Bài 1: 'Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện'

Nếu nói về những gương mặt nhà tư sản Hà Nội đã có cống hiến lớn cho cách mạng, cho kháng chiến những ngày đầu độc lập 74 năm trước, thì có lẽ vẫn là 'Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện'.

Bài liên quan

Bài 2: “Người điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son”

“Tuần lễ vàng” năm 1945 đã ghi nhận hàng loạt tấm lòng vàng của các nhà tư sản dân tộc yêu nước trong những ngày đầu đất nước độc lập. Ngoài tên tuổi vợ chồng ông bà Trịnh Văn Bô- Hoàng Thị Minh Hồ đã được nhắc nhiều trên báo chí còn có rất nhiều những gương mặt doanh nhân yêu nước khác. Chính họ đã cho thấy sức mạnh to lớn của lòng dân, và rằng, trong bối cảnh gieo neo ngày ấy, nếu không có sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân trong đó có họ... thì chính quyền cách mạng non trẻ khó có thể thành công và trụ vững trước những thử thách nghiêm trọng chồng chất lúc bấy giờ. Nhà báo và Công luận xin được giới thiệu một vài gương mặt nhà tư sản dân tộc đã có tấm lòng vàng với đất nước trong những ngày đầu độc lập cách đây 74 năm.

“Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện”- đó là “câu cửa miệng” của giới thương gia Đông Dương những năm 1930 – 1940 mỗi khi bàn tán về độ giàu có của giới thương gia tư sản Hà Thành đình đám nhất thời bấy giờ. Và nếu nói về những gương mặt nhà tư sản Hà Nội đã có cống hiến lớn cho cách mạng, cho kháng chiến những ngày đầu độc lập 74 năm trước, thì có lẽ vẫn là “Nhất Trịnh Văn Bô, nhì Đỗ Đình Thiện”.

Cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng giữa Hà Thành

Nếu báo chí đã nhắc nhiều đến gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ- những người đã trực tiếp chăm sóc Bác Hồ những ngày đầu Bác về Thủ đô, hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang- nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn Độc lập- cho cách mạng, những người đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng tương đương hai triệu đồng Đông Dương cho cách mạng khi ngân khố Nhà nước ta khi đó chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu 20 vạn đồng Đông Dương - thì có lẽ câu chuyện về những đóng góp cho cách mạng của gia đình nhà tư sản dân tộc yêu nước Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền cũng thu hút và cảm động không kém.

Nhà tư sản dân tộc Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972).

Trước khi trở thành nhà tư sản ông bà Đỗ Đình Thiện -Trịnh Thị Điền đã đi theo cách mạng. Khi còn là sinh viên, du học tại Pháp, Đỗ Đình Thiện đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về nước vì tham gia biểu tình phản đối đàn áp Khởi nghĩa Yên Bái. Trước khi sang Pháp học, gia đình đã làm lễ đính hôn cho ông với bà Trịnh Thị Điền. Trong khi ông Thiện đang du học ở Pháp thì bà Điền ở trong nước cũng tham gia hoạt động cách mạng, bị bắt và bị kết án tù hơn năm trời. Từ khi ông Thiện bị trục xuất về nước và bà Điền ra khỏi tù, ông bà làm đám cưới.

Sau năm 1932 do bị quản thúc chặt chẽ không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, ông bà chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, lập đồn điền… để khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động. Với tài kinh doanh của mình, rất nhanh chóng, đến đầu những năm 40, ông bà đã là chủ của tiệm buôn bán tơ lụa Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội; nhà máy dệt ở Gia Lâm; đồn điền Chi Nê ở Hòa Bình. Và cũng chính trong khoảng thời gian này, ít người biết rằng cửa hàng kinh doanh tơ lụa ở số 54 Hàng Gai mang tên hiệu Cát Lợi của ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền cũng chính là cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ nội thành thập niên 1930 – 1940. Trong những năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp cũng từng nghỉ tại ngôi nhà này để đảm bảo bí mật. Bà Trịnh Thị Điền đã làm cơm để Hồ Chủ Tịch tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng tại nhà 54 Hàng Gai. Nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Chính phủ, như các ông Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng, Dương Bạch Mai, Phạm Văn Bạch, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch… đã thường xuyên qua lại, làm việc, tiếp khách, nghỉ ngơi tại đây, đến mức có người đã gọi đùa ngôi nhà 54 Hàng Gia là “Nhà khách Chính phủ” những ngày đầu kháng chiến.

Tặng hàng trăm lạng vàng, mua cả máy in tiền cho cách mạng, cho kháng chiến

Cũng chính gia đình ông Thiện cũng là một trong những cơ sở đóng góp tài chính cho kháng chiến. Theo nhiều tài liệu, năm 1943, ông Nguyễn Lương Bằng, người phụ trách kinh tế tài chính của Đảng, vượt ngục Sơn La về Hà Nội, đóng vai người buôn tơ đến gặp ông bà Đỗ Đình Thiện. Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Lương Bằng cho biết, hiện Đảng rất khó khăn về tài chính. Cuốn “Biên niên sử Hoạt động Tài chính của Đảng Cộng sản Việt Nam” (NXB Chính trị Quốc gia, 2000) ghi lại như sau: “Quỹ của Trung ương Đảng lúc bàn giao cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng chỉ còn 24 đồng Đông Dương. Vợ chồng đồng chí Đỗ Đình Thiện buôn bán tơ lụa ở phố Hàng Gai, qua đồng chí Nguyễn Lương Bằng, ủng hộ 30.000 đồng Đông Dương”.

Không dừng lại ở đó, đầu năm 1945, bà Trịnh Thị Điền lại gửi cho ngân sách mười vạn đồng Đông Dương. Sau cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng được thành lập, nhiều khó khăn bộn bề. Để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt, Chính phủ cách mạng đã ban hành Sắc lệnh số 4, ngày 4/9/1945 lập “Quỹ Độc lập” và phát động “Tuần lễ Vàng”. Ông Đỗ Đình Thiện được giao nhiệm vụ phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội.

Bức tranh vẽ Bác Hồ trong Tuần lễ vàng được ông Đỗ Đình Thiện mua với giá 1 triệu đồng Đông Dương.

Là người giữ trọng trách, ông bà Thiện đã tích cực vận động nhân dân, đặc biệt là giới công thương, đóng góp vào “Quỹ Độc lập” và Tuần lễ Vàng”. Bản thân ông bà Đỗ Đình Thiện đã gương mẫu đóng góp 100.000 đồng Đông Dương vào “Quỹ Độc lập” và 100 lạng vàng trong “Tuần lễ Vàng” ở Hà Nội. Trong ngày bế mạc Tuần lễ Vàng ông bà Đỗ Đình Thiện đã mua đấu giá bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với giá 1 triệu đồng rồi sau đó tặng lại Ủy ban Hành chính Hà Nội..

Cuộc khai thác thuộc địa của người Pháp nửa đầu thế kỷ XX đã làm chuyển biến xã hội Việt Nam, các giai cấp, tầng lớp mới ra đời, trong đó có giai cấp tư sản (mà lúc đó gọi là các nhà công thương). Tuy đời sống vật chất của những người này so với các tầng lớp khác có phần khá hơn đôi chút, nhưng họ cũng bị chính quyền thực dân chèn ép, thấm sâu nỗi nhục của người dân mất nước, do vậy nhiều người có ý thức ủng hộ và đi theo cách mạng, sẵn sàng cống hiến cả gia sản cho cách mạng. Những đóng góp của họ đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố nền tài chính của đất nước trong buổi đầu thành lập và cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, thấu hiểu được những bộn bề khó khăn thiếu thốn của Chính phủ, thấu hiểu việc chính quyền cách mạng cần phải có máy in tiền để giải quyết những khó khăn lớn về tài chính, ông bà Đỗ Đình Thiện đã bỏ tiền mua nhà máy in Taupin của người Pháp biếu cho Chính phủ. Nông trường Chi Nê từ tháng 11/1946 cũng được đặt làm cơ sở in tiền đầu tiên của Chính phủ Việt Nam DCCH. Tại đây, tờ giấy bạc 100 đồng (tờ bạc con trâu xanh) đã ra đời. Nơi đây còn có nhiều nhà máy, cơ sở của Chính phủ trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, đồn điền Chi Nê cũng vinh dự là nơi dừng chân hoặc nghỉ đêm của Chủ tịch Hồ Chi Minh. Sau này, ông bà Đỗ Đình Thiện đã giao lại đồn điền Chi Nê cho Ban Kinh tài của Đảng quản lý, đồng thời đóng góp gần nửa cổ phần để xây dựng Việt Nam công thương Ngân hàng (tiền thân của Ngân hàng quốc gia Việt Nam).

Giữa năm 1946, chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp. Ông Đỗ Đình Thiện được ông Nguyễn Lương Bằng đến 54 Hàng Gai cử làm thư ký riêng tháp tùng Bác trong chuyến đi ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước VNDCH tại Paris - Pháp trong dịp Hội nghị Fontaineblean và ký tạm ước ngày 14/9/1946…

Tri ân tấm lòng của ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền với cách mạng, năm 1950, ông bà Đỗ Đình Thiện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Năm 1991, bà Trịnh Thị Điền được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, còn ông Đỗ Đình Thiện được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2008. Năm 2014, Đỗ Đình Thiện trở thành nhà tư sản đầu tiên được đặt tên đường phố ở Thủ đô (tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).

Chuyện kể rằng khi chiều ngày 19/12/1946 trước thời khắc tiếng súng từ pháo đài Láng phát ra báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu ( 20h03 ngày 19/12/1946) bác sĩ Phạm Ngọc Thạch ghé qua 54 Hàng Gai lần cuối để đón ông bà Đỗ Đình Thiện - Trịnh Thị Điền đi sơ tán. Song hai vợ chồng vị Phó Chủ tịch (ông Thiện) và Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính (bà Điền) khu Hoàn Kiếm, Hà Nội đã quyết ở lại tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Họ chỉ đồng ý đưa bốn người con còn nhỏ của mình về Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Đông - nay là Hà Nội) sơ tán. Phải sau 10 ngày đêm tham gia chiến đấu, cùng với việc tổ chức đưa 300 cán bộ và nhân dân rút khỏi Hà Nội, ông bà Thiện lúc đó mới ra vùng tự do tiếp tục hoạt động cách mạng.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bai-1-nhat-trinh-van-bo-nhi-do-dinh-thien-post67239.html