Bài 1: Những thủ đoạn gây án manh động

Nếu như thời gian trước, tội phạm cướp tiệm vàng, ngân hàng thường tập trung vào những đối tượng có tiền án, tiền sự, cướp chuyên nghiệp thì nay đã có sự thay đổi. Đã có những vụ thanh, thiếu niên do bấn túng thiều tiền, nợ nần xách dao, cầm súng đi cướp ngân hàng. Thủ đoạn của các đối tượng rất manh động.

Nợ tiền “cá cược” bóng đá, dùng súng giả đi cướp

Chưa từng có tiền án hay tiền sự, gia đình cơ bản, vợ chồng hạnh phúc với công ăn việc làm ổn định. Chính vì những yếu tố trên khiến cho tất cả những người quen biết Phạm Đức Anh (SN 1989, ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đều giật mình không thể tin được đối tượng lại có thể dám cầm súng đi cướp ngân hàng.

Đối tượng Phạm Đức Anh khai nhận hành vi cướp ngân hàng với cơ quan Công an.

Đối tượng Phạm Đức Anh khai nhận hành vi cướp ngân hàng với cơ quan Công an.

Tại Cơ quan CSĐT Công an TP Sông Công, Phạm Đức Anh tỏ vẻ hối hận, khai nhận nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội bắt nguồn từ khoản nợ hàng trăm triệu đồng. Đằng sau dáng vẻ hiền lành lại là một “con nghiện” game và cờ bạc trên mạng. Những trận “bóng” cá cược trên mạng đã “đốt” của Phạm Đức Anh rất nhiều tiền. Không có tiền để gỡ, Đức Anh tìm đến những cửa hiệu cầm đồ để vay theo hình thức “tín dụng đen”.

Lãi mẹ đẻ lãi con, Đức Anh quay cuồng trong cơn bĩ cực của đồng tiền và theo như lời khai của đối tượng là “không còn cách nào khác”, đã nghĩ đến việc cướp ngân hàng để lấy tiền trả nợ, chuộc lại chiếc xe ôtô của gia đình đang cắm ở cửa hàng cầm đồ.

Để chuẩn bị cho hành vi cướp tài sản, Đức Anh mua khẩu súng đồ chơi, áo mưa, găng tay, khẩu trang, tháo biển kiểm soát của xe máy rồi lượn lờ quanh khu vực ngân hàng ở TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên chờ cơ hội ra tay. Đầu giờ chiều 14/11, Phạm Đức Anh đội mũ, đeo khẩu trang đi vào ngân hàng như một khách hàng đến giao dịch. Tại đây, đối tượng rút súng yêu cầu nhân viên ngân hàng lấy những cọc tiền vào trong chiếc túi rồi nhanh chóng tẩu thoát. Chỉ vài giờ đồng hồ sau, đối tượng đã bị Công an TP Sông Công cùng các đơn vị phối hợp bắt giữ.

Cũng chưa đầy một ngày sau vụ cướp ngân hàng ở TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp tục xảy ra vụ cướp ngân hàng ở TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Chiều 15/11, tại chi nhánh Ngân hàng Sacombank ở TP Sa Đéc, một đối tượng đi vào quầy giao dịch của ngân hàng và dùng súng, bom tự chế khống chế nhân viên ngân hàng. Đối tượng yêu cầu nhân viên ngân hàng bỏ số tiền 1,75 tỷ đồng vào ba lô đối tượng mang theo sẵn rồi tẩu thoát.

Tuy nhiên, Cơ quan Công an đã phát hiện sự việc, cùng với nhân viên bảo vệ của ngân hàng khống chế, bắt giữ đối tượng. Đối tượng được làm rõ là Trần Thanh Luân (SN 1997, ở xã Tân Khánh, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ngoài chiếc ba lô đựng hàng tỷ đồng tiền cướp, Cơ quan Công an còn thu giữ khẩu súng bật lửa, bom tự chế giả, dây kích nổ đối tượng sử dụng để đi cướp ngân hàng.

Thông tin với phóng viên, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) cho biết, cả hai vụ cướp ngân hàng trên xảy ra gần như cùng thời điểm và có nhiều điểm giống nhau từ nguyên nhân, phương thức gây án đến hệ loại đối tượng. Giống như Phạm Đức Anh, đối tượng Trần Thanh Luân cũng chưa từng có tiền án, tiền sự. Nguyên nhân dẫn tới việc Luân đi cướp là do nợ nần “tín dụng đen” và không có khả năng thanh toán. Để gây án, cả hai đối tượng đều chuẩn bị những dụng cụ gây án.

Chủ doanh nghiệp tham gia cướp ngân hàng

Ngược dòng thời gian 2 năm trước, tại Hà Nội đã xảy ra vụ cướp ngân hàng manh động. Thay vì mua súng giả, đối tượng Hoàng Ngọc (SN 1978, ở Đống Đa, Hà Nội) từng là giám đốc một doanh nghiệp và Phùng Hữu Mạnh (SN 1997, ở Đống Đa, Hà Nội) đã mua súng tự chế, tạo bom giả xông vào ngân hàng để cướp. Quá trình chuẩn bị được Ngọc tính toán kỹ càng, chu đáo về thủ đoạn gây án cũng như bỏ trốn hòng thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng Công an.

Khi vào ngân hàng, hai đối tượng nổ súng thị uy, buộc nhân viên ngân hàng phải đưa tiền cho chúng rồi nhanh chóng cướp xe máy, vung tiền lại trên đường để người dân nhặt, nhằm cản bước của lực lượng truy đuổi. Phải mất khá nhiều công sức, Phòng CSHS với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ mới bắt giữ được hai đối tượng sau khi cả hai bỏ trốn qua nhiều tỉnh, thành khác nhau. Nguyên nhân dẫn tới vụ án cũng không gì khác ngoài lý do nợ nần tiền bạc, kinh doanh thua lỗ của Ngọc.

So sánh vụ cướp ngân hàng ở Hà Nội và Thái Nguyên cũng như Sa Đéc, Cục CSHS đánh giá: Nguyên nhân dẫn tới hành vi cướp đặc biệt là nhân thân lai lịch của các đối tượng khá tương đồng. Các đối tượng đều nghiện game hoặc nợ nần tiền bạc dẫn tới không có khả năng chi trả, tìm mua súng nhựa hoặc súng tự chế, làm giả mìn, quả nổ để uy hiếp, đe dọa nhân viên ngân hàng, bảo vệ rồi cướp. Dẫu các đối tượng trong cả 3 vụ cướp ngân hàng trên đều chuẩn bị khá kỹ để đi cướp nhưng so với những đối tượng có tiền án, tiền sự, cướp chuyên nghiệp thì vẫn còn thua xa về mức độ, thủ đoạn và cách thức bỏ trốn.

Nhắc đến cướp ngân hàng, một trong những vụ án khiến Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội và các lực lượng phối hợp tốn khá nhiều thời gian điều tra truy bắt, phải kể tới vụ đối tượng Trần Hữu Trung (SN 1991, ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vào năm 2020. Có nhiều tiền án, tiền sự liên quan đến tội danh cố ý gây thương tích, và bị truy nã, Trần Hữu Trung được xem là tên “cáo già” trong việc chuẩn bị những thủ đoạn, thực hiện hành vi gây án và bỏ trốn. Từ việc mua súng, mặc nhiều lớp quần áo, đội mũ, đeo khẩu trang, tháo BKS phương tiện, che giấu vứt bỏ những đặc điểm có thể dễ nhận dạng… đều được Trung thực hiện khá kỹ và thuần thục. Gây án xong, Trung liên tục di chuyển đến nhiều tỉnh, thành khác nhau. Cứ mỗi nơi hắn chỉ ở vài tiếng rồi lại mất hút. Ngay cả người yêu của Trung cũng không hề biết đối tượng là kẻ trốn truy nã, vừa đi cướp ngân hàng về.

Cũng trong đầu năm 2022, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục CSHS, các đơn vị chức năng điều tra khám phá vụ án cướp tài sản tại một ngân hàng ở địa bàn quận Bắc Từ Liêm. Hai đối tượng bị bắt giữ là Nguyễn Văn Hiếu (SN 1991, ở Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Thanh Tùng (SN 1981, ở quận Thanh Xuân). Cả hai đối tượng này cũng chưa có tiền án, tiền sự, quen nhau qua nhóm kín chuyên về nợ nần, rủ nhau đi cướp tài sản.

Thông tin với phóng viên, lãnh đạo Phòng CSHS đánh giá, tội phạm cướp ngân hàng được liệt vào hành vi gây án đặc biệt nguy hiểm. Hầu hết các vụ cướp ngân hàng những đối tượng đều có sự chuẩn bị kỹ càng về phương thức, công cụ, phương tiện để gây án. Súng và mìn hay quả nổ thường thấy trong những vụ cướp ngân hàng gần đây, bởi những loại vũ khí này có tính sát thương rất cao, đặc biệt nguy hiểm.

Dù là súng giả, súng tự chế, mìn giả nhưng trong bối cảnh đó, nhân viên ngân hàng rất khó có thể xác định đó là súng thật hay chỉ là đồ chơi. Và cho dù các đối tượng cướp ngân hàng sử dụng “đồ thật hay giả” thì trong mọi hoàn cảnh, một trong những lời khuyên, hướng dẫn cao nhất của lực lượng Công an đối với các nhân viên ngân hàng, người dân xung quanh đó là, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bản thân và những người khác, đồng thời nhanh chóng lợi dụng sơ hở của đối tượng gây án để cấp báo đến cơ quan Công an, bắt giữ đối tượng…

Hoàng Phong – Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phap-luat/bai-1-nhung-thu-doan-gay-an-manh-dong-i675700/