khi chết mất mười con thì ông bắt đầu lo, ông đã đi báo xã và nhận được chỉ đạo “giữ nguyên hiện trường”, nửa ngày sau mới có lực lượng chức năng địa phương đến kiểm tra, lập biên bản lợn chết và yêu cầu gia đình tự mang lợn đi tiêu hủy. Nhìn con lợn to hàng tạ để lâu bốc mùi hôi thối nằm giữa chuồng lẫn với những con lợn khỏe ông vô cùng lo lắng. Nhà không có phương tiện, đi thuê xe thì không ai nhận lời giúp, cực chẳng đã ông Hòa phải “cầu cứu” lên lãnh đạo huyện Việt Yên, đến lúc này lợn bệnh nhà ông mới được mang đi tiêu hủy và phun thuốc khử trùng tiêu độc.

Đến nay, điều khiến ông Hòa trăn trở nhất là khi gia đình ông Hòa rơi vào cảnh trại không, chuồng trống, vẫn chưa có ai đến trang trại hay đến nhà để nói cho ông biết về dịch tả lợn châu Phi. Lần gần đây nhất khi đàn lợn nhà ông đã chết vãn cả trại, chỉ còn vài con thì bỗng có cán bộ tỉnh về đòi lấy mẫu.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Hùng thừa nhận sự chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi, cũng như sơ suất trong xử lý dịch tại địa phương: “Việc chậm xử lý lợn chết ở vài hộ là có, và đó là lỗi của chúng tôi. Những ngày gần đây mật độ lợn chết dày hơn, nên chúng tôi đã báo cáo lên huyện, xin tăng cường, tránh tái diễn tình trạng người dân báo lên mà không được xử lý”.

“Đến trung tuần tháng Ba, địa phương đã thấy yên tâm vì chưa xảy ra vấn đề gì. Với xã Nghĩa Trung, đến giữa tháng Tư năm nay vẫn chưa xuất hiện dịch bệnh nào, chúng tôi đã nghĩ là do công tác phòng dịch tốt nên khá mừng và yên tâm. Ngày 11-4, con lợn nái nhà bà Nụ chết bất thường, nhãng đi mấy hôm, đến ngày 18-4 thì xuất hiện ở hộ thứ hai, rồi lợn cứ thế chết rải rác từ đó đến nay”, Hùng nói.

Ông Đỗ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung Hùng thừa nhận sự chủ quan trước dịch tả lợn châu Phi.

Mặc dù trên địa bàn có nhiều trại lợn bị bệnh có những biểu hiện giống như dịch tả lợn châu Phi nhưng lãnh đạo địa phương vẫn khẳng định trên địa bàn xã Nghĩa Trung và huyện Việt Yên vẫn chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về việc địa phương có dịch tả hay không(?)

“Chúng tôi mới gửi mẫu đi để xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi, hiện vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Trước đây, những con lợn bị tiêu hủy đều cho khám lâm sàng sau đó cho đi tiêu hủy nên chúng tôi cũng không biết những con lợn đó có phải chết do dịch tả lợn châu Phi hay không?”, ông Hùng nói.

Lợn chết lềnh bềnh trôi sông

Khoảng hai mươi tấn lợn của hàng chục hộ dân ở xã Đức Thắng (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đã phải mang đi tiêu hủy. Một tháng qua, 18 thành viên của HTX chăn nuôi xã Đức Thắng mất ăn mất ngủ, nơm nớp lo phòng dịch. Hai tuần nay, trên sông Tân An, đoạn chảy qua địa bàn xã có hàng trăm xác lợn chết trôi. Cả một vùng bốc mùi xú uế. Hôm đầu tiên ngửi thấy mùi bất thường, ông Vũ Minh Chiến, Giám đốc HTX chăn nuôi, xã Đức Thắng hốt hoảng tưởng trại HTX mình có con lợn nào chết. Rà kỹ từng ngóc ngách các chuồng trại không thấy, ông và các thành viên HTX chia nhau đi tìm khu vực chung quanh thì phát hiện dưới sông đầy xác lợn trương phình.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Đức Thắng rầu rĩ thừa nhận việc có nhiều xác lợn trôi trên quãng sông ở địa bàn xã nhà, nhưng… không biết là từ đâu trôi về. Xã đã huy động cán bộ và nhân dân làm tổng vệ sinh, vớt khoảng ba tấn lợn chết lên để xử lý. Không chỉ ở Hưng Yên, mà “vấn nạn” lợn mắc dịch tả lợn châu Phi trôi sông, kênh, mương còn diễn ra ở nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang.

Bà Trần Thị Hảo tăng tốc qua cầu phao sông Hóa (nối hai huyện Thượng Thụy - Hải Phòng và huyện Thái Thụy - Thái Bình). Lên bờ, chạy một quãng xa nữa, bà dừng xe, ngồi bệt xuống rệ đường ôm ngực thở. Từ giữa tháng Tư bà Hảo đã thấy nhiều lợn chết dạt vào cầu phao, Ban chỉ huy Quân sự huyện và UBND các xã đã phải tổ chức gom vớt, chôn hủy đến 300 con.

“Những con lợn đã chuyển màu vàng, phân hủy. Cuối tháng Tư, suốt mấy ngày liên tiếp, ngày nào họ cũng vớt được lợn trôi sông”, bà Hảo rùng mình kể. Ngay sát cầu phao, lẫn trong đám lục bình là những xác lợn chết, vài bao tải mục, rách toạc chứa đầy xác lợn. “Đang dịch tả lợn châu Phi khắp nơi mà ném lợn trôi sông thế này thì chẳng mấy mà vùng an toàn biến thành ổ dịch”, bà Hảo kinh hãi nói.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay cũng xuất hiện tình trạng lợn chết không rõ nguyên nhân, không ai khai báo với cơ quan chức năng. Do khó khăn về đất đai chôn lấp, người dân chở xác lợn chết vứt xuống suối, ngòi, kênh, rạch, vệ đường. Có địa phương, lợn vứt dưới ngòi đọng lại như bè mảng, không những gây ô nhiễm môi trường trầm trọng mà còn làm cho việc kiểm soát dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Hà Châu, huyện Phú Bình Nguyễn Viết Đài cho biết: “Hà Châu đất chật, người đông, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, lợn chết nhiều, trong khi đó quỹ đất công cơ bản đã hết nên việc chôn lấp lợn gặp rất nhiều khó khăn”. Có địa phương, người dân ngăn cản chôn lấp lợn chết gần khu dân cư, gần ruộng, gần đường nên chính quyền phường đã phải huy động ngành chức năng đến bảo vệ hiện trường để chôn lấp lợn.

Còn Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên thì lắc đầu ngao ngán: Từ trước tới giờ chưa có dịch nào lớn như dịch tả lợn châu Phi hiện nay, lợn chết nhiều, không ít địa phương thiếu chỗ chôn. Thời gian qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp dập dịch, trong đó nghiêm cấm việc vứt xác lợn chết ra ao, ngòi, sông, suối, mương, máng... Việc tiêu hủy xác lợn chết ở một số địa phương như chôn lấp lợn chết gần trang trại chăn nuôi, khu dân cư thời gian qua đã khiến nhân dân sở tại bức xúc, phản ứng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra thực địa tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh tại một số địa phương có tình trạng tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, để người dân phải tự tiêu hủy, rồi vứt xác lợn ra sông, kênh mương, Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến lập tức xuống kiểm tra thực địa tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Chứng kiến tình trạng xác lợn chết bị vứt bừa bãi ra kênh mương, nhiều con trôi dạt trên kênh N3 tại kè Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa - điểm giao của kênh mương với huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ biết thốt lên: “Phòng chống dịch bệnh như thế này thì chết”.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40253902-bai-1-noi-lo-chong-dich.html