Bài 1: Lạc giữa 'ma trận' hàng giả, hàng nhái

Với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động kinh doanh online đang đua nhau nở rộ, công khai bán hàng cấm, hàng giả và kém chất lượng, trở thành vấn nạn nhức nhối mà chưa có bài toán xử lý triệt để.

Lạc vào ma trận hàng giả, hàng nhái

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện, xử lý những vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Một trong những vụ điển hình là triệt xóa kho hàng lậu "khổng lồ" rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai) do Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an tiến hành. Gần đây nhất, lực lượng QLTT cũng phối hợp với các lực lượng khác tiến hành kiểm tra, thu giữ hàng ngàn sản phẩm quần áo nhái thương hiệu nổi tiếng Gucci, Dior, Louis Vuitton... tại chuỗi cửa hàng AE Shop Việt Nam ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương. Đáng chú ý, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, các cơ sở đều không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Đây chỉ là 2 vụ việc điển hình trong hàng trăm vụ xử lý vi phạm mà lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng khác tiến hành trong năm qua. Trên thực tế, các shop, kho hàng chủ yếu buôn bán dưới hình thức online dựa trên nền tảng của mạng xã hội, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Trong vai người mua hàng, PV đã tiếp cận facebook cá nhân của một nữ "thương nhân" chuyên kinh doanh online để theo dõi buổi livestream của shop này. Trên trang cá nhân, người phụ nữ này liên tục cầm sản phẩm giới thiệu là túi xách của hãng Levis, Chanel… khẳng định đây là hàng chính hãng, xuất dư nhưng giá siêu rẻ, và giá tri ân khách hàng chỉ 399k… kèm khuyến mại. PV thử để lại số điện thoại và ngay lập tức có người gọi điện tới vư vấn, chốt đơn hàng. Khoảng vài ngày sau, bưu chính chuyển đến cho PV một bộ sản phẩm như quảng cáo nhưng chất liệu đơn giản chỉ là da PU, không hề rõ xuất xứ nguồn gốc, còn chất lượng thì đúng là “giời ơi đất hỡi”.

 Hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan trên mạng xã hội với giá rẻ.

Hàng giả, hàng nhái bày bán tràn lan trên mạng xã hội với giá rẻ.

Tiếp tục theo dõi buổi livestream bán hàng khác của một shop chuyên bán đồng hồ độc, nhân viên bán hàng là một phụ nữ trẻ, ăn mặc gợi cảm. Người này liên tục quảng cáo những chiếc đồng hồ hết sức sang chảnh với nhiều thương hiệu nổi tiếng, giá thị trường từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng do tri ân chỉ có trên bán “live” nên săn được giá rẻ 199 nghìn đồng.

Quả thật, mức giá đó là món hời hấp dẫn với người mua. Thậm chí, người bán hàng còn cam kết đây là hàng chính hãng, chuẩn xác 100%, có đầy đủ thông tin quét mã code để truy xuất nguồn gốc… Trước những lời quảng cáo có cánh như vậy, người tiêu dùng thật khó mà kìm được.

Đồng hồ chính hãng được rao bán trên mạng xã hội với giá chỉ 199 nghìn đồng?

Và hệ lụy, khi nhận hàng, kiểm tra thì nhận thấy sản phẩm khác xa với mẫu quảng cáo, chất lượng cũng một trời, một vực. Đến lúc này họ mới té ngửa hàng quảng cáo có thể là xịn đánh vào tâm lý khách hàng, sau khi chốt đơn thì sẵn sàng gửi hàng nhái nhằm qua mắt...

Trở thành nạn nhân vì tâm lý ham rẻ

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam Online, hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc thị trường, từ cao cấp đến bình dân. Chỉ cần lướt web, các trang mạng xã hội sẽ không khó tìm thấy các cửa hàng online bán những thương hiệu nội tiếng trên thế giới như Gucci, Louis Vutton, Chanel, Hermes... với giá rẻ giật mình từ vài trăm đến khoảng 1 triệu đồng.

Ngoài việc livestream, viết bài quảng cáo sai lệch thông tin, không ít hình ảnh minh họa cũng được lấy cắp từ các trang hàng chính hãng, uy tín. Điều này không phải khách hàng không biết nhưng do bị đánh trúng tâm lý ham rẻ, trào lưu chạy theo mốt nên nhiều người tiêu dùng vẫn tặc lưỡi cho qua, chấp nhận “đồng hành” cùng sản phẩm giả, kém chất lượng. Thậm chí, nhiều người dù đề cao cảnh giác nhưng trước ma trận thật giả lẫn lộn họ rất khó có đủ hiểu biết để kiểm chứng, đối chiếu về chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, chỉ khi sự đã rồi mới thấm thía.

Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam trung bình khoảng từ 30%/năm. Số lượng khách mua hàng trên trang TMĐT đạt khoảng 50 triệu người, chính thức lọt top 6/10 thị trường TMĐT lớn nhất thế giới. Ở Việt Nam đã có 4 sàn TMĐT chính thức lọt vào top 10 trang TMĐT có lượng truy cập cao nhất Đông Nam Á. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy toàn bộ thị trường Việt Nam đã sẵn sàng cho sự bùng nổ của TMĐT.

Hàng giả, hàng nhái bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử.

Thế nhưng, TMĐT phát triển cũng đi kèm nhiều mặt trái. Hệ lụy là phát sinh nhiều rủi ro, đặc biệt là vấn nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan, rất khó kiểm soát. Đây chính là vấn nạn thách thức cơ quan chức năng cần có biện pháp quyết liệt và triệt để hơn để chấn chỉnh.

(Còn nữa)

Nguyên Hương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/lac-giua-ma-tran-hang-gia-hang-nhai-d183216.html