Bài 1: 'Luồng gió mới' phát triển sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, các mô hình nông nghiệp liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao đã dần trở nên quen thuộc với người nông dân. Ít ai biết rằng những thành quả ấy là cả một quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách từ Trung ương đến tỉnh, trong đó Nghị quyết số 13/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về 'Tích tụ, tập trung đất đai (TTTTĐĐ) để phát triển nông nghiệp (NN) quy mô lớn, công nghệ cao (CNC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030' được xem là 'luồng gió mới' thổi bừng lên khát vọng sản xuất quy mô lớn, CNC, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Khát vọng nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao

Dưa Kim Hoàng Hậu của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Điền Trạch, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân).

Từ những “nhạc trưởng” trên cánh đồng

Xã Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa) là vùng đất có lợi thế về sản xuất giống lúa lai theo hình thức liên kết. Từ nhiều năm nay, HTX dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Quỳ Chữ - đơn vị đứng ra tổ chức sản xuất được ví như người “nhạc trưởng” trên cánh đồng lúa. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, ông Lê Văn Bàn, Giám đốc HTX DVNN Quỳ Chữ tâm sự: “Để có một cánh đồng lúa lai F1 rộng lớn như ngày hôm nay là cả một quá trình vất vả. Ngày xưa, cánh đồng này là những thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi nhà một khoảnh, mạnh ai nấy làm. Nhưng đến khoảng năm 2009, khi thực hiện dồn điền, đổi thửa lần 2, “đón đầu” xu hướng phát triển, địa phương đã tuyên truyền, vận động để có thể tập trung ruộng của các hộ không có đủ điều kiện làm NN về một vùng liền thửa 50 ha, tạo điều kiện thuận tiện cho HTX thuê lại sản xuất. HTX có trách nhiệm đứng ra thuê đất, làm dịch vụ, tìm nguồn liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và tổ chức chỉ đạo sản xuất... Ưu điểm của hình thức tập trung ruộng đất để sản xuất lúa lai đó không chỉ là chuyên canh trong tổ chức, quản lý tốt dịch bệnh, cơ giới hóa vào thuận lợi, tiết kiệm chi phí mang lại hiệu quả, năng suất, chất lượng cao... mà còn thu hút các công ty, doanh nghiệp liên kết sản xuất bởi những đơn vị mà họ “ngắm” tới phải là những HTX có diện tích đất tập trung, có kinh nghiệm canh tác, bảo đảm chất lượng hạt giống sau khi thu hoạch”. Đến nay, HTX DVNN Quỳ Chữ đã là đơn vị có “tên tuổi” trong làng sản xuất giống lúa lai trong tỉnh, HTX đã đứng ra tổ chức sản xuất giống lúa lai F1 theo chuỗi liên kết với các công ty lúa giống khu vực phía Bắc. Năng suất bình quân giống lúa lai F1 đạt từ 2,5-3 tấn/ha, giá thu mua dao động từ 25-28.000 đồng/kg. Riêng vụ mùa năm 2020, HTX liên kết với Trung tâm Giống NN Lào Cai để sản xuất lúa lai F1, tổ hợp giống NC270 với diện tích 30 ha, giá trị bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng là 29.000 đồng/kg; 20 ha còn lại sản xuất lúa thường.

Tập trung đất đai để liên kết sản xuất lúa gạo giữa các hộ dân, HTX và doanh nghiệp là hướng đi tích cực đã và đang được triển khai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong đó, phát huy vai trò là những “nhạc trưởng” trên cánh đồng, các HTX DVNN đã làm cầu nối hợp tác, phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh kinh tế hội nhập cạnh tranh. Như vụ chiêm xuân 2020 ở huyện Thọ Xuân, HTX DVNN xã Xuân Minh đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với Tập đoàn Giống Thái Bình để sản xuất lúa tập trung với diện tích 80 ha. Hay tại huyện Nông Cống, toàn huyện gieo trồng được 10.200 ha lúa các loại, trong đó có hơn 600 ha được liên kết và bao tiêu sản phẩm.

Đến doanh nghiệp trẻ đam mê NNCNC

Nếu như tập trung đất đai để liên kết sản xuất lúa gạo mang lại bức tranh NN ổn định, bền vững thì những mô hình TTTTĐĐ để phát triển NNCNC sẽ là điểm nhấn mang “hơi thở mới”. Ở đó, người nông dân áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giống cây trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ...

Ghé thăm mô hình NNCNC ở xã Thọ Lâm (Thọ Xuân), nhìn những hàng dưa Kim Hoàng hậu quả vàng trĩu nặng được chăm sóc bởi đôi tay cần mẫn, say mê, chúng tôi mới thấy được khát vọng làm chủ, làm giàu của những thanh niên thế hệ 8X như anh Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty CP Ứng dụng và Phát triển NNCNC Điền Trạch và những người bạn. Nắm bắt được chủ trương, chính sách về TTTTĐĐ để phát triển NN quy mô lớn, CNC, các anh đã lấy kiến thức làm nền tảng, niềm đam mê làm động lực, cùng nhau “xắn tay áo” góp công, góp vốn để thực hiện ước mơ làm giàu từ đất mà trước hết là tìm kiếm đất đai để có mặt bằng sản xuất. Nhận thấy xứ Đồng Cạn, thôn Điền Trạch thuộc đất công ích (5%) vốn là khu cồn cao khó canh tác, UBND xã Thọ Lâm cho các hộ thuê để trồng sắn, dứa nhưng sản xuất kém hiệu quả, có thời điểm đất còn bị bỏ hoang, các anh đã tất tả tìm hiểu, thuyết phục các hộ để xin thuê lại. Cùng với sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhóm thanh niên đã thuê được hơn 15.000m2 đất, sau đó đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới để trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Ngoài trồng dưa ra, các anh đang tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp để đưa vào sản xuất như: Táo, dưa chuột, cà chua và hoa... Điểm mới trong mô hình NNCNC của Công ty CP Ứng dụng và Phát triển NNCNC Điền Trạch đó là ứng dụng công nghệ tưới thông minh, bộ châm phân 4 cổng có thể định lượng phân bón chính xác theo cài đặt. “Xu hướng mới trong NN đó áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Đối với hệ thống tưới nhỏ giọt của chúng tôi ứng dụng công nghệ IoT (Internet of Things), có thể điều khiển tự động theo tham số cài đặt sẵn, quản lý dễ dàng khi chỉ cần mở điện thoại có kết nối Internet theo dõi từ xa là biết hoạt động tại vườn...” - anh Tùng say sưa kể về công nghệ.

Cũng với ý chí làm giàu từ đất như anh Tùng và những người bạn, từ 3 năm trước, anh Trần Văn Tân, “ông chủ” Khu NNCNC Queen Farm, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) của Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp NN An toàn và Hữu cơ tỉnh Thanh Hóa đã quyết định “rẽ ngang” con đường kinh doanh, đầu tư cho NN. Năm 2017, được sự tạo điều kiện của địa phương, anh nhận chuyển nhượng 5,5 ha đất lúa của 84 hộ dân tại thôn Dục Tú với giá thỏa thuận 1,6 tỷ đồng/ha để có diện tích đất đủ lớn, xây dựng hệ thống nhà màng hiện đại, rồi liên kết với Công ty Watanabe Pipe (Nhật Bản) để chuyển giao công nghệ sản xuất. Các sản phẩm dưa lưới Taki, rau, củ, quả sạch cứ thế lần lượt ra đời mang thương hiệu Queen Farm, trong đó dưa lưới Taki là sản phẩm độc quyền của Queen Farm tại Việt Nam. Năm 2019, hai sản phẩm là dưa lưới Taki, dưa chuột baby xếp hạng 4 sao theo kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh. Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Queen Farm cũng vì thế mà hình thành để đưa sản phẩm NN sạch đến với tay người tiêu dùng. Anh Tân chia sẻ: “Chúng tôi đang ấp ủ triển khai dự án khu NNCNC mới với dự kiến đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, quy mô 12 ha với công nghệ hiện đại, xây dựng khu chế biến sau thu hoạch để hiện thực hóa ước mơ xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu”.

Trở thành bức tranh “sáng màu”

Ngành NN của tỉnh ta luôn định hướng theo con đường phát triển bền vững, trong đó TTTTĐĐ được xem là “chìa khóa” mở đường. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ tích tụ được 26.660 ha đất NN để phát triển sản xuất NN quy mô lớn, ứng dụng CNC và theo hướng CNC. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tổng diện tích đất được tích tụ, tập trung tăng thêm 16.181 ha, đạt 50,56% kế hoạch giai đoạn 2020-2025, tăng so với giai đoạn 2013-2018. Điểm đáng chú ý đó là, sau khi thực hiện Nghị quyết 13/NQ-TU, quy mô TTTTĐĐ có xu hướng nâng cao về diện tích, loại cây trồng, đầu tư công nghệ và hiệu quả kinh tế. Điển hình như trong sản xuất lúa tăng thêm 14 triệu đồng/ha, cây ăn quả tăng thêm 60-70 triệu đồng/ha, cây dược liệu tăng thêm 50-60 triệu đồng/ha, thủy sản tăng thêm 90-100 triệu đồng/ha... Chất lượng sản phẩm nông sản được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hệ thống quản lý, giám sát trong sản xuất và chế biến, tạo tính cạnh tranh tốt hơn trên thị trường. Thị trường nông sản ổn định, bền vững hơn thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn.

Những kết quả bước đầu đó là minh chứng khẳng định sự phù hợp, đúng đắn của một chủ trương, định hướng lớn mang tính tổng thể, toàn diện trong Nghị quyết 13/NQ-TU, tạo “cú huých” thay đổi tư duy sản xuất, dần chuyển sang phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Các địa phương trong tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt theo đúng tinh thần nội dung Nghị quyết 13/NQ-TU; trong đó nhiều địa phương triển khai thực hiện đạt kết quả cao hơn mong đợi. Nổi bật, ở huyện Yên Định, ngành NN của huyện vẫn trong tốp dẫn đầu của tỉnh về phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng CNC; giá trị sản phẩm trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2020 ước đạt 150,3 triệu đồng, gấp 1,25 lần so với năm 2015. Ở huyện Thọ Xuân, toàn huyện đã tích tụ, tập trung được 1.498,02 ha để sản xuất NN; có 7 doanh nghiệp tham gia TTTTĐĐ; 7 HTX tham gia liên kết sản xuất. Ở huyện Hoằng Hóa hiện có 155 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa quy mô lớn với tổng diện tích 470 ha, góp phần nâng giá trị sản xuất trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 155 triệu đồng/năm (tăng 1,8 lần so với thời điểm năm 2015)...

Việt Hương – Tăng Thúy

Bài 2: “Rào cản” và tiếng nói người trong cuộc .

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/ve-voi-xu-thanh/bai-1-luong-gio-moi-phat-trien-san-xuat-nong-nghiep/125079.htm