Bài 1: Những 'khoảng tối' về quản lý nhân lực tại Nhà xuất bản Y học

Đưa người nhà vào nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong công ty, có dấu hiệu thâm hụt công quỹ, chây ỳ nợ thuế, làm ăn thua lỗ, quyết định bổ nhiệm người thân một cách bất thường.... là những nội dung liên quan đến hoạt động của Công ty TNHH Một thành viên NXB Y Học (Bộ Y tế) mà Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được từ phản ánh của bạn đọc.

Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên NXB Y học (Bộ Y tế). Ảnh QCNhà xuất bản Y học được thành lập theo Quyết định số 906-BYT/HL ngày 31 tháng 10 năm 1959, là một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Ngày 30 tháng 6 năm 2010, Bộ Y tế ra quyết định chuyển Nhà xuất bản Y học thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, Nhà xuất bản Y học, do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên NXB Y học (Bộ Y tế). Ảnh QCNhà xuất bản Y học được thành lập theo Quyết định số 906-BYT/HL ngày 31 tháng 10 năm 1959, là một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Ngày 30 tháng 6 năm 2010, Bộ Y tế ra quyết định chuyển Nhà xuất bản Y học thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên, Nhà xuất bản Y học, do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Hơn nửa thế kỷ phát triển, Nhà xuất bản Y học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như: Huân chương Lao động Hạng Nhất, Huân chương Độc Lập, cờ thi đua của nhiều Bộ, ngành.... và rất nhiều giải thưởng sách hay, mang lại lợi ích cho công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, đó là những thành tựu của các thế hệ lãnh đạo trước, còn trong thời gian qua, từ tháng 11/2013, khi ông Chu Hùng Cường được bổ nhiệm vào vị trí Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch, Tổng Giám đốc thì mọi việc lại hoàn toàn khác.

Theo như thông tin của một số cán bộ đang làm việc tại đây cung cấp, kể từ khi lên nắm quyền, ông Chu Hùng Cường đã để xảy ra hàng loạt những sai phạm nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới hoạt động của đơn vị.

Bổ nhiệm cán bộ là người nhà

Theo phản ánh, trong thời gian qua, ông Chu Hùng Cường đã lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, nhưng là người trong gia đình, người thân, làm giảm niềm tin và ảnh hưởng rất nhiều tới tư tưởng của cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

Bản thân ông Chu Hùng Cường là Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch, Tổng Giám đốc đơn vị, nhưng đồng thời cũng nắm giữ vị trí Trưởng Phòng Kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Cường bổ nhiệm ông Đào Thiện Hùng, là em họ của ông Cường làm Phó phòng Kinh doanh. Điều đáng nói là Phòng kinh doanh là nơi làm hợp đồng sản xuất kinh doanh, quyết định việc cấp giấy phép, thu tiền, làm hợp đồng, giá cả công xuất bản, in, phát hành…, tức là đầu mối rất quan trọng, quản lý toàn bộ nguồn tiền, hàng của đơn vị nhưng lại do hai anh em ông Cường hoàn toàn thao túng là không đúng quy định.

Một trường hợp khác là bà Vương Thị Bách, trước là công nhân làm vệ sinh ở Bộ Y tế, sau chuyển về NXB Y học làm vệ sinh tạp vụ. Đến năm 2014, ông Cường đã bổ nhiệm, bà Bách làm Phó phòng Tổ chức hành chính, năm 2015 nâng lên Phụ trách phòng Tổ chức hành chính. Điều đáng nói là thời điểm đó, bá Vương Thị Bách mới có bằng trung cấp, không bảo đảm theo chuẩn cán bộ. Theo nhiều cán bộ tại đơn vị, NXB Y học là đơn vị thuộc lĩnh vực tư tưởng văn hóa, mà cấp trưởng phòng lại chỉ có trình độ trung cấp thì không thể chuẩn hóa cán bộ.

Còn tại phòng Kế toán, ông Phạm Quang Liêm là con bác ruột ông Cường, tốt nghiệp đại học năm 2012, tháng 5/2014 được ông Cường bổ nhiệm làm trợ lý Tổng giám đốc, tháng 10/2015 được chuyển sang Phòng Kế toán làm Phó phòng phụ trách, đến nay theo Luật Kế toán đã quá hạn mà chưa tái bổ nhiệm.

Như vậy có thể thấy, tại NHB Y học hiện nay, chủ tài khoản là ông Cường, Kế toán trưởng (ông Phạm Quang Liêm) là con bác ruột ông Cường; các Thủ quỹ (Chu Văn Hùng, Vũ Thị Thu) là con chú ông Cường. Từ khâu kinh doanh, quản lý sản xuất, quản lý hàng hóa cho đến khâu quản lý giám sát tiền đều được ông Cường bổ nhiệm anh em con chú, bác, người nhà của ông Cường chốt giữ, trong đó có những người được “bổ nhiệm thần tốc”, vì chỉ mới ra trường, sau 3-4 năm là bằng người khác phấn đấu hơn 10 năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Chu Hùng Cường thừa nhận: Trong những trường hợp trên đúng là có trường hợp là người nhà của tôi, song việc bổ nhiệm đều lấy ý kiến của Đảng ủy và lấy phiếu tín nhiệm. “Chúng tôi bổ nhiệm trước hết là trên cơ sở nhu cầu thực tế của cơ quan và năng lực của cán bộ, sau đó mới đến những vấn đề khác” - ông Cường khẳng định.

5 năm chưa hoàn thiện xong chứng chỉ cao cấp lý luận chính trị?

Theo phản ánh, năm 2000 ông Cường ra trường về làm việc tại NXB Y học. Sau 7 năm, năm 2007 được bồi dưỡng lên làm Trưởng phòng Kinh doanh, đến 11/2013 lên làm Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch, Tổng giám đốc NXB Y học. Cán bộ, công nhân viên NXB vui mừng và hi vọng doanh nghiệp sẽ được ổn định và phát triển. Tuy nhiên, ông Cường đã bắt đầu bằng cách sa thải nhiều cán bộ có năng lực đã làm việc lâu năm tại đây. Sau đó đưa anh em, họ hàng, người nhà vào các vị trí then chốt để thao túng, bòn rút của doanh nghiệp. Một số cán bộ, công nhân viên lâu năm ở NXB cho biết, bản thân ông Cường học Đại học Thương mại và Cao học Y tế công cộng cũng có nhiều vấn đề khuất tất. Là Chủ tịch, Tổng giám đốc NXB Y học mà không biết bất kỳ một ngoại ngữ nào, tuy nhiên vẫn có bằng ngoại ngữ quốc tế...

Đáng chú ý là hiện nay, NXB Y học không có chức danh Tổng biên tập, một vị trí hết sức quan trọng, chịu trách nhiệm nội dung sách. Đây là một khiếm khuyết lớn của NXB Y học hiện tại.

Đặc biêt, năm 2013, Bộ Y tế khi đề bạt ông Chu Hùng Cường lên làm Chủ tịch, Tổng giám đốc NXB, Bộ Y tế cho khất chứng chỉ Cao cấp lý luận chính trị, đến nay sau 5 năm, ông Cường cũng chưa trả được “món nợ” này.

Vừa qua, ngày 19/4/ 2018, Nhà nước công bố Giải thưởng Sách Quốc gia năm 2017. Giải thưởng Sách Quốc gia lần này có 40/59 NXB tham gia. NXB Y học cũng tham dự giải với 6 cuốn, nhưng kết quả không đạt giải nào. Sự kiện này đã đặt ra những câu hỏi: Vì sao NXB Y học là một NXB thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, trong khi y học nước nhà có nhiều lĩnh vực phát triển ngang tầm quốc tế, nhưng NXB về lĩnh vực này lại không có được một cuốn sách nào đạt giải? Trong khi trước đó, từ năm 2005-2013, cũng tham gia giải thưởng sách như vậy, NXB Y học năm nào cũng có đủ các giải Vàng, Bạc, Đồng. Có năm đạt đến 5 giải. Vậy mà từ năm 2014 đến nay cứ xuống dốc dần, có năm chỉ đạt giải Khuyến khích để rồi năm nay không đạt giải nào? Trong khi đó, năm 2016, ngành Y đạt được 1 giải Vàng về cuốn “Dược thư Quốc gia Việt Nam” – tác giả là Hội đồng Dược điển Việt Nam nhưng lại do NXB Khoa học kỹ thuật xuất bản. Năm 2017, ngành Y cũng được một giải Bạc về cuốn “Atlas giải phẫu gan” (song ngữ Việt – Anh) mà tác giả là GS.TS. Trịnh Hồng Sơn, cũng do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản chứ không phải của NXB Y học.

Trao đổi với PV Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Chu Hùng Cường cho biết, ông có Học chứng chỉ tiếng Anh khoảng năm 2010 – 2012, chỉ có giá trị trong 2 năm. Còn về chức danh Tổng biên tập, năm 2014 - 2015, đã bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Dũng (Bác sĩ chuyên khoa II) làm Trường Ban biên tập (hiện tại đang làm Phó Tổng biên tập) nhưng không được sự đồng ý của Bộ. “Tuy không có tổng biên tập nhưng chúng tôi vẫn hoạt động tốt. Từ năm 2013, chúng tôi chưa có một ấn phẩm nào bị thu hồi do sai sót, hoặc bị nhắc nhở về lĩnh vực y học...”

Ông Chu Hùng Cường (áo trắng) tại buổi làm việc. Ảnh: QC

Còn theo nhiều cán bộ của NXB, vừa qua, khi làm hồ sơ cấp đổi giấy phép hoạt động của NXB Y học. Bộ Thông tin và Truyền thông không chấp nhận việc NXB Y học không có Tổng biên tập, Bộ trưởng Bộ Y tế lại đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chấp nhận vì NXB Y học đang trong quá trình hoàn thiện chức danh Tổng biên tập. Có thể thấy, Bộ Y tế đã để NXB Y học 5 năm nay không có người đảm trách vị trí này và không biết còn để trống đến bao giờ?

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những vấn đề trên.../.

Nhóm PV

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/bai-1-nhung-khoang-toi-ve-quan-ly-nhan-luc-tai-nha-xuat-ban-y-hoc-484160.html