Bài 1: Hạnh phúc khi mỗi ngày có thể giúp ai đó, để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn

Thực hiện Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedict XVI 'Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt', thời gian qua, bằng những hành động và việc làm giàu lòng bác ái, nhiều tấm gương đồng bào Công giáo đã tích cực dấn thân, chung sức, chung lòng để không ai bị bỏ lại phía sau. Phát huy truyền thống 'Sống tốt đời, đẹp đạo', đồng bào Công giáo đã và đang tiếp tục nhân lên nhiều nghĩa cử cao đẹp, mang lại niềm tin vào con người, giúp nhiều người tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.

Không chỉ đối với giáo họ Bạch Mai, mà với những người dân ở Tổ dân phố số 10 phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, bà Maria Nguyễn Thị Gái không còn là cái tên xa lạ, bởi những việc thiện nguyện bà đã thầm lặng cống hiến trong suốt hơn hai chục năm qua.

Trong căn phòng chật hẹp gần 12m2 nằm sâu trong hẻm ở Bùi Ngọc Dương, bà Gái cặm cụi soạn từng món đồ dùng chờ chuyển đến cho những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Ảnh: B.D

Trong căn phòng chật hẹp gần 12m2 nằm sâu trong hẻm ở Bùi Ngọc Dương, bà Gái cặm cụi soạn từng món đồ dùng chờ chuyển đến cho những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Ảnh: B.D

Cầm trong tay địa chỉ đến 3 con số (số nhà, ngõ, ngách) nằm trên phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, tôi những tưởng sẽ mất nhiều thời gian để tìm được nhà bà Gái. Mặc dù nhà bà Gái nằm sâu trong hẻm, nhưng mới đến đầu phố đã có người chỉ dẫn giúp tôi tận tình.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về bà thật trùng khớp với cái tên trìu mến mọi người hay gọi bà, đó là “bà Tiên”. Bước sang tuổi 76, bà Gái trông thật phúc hậu với mái tóc bạc trắng như cước, giọng nói nhẹ nhàng, ân cần, khiến ai mới gặp lần đầu cũng cảm thấy như đã thân quen từ lâu.

Bà cho biết: Tôi vốn không phải người Công giáo, nhưng từ khi nên duyên với ông nhà tôi là người Công giáo, từ đó tôi đến với Nhà thờ. Nhưng dù có niềm tin vào tôn giáo nào đi nữa, thì niềm tin muốn san sẻ, giúp đỡ những người xung quanh, hướng mình đến điều thiện và tốt đẹp trong cuộc sống là đúng với đạo lý “thương người như thể thương thân”.

Vốn là công nhân Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, từ khi về hưu, bà Gái có nhiều thời gian hơn dành cho công việc thiện nguyện. Qua tiếp xúc, thấy cuộc sống còn nhiều hoàn cảnh khó khăn, bà đã dành dụm đồng lương hưu ít ỏi của mình tham gia nấu cháo từ thiện, phát miễn phí cho các gia đình bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đều đặn vào thứ Năm hằng tuần.

Kể về chuyện nấu cháo từ thiện, bà Gái cho biết, lúc đầu mình cứ làm, dần đến bây giờ nhóm chúng tôi có 3 chị em. Từ 5 năm nay, hằng tuần chúng tôi nấu cháo từ thiện cho những bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi trung ương. 100 suất cháo thịt miễn phí được đưa vào Bệnh viện đều đặn vào thứ Năm hàng tuần. Đến nay, nhóm nấu cháo có 11 thành viên, mỗi tháng vận động hơn 1 tạ gạo để ủng hộ các gia đình khó khăn. “Rất mừng là đến nay đã có nhiều người cũng tự nguyện ủng hộ “túi tiết kiệm” của chúng tôi”, bà Gái phấn khởi khoe.

Để có thêm kinh phí làm thiện nguyện, bà Gái không ngần ngại đi làm thêm. Ngoài 70 tuổi, ngày nào bà cũng dậy từ 7 giờ sáng, đi khoảng 4km đến Đê La Thành giúp nhặt rau, phụ bán hàng cho người quen, kiếm thêm mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Đồng lương hưu chằn chặn có 3,6 triệu đồng/tháng cộng với tiền làm thêm, bà Gái chỉ ăn tiêu trong khoảng hơn 1 triệu đồng, phần còn bà giữ lại để lo sức khỏe tuổi già, phần bà dành dụm để gặp ai đó kém may mắn hơn sẽ trích tiền giúp đỡ họ.

Bà Gái cho biết: Khoản tiền đó tôi chia thành nhiều khoản: Khoản dành mua gạo, mua thịt ủng hộ nồi cháo từ thiện; khoản dành mua đồ ăn và quần áo, khăn mặt cho các cụ ở Trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi ở Bùi Chu, Phát Diệm, Ninh Bình; khoản để giúp mấy cháu có hoàn cảnh khó khăn…

“Tôi nghĩ giúp đỡ người khác là lẽ tất nhiên, điều bình thường, mình có đến đâu, mình sẽ giúp đỡ người khác đến đó. Không kể là người lương, hay người giáo, bất kể ai khó khăn, có thể giúp được tôi đều tìm đến”, bà Gái chia sẻ.

13 năm trông chồng bị tai biến phải thường xuyên nằm ở Bệnh viện Thanh Nhàn, thấy nhiều trường hợp khó khăn, bà Gái cũng “nặng lòng” với nhiều hoàn cảnh. Lúc bà mua cho người này bộ quần áo mới, lúc nấu bát cháo, mua sữa cho người khác, người nào chưa có người nhà chăm sóc thì bà đỡ họ. Trên đường đi về, thấy cụ già co ro trên đường phố, bà không ngại dành tấm chăn mới để biếu cụ đắp qua mùa đông, rồi cố gắng tìm cho cụ một nhà trọ làm nơi ra vào…

Rồi bà rưng rưng, nghẹn ngào nước mắt khi nhớ đến phận đời, hoàn cảnh bà đã từng giúp đỡ những năm qua. Đó là một người mẹ già vì thương khóc con bị nghiện đến mù lòa, khi ốm phải nằm Bệnh viện Thanh Nhàn không có ai chăm sóc. Thương phận người mẹ già nghèo khó, đơn độc lúc về già, bà Gái đã mua tặng bà quần áo, xin gửi bà cụ vào Trung tâm nuôi dưỡng bên Công giáo, nhưng chỉ được nửa tháng, người mẹ đáng thương đó qua đời.

Đó là một hoàn cảnh đáng thương trong tổ dân phố, đôi vợ chồng trẻ đều nghiện, chồng đi tù, vợ bị HIV giai đoạn cuối, đến khi người vợ sinh con, không có tiền để trả viện phí. Thương đứa trẻ mới sinh sớm chịu thiệt thòi, bà Gái đã chạy đến từng nhà trong Tổ dân phố để vận động mọi người chung tay hỗ trợ, rồi bà tất tả ra chợ Mơ tìm mua từng bộ quần áo sơ sinh, chạy đi xin từng gói sữa mẹ để giúp người mẹ trẻ chăm con…

Âm thầm, lặng lẽ làm việc thiện, hành động đẹp của bà Gái đã lan tỏa được tình thương mến thương không chỉ trong gia đình, mà cả những người xung quanh. Nhiều người biết đến, đã tự nguyện đi gom quần áo, sách vở mang tới nhờ bà chuyển giúp tới những hoàn cảnh khó khăn.

Hơn hai chục năm làm việc thiện, không chỉ ở Hà Nội mà cả một số tỉnh lân cận, bà Gái nhớ như in từng hoàn cảnh, từng câu nói mọi người đã cảm ơn mình, bà luôn coi đó là động lực để tiếp tục theo đuổi hành trình thiện nguyện khi còn sức khỏe. Bà chỉ nghĩ đơn giản: Trong cuộc sống hiện nay còn nhiều người khó khăn cần đến sự giúp sức của cộng đồng, vậy nên, mình có điều kiện đến đâu, làm đến đó, chỉ cần mình thấy vui, thấy thoải mái là mình giúp được nhiều người.

"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày, mình có thể giúp ai đó, để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn”, bà Gái hạnh phúc chia sẻ.

Bài 2: Khát vọng làm giàu để sẻ chia

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bai-1-hanh-phuc-khi-moi-ngay-co-the-giup-ai-do-de-cuoc-song-cua-ho-bot-kho-khan-hon-113077.html