Bài 1: Hút khách nhiều, ai làm dịch vụ?

Chúng tôi thực hiện vệt bài vào thời điểm các doanh nghiệp du lịch đang lao đao vì dịch Covid-19. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) khuyên thành thực: 'Không ai nghĩ cải thiện nhân lực lúc này được đâu. Khó khăn nhiều người đã chuyển sang ngành khác rồi, doanh nghiệp còn lo giữ người không được'.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nếu khó khăn, một cuộc cắt giảm nhân sự lớn có thể sẽ diễn ra. Người làm tốt mới có thể trụ lại. Nhân lực mạnh thì du lịch mới mạnh. Nhân lực đủ khả năng thích ứng thì du lịch mới có sức đề kháng và thích ứng với mọi tình huống.

Vài năm gần đây, Việt Nam luôn thu hút ngày càng nhiều du khách quốc tế. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, nhưng cả nước mới có hơn 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch. Không chỉ thiếu về số lượng, theo các chuyên gia, chất lượng nguồn nhân lực du lịch mới có nhiều vấn đề đáng bàn.

Khoảng trống nhân lực du lịch lành nghề

Đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch buộc những người trong ngành phải xắn tay lên, xốc nhau cùng vượt qua "bão lớn". Nhưng qua đó cũng lộ ra những điểm yếu mà bình thường dẫu nói nhiều cũng ít người rõ mức độ nghiêm trọng thế nào. Trong những cuộc họp gay cấn, khẩn trương chống dịch, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình tha thiết đề nghị các doanh nghiệp: Hãy tranh thủ dịp này để cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình. Vì chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta rất mỏng. Tham gia các buổi học bồi dưỡng năng lực cho các công ty du lịch do hiệp hội tổ chức mới thấy khoảng trống kiến thức, người học có những câu hỏi về nghề rất ngô nghê. Nhiều người làm du lịch rỗng cả về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu hiểu biết về pháp luật...

 Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung chia sẻ kinh nghiệm với những người mới vào nghề.

Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung chia sẻ kinh nghiệm với những người mới vào nghề.

Thiếu lao động lành nghề là nỗi lo chung của ngành, từ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống đến đại lý du lịch và điều hành tour... Trong khi bà Đỗ Hồng Xoan, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn ca thán về việc chỉ khoảng 20% nhân lực Việt đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực lưu trú thì GS, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho rằng: "Nhiều người trong nhà hàng, khách sạn thấp cấp chưa được đào tạo bài bản, tiếp khách không biết, ngoại ngữ bập bõm, kinh doanh không có chiến lược, thậm chí có nơi còn làm khách không hài lòng. Trong khi đó, đội ngũ hướng dẫn viên cả quốc tế và nội địa đều vừa thiếu, vừa yếu bởi ngoài yêu cầu hiểu về văn hóa, lịch sử, tinh thông nghiệp vụ, họ cần nắm rõ về ngoại ngữ, luật pháp".

Trong thế giới phẳng của dịch chuyển và hội nhập lao động, dường như những người làm du lịch lại quá bận bịu mà ít chịu cập nhật thông tin, kiến thức. Đi tour liên tục, hướng dẫn viên không đọc sách báo, nghe đài là bình thường. Ngay cả chủ các công ty (trong đó phần nhiều là công ty vừa và nhỏ, chiếm đến 90% số công ty du lịch) cũng bỏ qua, không quan tâm đến những vấn đề thời sự xung quanh. Chưa nói gì cao xa, hiểu biết thiết thực trong luật pháp của đội ngũ những người làm du lịch cũng có nhiều chuyện để bàn. Còn nhớ trước năm 2017, dự thảo Luật Du lịch được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, người ngoài ngành biết, xã hội đều quan tâm nhưng chính nhiều người làm du lịch lại thờ ơ với quyền lợi sát sườn của mình. Chỉ khi Luật Du lịch được ban hành, Nhà nước áp dụng các quy định của luật, nhiều người mới ngỡ ngàng và than thở không phù hợp, sao không lấy ý kiến, sao không thông báo trước... Đội ngũ hướng dẫn viên phản ứng khá mạnh vì cho rằng quy định mới hạn chế quyền tự do "nhảy việc"... Nhưng họ không nghĩ rằng những đồng nghiệp vô tổ chức, hoạt động trái phép, nói sai lịch sử, thậm chí còn xuyên tạc cả chính sách, pháp luật của Nhà nước... đã ảnh hưởng thế nào đến ngành du lịch và cả hình ảnh quốc gia.

Đẳng cấp quốc tế... bao xa?

Theo hình dung của những người không làm trong ngành du lịch, đầu bếp phải là những người nấu ăn ngon, chịu được áp lực của thời gian, nhiệt độ... Theo Tổng bếp trưởng Khách sạn Sheraton Hà Nội Nguyễn Công Chung: Để là “ông vua” nhà bếp đòi hỏi nhiều hơn thế. Một ngày làm việc của ông phải lo toan nhiều thứ, từ thực đơn gì, phát triển món ăn, nguồn cung ra sao, phân phối thế nào cho cân bằng, hợp lý tới quản lý, đào tạo đội ngũ nhân sự, ứng xử, đãi ngộ, rồi người mới, người cũ, chăm lo cộng đồng... Bên cạnh đó, ông vẫn phải tìm hiểu nhu cầu, sở thích của thực khách đến từ khắp nơi trên thế giới với những nền văn hóa, khẩu vị khác nhau.

Ông Chung là một trong những tổng bếp trưởng người Việt đầu tiên trong khách sạn 5 sao, giành được danh hiệu “Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á”. Cần rất nhiều yếu tố để thành công, những người như Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung không nhiều dù Việt Nam là đất nước có nền ẩm thực được đánh giá cao. Đi sâu tìm hiểu thì thấy rằng, nếu lao động phổ thông lành nghề đã thiếu thì nhân sự cao cấp của Việt Nam càng ít như sao buổi sớm. Theo số liệu của Lumina Co., công ty phân tích và tư vấn toàn cầu về tất cả các lĩnh vực, cho thấy: Hiện nay chỉ có 11% con số những người được đào tạo ra ở Việt Nam có thể được các tập đoàn lớn về du lịch có đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chấp nhận sử dụng. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra con số khả quan hơn nhưng có đến 85% doanh nghiệp cho biết không thể tuyển được lao động chất lượng cao hay nhân sự quản trị.

Có thực tế là những tập đoàn lớn đến Việt Nam ngày càng nhiều nhưng số chỗ dành cho nhân sự cấp cao người Việt thì không tăng lên tương xứng. Không khó hiểu khi cũng như nhiều người khác, ông Dushyant Dwibedy, Tổng giám đốc chuỗi khách sạn OYO Việt Nam, giữ phép lịch sự và khéo léo tránh trả lời thẳng vào câu hỏi về việc sử dụng nhân lực cao cấp người Việt trong hệ thống khách sạn của mình. Không nói đâu xa, hầu như các cơ sở lưu trú cao cấp của ta cũng đi thuê nước ngoài quản lý. Lý giải cho điều này, theo các chuyên gia, để du lịch đạt đẳng cấp quốc tế, quản lý là những người đầu tiên phải có khả năng cạnh tranh quốc tế bởi họ là những người quyết định tới không chỉ các cá nhân riêng lẻ mà thậm chí còn quyết định sự sống còn của cả tổ chức. Nhân lực từ nước ngoài thường được sử dụng bởi nhãn quan tổng thể, hiệu quả về kinh tế, cạnh tranh... Điều này thì khả năng cạnh tranh của nhân lực cao cấp người Việt đang còn xa so với đẳng cấp thế giới. Ông Hoàng Nhân Chính cho hay: "Người quản lý không đơn thuần là kỹ năng, tiêu chuẩn quốc tế mà họ còn nằm trong chuỗi quốc tế thu hút khách, có sự cam kết hỗ trợ và chiến lược marketing quốc tế. Nếu để dùng người Việt mà chúng ta đặt nhẹ vấn đề chất lượng thì là ta làm xói mòn chính mình. Chỉ khi Việt Nam xây dựng được thương hiệu quốc tế thì tôi mới tin là có nhiều người Việt ở vị trí cao cấp được”.

"Hiện nay chúng ta đã có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho một số lĩnh vực du lịch làm cơ sở đánh giá chất lượng người lao động, đặc biệt lao động đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động quốc tế theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN (MRA). Tuy nhiên, Hội đồng cấp chứng chỉ những nghề du lịch này vẫn chưa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập nên tác dụng của bộ tiêu chuẩn vẫn chưa như mong muốn". (Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch)

(còn nữa)

Bài và ảnh: MINH NHÃ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/bai-1-hut-khach-nhieu-ai-lam-dich-vu-613014