Bài 1: Muôn ngàn lý do các mẹ hiếm muộn chối bỏ sinh linh mới hình thành

Khi phải lựa chọn giải pháp cho phôi dư, phần lớn khách hàng lựa chọn một trong 4 cách gồm sinh thêm con, bỏ phôi, hiến phôi cho các nghiên cứu khoa học hoặc tặng phôi cho các gia đình khác.

Hiện nay, tại các trung tâm điều trị hiếm muộn trên toàn quốc, tình trạng phôi thừa không ai nhận khá phổ biến. Theo quy định, với số phôi phôi dư, sẽ có 4 cách giải quyết gồm: dùng để sinh thêm con, bỏ phôi, hiến cho nghiên cứu khoa học hoặc tặng phôi cho các gia đình khác. Tuy nhiên, lựa chọn phương án nào là rất khó đối với các gia đình hiếm muộn nhưng thừa phôi.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Bích Hường (42 tuổi, ở Hà Nội) hiếm muộn đã nhiều năm. Sau nhiều lần thăm khám, điều trị, năm 2012, vợ chồng chị thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại một BV lớn ở Hà Nội. Sau khi làm các thủ tục, xét nghiệm, bác sĩ lấy trứng của chị và tinh trùng của chồng chị để tạo phôi. Kết quả, chị có được 8 phôi tốt. Bác sĩ đã chuyển 2 phôi vào tử cung của chị. Rất may mắn, chị đã mang song thai. Sau gần 9 tháng, chị hạ sinh cặp sinh đôi kháu khỉnh.

Sau khi chuyển phôi, chị vẫn còn dư 6 phôi tốt. Số phôi đó, chị gửi tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của BV “phòng” sau này có nhu cầu sinh con sẽ chuyển tiếp. Các bác sĩ cho số phôi đó vào thùng bạc chứa nitơ lỏng để bảo quản. Mỗi năm, chị vẫn đóng tiền bảo quản đầy đủ cho BV.

Quy trình tạo phôi trong phòng thí nghiệm

Quy trình tạo phôi trong phòng thí nghiệm

Hiện tại, hai đứa con của chị phát triển khỏe mạnh và chuẩn bị vào lớp 1. Vì vậy, gia đình chị không muốn có thêm con nữa. Tuy nhiên, chị chưa biết xử trí thế nào với số phôi dư kia. Nếu lưu trữ, mỗi năm chị mất thêm một khoản tiền, nếu bỏ chị không nỡ, bởi cho rằng dù sao đó cũng là con mình. Để giải quyết chuyện này, chị lên mạng xã hội, thông báo mình còn thừa một số phôi tốt, nếu gia đình hiếm muộn nào có nhu cầu, gia đình chị sẽ tặng lại.

Tuy nhiên, chị đăng tải thông tin đã khá lâu, cũng có nhiều người hỏi xin nhưng thấy các thủ tục phức tạp nên chưa có gia đình nào nhận được phôi. Khi nhân viên BV gọi điện đề nghị chị đóng tiền bảo quản phôi, chị xin “thư thư” thời gian để chuẩn bị rồi sau chặn số luôn. Đến nay, đã 2 năm chị chưa đóng tiền bảo quản phôi. “Tôi không muốn hủy số phôi đang gửi tại BV, nhưng cũng chẳng muốn đóng thêm tiền nữa. Vì vậy, tôi cứ để “kệ” để BV tự xử lý”, chị Hường chia sẻ.

Một bà mẹ muốn tặng phôi dư cho người hiếm muộn

Cũng như chị Hường, chị Lê Thị Minh cũng bị hiếm muộn nhiều năm. Sau nhiều lần thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, chị đã thành công. Năm 2013, chị sinh được 1 bé gái. Với gần chục phôi còn thừa, chị gửi tại BV để sử dụng khi có nhu cầu. Đến năm 2015, vợ chồng chị có nhu cầu sinh thêm con nên tiếp tục đến BV để chuyển phôi. Lần này, chị cũng thành công. Sau đó, chị còn dư 9 phôi và gửi tại BV. Tuy nhiên, chị chỉ đóng được 1 năm, rồi “lờ” đi dù BV đã nhiều lần gọi điện đóng tiền. “Phôi đã có hình hài con người nên mình cũng chẳng nỡ hủy. Tôi cũng chẳng muốn cho ai, bởi nhỡ may sau này con mình với con người nhận phôi lại kết hôn, thì rơi vào tình trạng hôn nhân cận huyết. Tuy nhiên, tôi cũng chẳng muốn đóng tiền nữa, bởi mỗi năm cũng tốn một khoản kha khá. Thôi thì BV cứ tự xử lý chứ mình chẳng nỡ”, chị Minh nói.

Một bà mẹ muốn tặng phôi dư cho người hiếm muộn do vợ chồng đã ly hôn

Theo tìm hiểu của PNVN, có muôn ngàn lý do để các gia đình đã từng điều trị vô sinh hiếm muộn không nhận phôi. Theo đó, có gia đình thì đã có đủ con không muốn sinh nữa. Lại có gia đình vì mang nặng tâm lý “phôi đã có hình hài con người” nên không muốn “giết con”, nhưng cũng có gia đình không nhận vì vợ chồng không thể dắt tay nhau đi đến cuối cuộc đời. “Vợ chồng tôi có với nhau 1 con bằng thực hiện hỗ trợ kỹ thuật sinh sản. Sau khi mang bầu, chúng tôi lưu trữ phôi bởi dự tính 1-2 năm nữa sẽ sinh thêm bé thứ hai. Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong cuộc sống, vợ chồng không ở được với nhau nên chia tay. Số phôi đó chúng tôi cũng chẳng ai muốn nhận nữa”, chị Lan (36 tuổi, ở Hà Nội), chia sẻ.

Theo PNVN

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/bai-1-muon-ngan-ly-do-cac-me-hiem-muon-choi-bo-sinh-linh-moi-hinh-thanh-62592.htm