Bài 1: Hội thiện nguyện ở chung cư Ecohome 1

Quan điểm đèn nhà ai nhà ấy rạng, nhà ai người ấy biết hoặc chuyện ra đóng vào khóa của người đô thị không còn là điều khiến nhiều người ngoại tỉnh lên sinh sống ở các chung cư e ngại nữa, mà trong cuộc sống của các chung cư bây giờ, người ta thấy có bóng dáng của một cộng đồng làng xã. Tuy nhiên, ấy là cộng đồng làng xã… hiện đại.

LTS: Trong hơn chục năm trở lại đây, các chung cư chen nhau xuất hiện ở các đô thị, giải quyết phần lớn nhu cầu nhà ở của các gia đình trẻ và cư dân ngoại tỉnh về Hà Nội sinh sống. Việc xuất hiện các chung cư cùng hàng nghìn hộ gia đình với đủ mọi văn hóa vùng miền khắp nơi hội tụ đã hình thành những văn hóa rất riêng ở từng khu chung cư.

Đến giờ, sau 5 năm sinh sống tại chung cư Ecohome 1 (Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chị Lê Thị Na đã thực sự thấy cộng đồng nơi mình đang ở đã có cái nghĩa, cái tình mà không chỉ ở làng quê với quan hệ họ hàng ruột rà mới thấy. Nơi đây, đã và đang hình thành một cộng đồng làng xã nhưng hiện đại. Ừ thì vẫn còn những lê la, những đưa đẩy câu chuyện, những xích mích thường nhật giữa hàng xóm láng giềng, tầng trên tầng dưới. Nhưng cũng nhân văn hơn, bởi bây giờ, mỗi hộ ở đây được quan tâm, được giúp đỡ bằng chính những Ban quản trị, những Hội phụ nữ, những Hội từ thiện… của chính chung cư họ đang sống.

Hội chợ được tổ chức để lập quỹ từ thiện.

Hội chợ được tổ chức để lập quỹ từ thiện.

Chị Na kể, cuộc sống ở nơi chị đang sống đáng yêu lắm. Cái sân chơi chung ở dưới kia như một nơi để người lớn, trẻ con trong các tòa nhà làm quen, tâm tình và tìm hiểu về nhau. Xích mích cũng từ đấy mà ra và các câu chuyện nhân văn, nghĩa tình cũng từ đấy mà ra. Ở nơi đây, có những chuyện của một hộ không phải câu chuyện của riêng họ, có những nỗi đau của một cá nhân không chỉ một mình họ gánh chịu, mà còn có tập thể, có hàng xóm láng giềng sẻ chia.

Chuyện hàng xóm ở khu chung cư này hay lắm. Đó là câu chuyện tối lửa tắt đèn, là câu chuyện đỡ đần nhau từ những chuyện nhỏ nhặt. Việc một mẹ đi làm về sớm, chịu trách nhiệm đón trẻ con cả… tầng là chuyện bình thường. Câu chuyện bố mẹ về muộn, con cái mang bát sang hàng xóm ăn cơm cũng là chuyện hay thấy. Hoặc như câu chuyện nhà nào có trẻ mới sinh, cả tầng quà cáp, vui mừng, cũng vậy nhà có chuyện bất hạnh y như rằng sẽ không ai thấy chỉ mình đơn độc, lo lắng. Đôi khi, hàng xóm láng giềng còn gần gũi, thân thiết hơn cả họ hàng ở xa.

Chuyện thiện nguyện là câu chuyện ở chung cư nào cũng có. Nhưng để làm có bài bản thì có lẽ ít nơi làm được như ở Ecohome 1, nơi đây có hẳn một Hội từ thiện để chuyên làm những công việc thiện nguyện. Không chỉ thiện nguyện bằng tiền, mà cộng đồng nơi đây họ còn san sẻ công việc, chia sẻ nỗi đau cũng như hạnh phúc tới từng gia đình khó khăn. Đó là câu chuyện vô tình chị biết được hoàn cảnh của bé hàng xóm bị ung thư mắt. Việc tưởng chừng như khó và ít ai để ý vì cư dân mỗi người một nơi, mỗi hộ một tỉnh lại được mọi người ủng hộ nhiệt tình. Và từ việc đó, cư dân tiếp tục biết đến câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ có con bị ung thư gan. Cậu bé ấy mới 4, 5 tuổi thôi, nhưng nỗi đau của cậu, của bố mẹ cậu nhẹ hơn rất nhiều bởi sự sẻ chia của cộng đồng nơi họ đang sống.

Chị Na kể, hôm ấy chỉ mới tìm hiểu và biết được câu chuyện về cậu bé ung thư gan đó, mới chỉ lên kế hoạch để quyên góp cũng như công tác liên hệ với các đơn vị thì buổi sáng ấy mẹ cậu bé đã gọi nhờ chị trông hộ để vào viện xin moóc-phin vì bé quá đau. Chị bỏ dở hết công việc, chỉ kịp gọi thêm mấy chị em nữa sang giúp đỡ bố bé. Ai cũng lo lắng, cũng xót xa như con cháu nhà mình. Và cũng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, gia đình cậu bé nhận được số tiền 10 triệu đồng của chủ đầu tư cầm đến trao tận tay để gia đình có thêm chi phí lo cho bé.

“Nhìn con đau ai cũng thương con lắm. Nhưng xúc động hơn là tấm lòng của mọi người. Chẳng phải việc của nhà mình, nhưng ai cũng xắn vào lo cho con”, chị Na tâm sự. Chị còn nhớ, ngày ấy, chị cùng các chị trong khu đã cùng nhau nấu nồi chè, làm trà sữa để bán gây quỹ giúp bé ung thư. “Nhiều lần Hội từ thiện đã tổ chức những buổi hội chợ nội bộ trong chung cư. Các chị em phụ nữ, già có, trẻ có cùng nhau chế biến nồi chè, bát bánh trôi, ly trà sữa… để cùng bán lấy tiền làm từ thiện”, chị cho biết.

Vài ba tháng sau cái ngày đó bé mất, còn bố mẹ bé ở lại, cũng chính Hội từ thiện giúp đỡ để bố cậu bé có công việc ổn định tại Hà Nội, để không phải tha hương đi nơi khác làm việc. Đó còn là câu chuyện hộ gia đình nọ, có người chồng bị ung thư cũng được cộng đồng cư dân hỗ trợ. Cho đến khi anh mất thì bé con anh lại được hỗ trợ tiền ăn, tiền học trong những năm học mẫu giáo tại ngôi trường mẫu giáo khá cao cấp tại đó.

Còn có nhiều gia đình trong cộng đó được giúp đỡ, được sẻ chia. Sau 3, 4 năm thì đến nay, câu chuyện từ thiện không chỉ gói gọn trong cư dân cùng chung cư, mà nó còn lan rộng ra với các cộng đồng khác. Hôm nay là đem tặng suất cơm cho bệnh nhân ở Viện Huyết học, ngày mốt đem đồ lên với trẻ em vùng cao Vị Xuyên, Hà Giang… rồi những chuyến từ thiện vào với đồng bào lũ lụt… những đóng góp dù nhỏ, nhưng khiến mọi người trong cùng một cộng đồng sống chậm hơn, nghĩ về nhau tốt đẹp hơn. Và quan trọng là họ được cùng nhau sẻ chia, đồng cảm.

(Còn nữa)

Ngọc Dung

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-1-hoi-thien-nguyen-o-chung-cu-ecohome-1-180592.html