Bài 1. Những con số biết nói

Nhiệm kỳ 2016-2020 là một khoảng thời gian đất nước đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh nhưng Chính phủ đã có những chính sách phù hợp và đường lối hết sức tích cực, sáng tạo, đã dẫn dắt đất nước vượt qua những chông gai.

Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến Kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025. Báo cáo của Thủ tướng và cụ thể hơn là sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, đã nhận được sự đánh giá rất cao, không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ghi nhận những ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, nhân dân về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, thể hiện trên những phương diện khác nhau.

Chính phủ quyết tâm cao trong kiến tạo phát triển

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế. Ảnh: VGP

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế. Ảnh: VGP

Nhận định về những kết quả kinh tế-xã hội nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch CLB các nhà kinh tế (VEC) Đặng Đức Thành, cho rằng, không thể nói một cách chung chung, cần nhìn kết quả đạt được cụ thể để đánh giá. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, khi nhiều nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng âm thì phải khẳng định con số tăng trưởng 2,12% trong 9 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam, và nếu mục tiêu cho cả năm đạt mức 2% đến 3%, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,8% là nỗ lực rất lớn của nhà điều hành trong 5 năm qua.

Để củng cố cho nhận định của mình, ông Đặng Đức Thành dẫn thêm một loạt con số cho thấy rõ hơn kết quả tích cực của nền kinh tế Việt Nam, như việc quy mô GDP tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người 2020 ước đạt hơn 2.750 USD; năng suất lao động giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8% vượt mục tiêu đề ra; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,6% năm 2011 xuống dưới 4% giai đoạn 2016-2020; xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, xuất siêu 5 năm liên tục; thương mại điện tử tăng 25%, trở thành một kênh phân phối quan trọng của nền kinh tế; du lịch tăng trưởng bình quân gần 30%/năm, đạt 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, tăng hơn 10 triệu lượt so với năm 2015; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2020 xếp thứ 42/131, đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế có cùng mức thu nhập; chỉ số phát triển bền vững năm 2020 tăng 39 bậc so với năm 2016, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng từ thứ hạng 88/183 năm 2010 lên thứ hạng 70/190 năm 2019…

Theo Chủ tịch CLB các nhà kinh tế Đặng Đức Thành, đạt được kết quả như trên, một trong những nguyên nhân quan trọng là Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân; luôn chủ động, linh hoạt, hiệu quả và khả năng thích ứng cao; có đối sách phù hợp, kịp thời với những vấn đề mới phát sinh và diễn biến tình hình quốc tế, trong nước.

Biểu hiện sinh động nhất cho điều này là trước những diễn biến bất ngờ, phức tạp và nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời và kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Kết quả thành công này đã cho thấy bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng. Ảnh: VGP

Cũng đề cập đến các con số ấn tượng, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng: Trong năm 2020 này, tuy kết quả kinh tế không đạt được tỉ lệ tăng trưởng 4,5% đến 5% như ban đầu đề ra, nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia duy nhất phát triển dương trong khối Đông Nam Á, tổng kim ngạch xuất khẩu đứng nhất khu vực, trở thành một điểm sáng trong khu vực, tạo niềm tin cho nhân dân và cộng đồng thế giới, là điểm thu hút đầu tư của các nước lớn khi chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việc Chính phủ đưa ra việc thực hiện mục tiêu kép: Vừa quyết liệt phòng chống dịch vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân là rất đúng đắn. Chúng ta kiểm soát dịch rất nghiêm ngặt, chặt chẽ cho nên hoàn toàn đủ tự tin trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Có thể khẳng định Chính phủ đã nỗ lực hết sức, làm tốt và Việt Nam chưa bao giờ đạt được những thành công như hiện nay”, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng nói.

Phân tích sâu hơn, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, chúng ta mới chỉ đạt được thành công về hình thức, chỉ số nhưng chưa thực sự đạt được về chiều sâu. Chỉ số công nghiệp của chúng ta đẹp nhưng phần lớn lại xuất phát từ các tập đoàn quốc tế đầu tư ở Việt Nam. Chúng ta chưa tạo được giá trị gia tăng nhiều trong các sản phẩm mà chủ yếu chỉ dừng ở việc đóng góp lực lượng lao động. Với lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn như ngành thủy sản, chúng ta xuất khẩu tôm với sản lượng rất lớn nhưng nguyên liệu chăn nuôi, thức ăn vẫn chủ yếu là nhập khẩu. Điều này dẫn đến sự phát triển chưa có chiều sâu mà mới chỉ bước đầu thành công.

Do đó, ông Trần Văn Lĩnh kiến nghị, trong thời gian sắp tới, Chính phủ cần hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh phát triển chiều sâu để phát triển thực sự bền vững, có chất lượng, có trách nhiệm với các thế hệ sau.

Đề cập đến việc xây dựng bộ máy và chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, ông Trần Văn Lĩnh cho rằng, đã xây dựng một loạt luật, quy định chưa bao giờ có nhưng việc thực hiện còn chậm, chưa kịp thời. “Chính phủ thì ráo riết nhưng bộ máy các bộ, ngành hoạt động còn chậm chạp. Chính phủ chủ trương tinh gọn bộ máy tổ chức nhưng việc thực hiện đến nay cũng chưa có hướng dẫn thống nhất, tiêu chí cụ thể mà do từng địa phương đề xuất lên”, ông Lĩnh thẳng thắn. “Thời gian tới, bên cạnh việc các lãnh đạo phụ trách tiếp tục thực thi công vụ tốt như thời gian qua, còn cần chuyển biến ở cấp dưới, đặc biệt là ở các địa phương, làm tốt hơn để cộng hưởng với Chính phủ, củng cố bộ máy làm việc chất lượng, đồng hành cùng Chính phủ để đạt được những mục tiêu đặt ra”.

Tạo nhiều “xe bồn” doanh nghiệp để làm đầy “cây xăng” quốc gia

Giáo sư Võ Tòng Xuân. Ảnh: VGP

Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp, người có nhiều năm đào tạo lực lượng khoa học cho đất nước và là “cha đẻ” của nhiều giống lúa ngon cho vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ tâm đắc cá nhân về người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua: “Trong 100 ngày đầu sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận vị trí người đứng đầu Chính phủ, ông đã đề ra ngay một kế hoạch hành động rất đúng hướng để thực hiện mục tiêu làm tăng GDP bình quân đầu người của nước ta bằng cách nhắm vào cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng nông dân Việt Nam. Ông đã thực hiện theo lời khuyên của các chuyên gia là phải tạo thật nhiều “xe bồn” doanh nghiệp (tiền đóng thuế) để luôn làm đầy “cây xăng” quốc gia (ngân sách). Ông chỉ đạo các bộ, ngành phải tạo mọi điều kiện thuận tiện cho doanh nghiệp phát triển để họ có thể đóng góp thật tốt vào ngân sách quốc gia. Đồng thời ông động viên tầng lớp nông dân cần kết hợp với nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để kiên kết với các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản chất lượng và an toàn, truy xuất được nguồn gốc”.

Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định Chính phủ đã làm nên lịch sử khi ban hành Nghị quyết 120 về Phát triển đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu vào cuối năm 2017, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là lúa, sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo điều kiện để người nông dân và doanh nghiệp có thể làm giàu bằng những sản phẩm có giá trị tài chính.

Trong nhiệm kỳ, phát triển nông nghiệp của Việt Nam khởi sắc, vươn xa hơn với nhiều loại trái cây nhiệt đới đặc thù trong nước như xoài cát, vải thiều, nhãn, thanh long, vú sữa, sầu riêng... được xuất khẩu sang những thị trường “khó tính”. Đặc biệt gạo ST24/25 của Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới tại hội nghị lúa gạo quốc tế tại Manila, Philippines, đã giúp tăng giá trị gạo Việt, lần đầu tiên vượt qua gạo Thái.

Đó là một phần đóng góp vào kết quả kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá trong 5 năm qua, làm tiền đề cho những bước phát triển kinh tế nông nghiệp đầy triển vọng hơn trong 5 năm tới.

Hùng-An-Hồng-Trang

>> Bài 2: Phòng chống dịch COVID-19: Thách thức khẳng định bản lĩnh của Chính phủ

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/bai-1-nhung-con-so-biet-noi/411734.vgp