Bài 1: Giữ bình yên từ cơ sở, xây thế vững lòng dân

LTS: Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận số 12- KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị, khóa XI (Kết luận 12) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa IX phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020, các tỉnh Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng-an ninh (QP-AN), giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Những thành tựu đó là minh chứng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng. Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, quá trình thực hiện Kết luận 12 còn không ít khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh, cần tập trung tháo gỡ, khắc phục, điều chỉnh, để phát triển vùng Tây Nguyên toàn diện, bền vững theo tinh thần Kết luận 12.

Bảo đảm “an ninh chủ động”, giữ bình yên buôn làng

Kết luận 12 xác định: Phát triển vùng Tây Nguyên phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị-xã hội…; ngăn chặn, làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng FULRO, “Tin lành Đề ga”... Quá trình thực hiện Kết luận 12, cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng Tây Nguyên chú trọng xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, vì dân; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể, tổ chức quần chúng, giữ vững an ninh trật tự (ANTT) từ cơ sở.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, với hơn 50 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 40% dân số toàn vùng.

Trong sự kiện gây rối ANTT, biểu tình, bạo loạn ở Tây Nguyên các năm 2001 và 2004, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắc Lắc từng là một “điểm nóng”. Các thế lực thù địch và bọn phản động FULRO đã lôi kéo, kích động, xúi giục một số người dân gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản Nhà nước, vượt biên trái phép để “không phải làm, mà vẫn được sống sung sướng ở nước ngoài”- như lời một số đối tượng cầm đầu dụ dỗ, hứa hẹn... Sự việc đã lùi xa, nhiều năm qua, huyện Cư M’Gar giờ đây không có “điểm nóng” về ANTT, nhưng việc gần dân, nắm dân, giữ vững ANTT từ cơ sở, từ mỗi buôn, làng vẫn luôn là bài học mang tính thời sự.

 Lễ bàn giao công trình nhà Đại Đoàn Kết tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc.

Lễ bàn giao công trình nhà Đại Đoàn Kết tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc.

Đưa chúng tôi đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao, nhiều mô hình do hộ đồng bào DTTS làm chủ, đồng chí Nay H’Nan, Phó bí thư Huyện ủy Cư M’Gar tâm đắc: Để giữ vững ANTT từ cơ sở, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm nắm chắc tình hình mọi mặt ở địa phương, trong nhân dân, ở từng buôn, làng; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong tuyên truyền vận động nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động ngăn chặn, không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục bà con làm các việc vi phạm pháp luật. Những năm qua, 100% xã, thị trấn của huyện đều đạt vững mạnh về QP-AN, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Kết luận 12 của Bộ Chính trị xác định: “Tây Nguyên vẫn là địa bàn trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch”. Từ nhận định đó và thực tế địa bàn, những năm qua, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng ở Tây Nguyên đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ, xử lý các đối tượng chống phá, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo sự xúi giục, kích động của kẻ xấu; chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Mỹ Danh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đắc Lắc cho rằng: Tình hình chính trị-xã hội trên địa bàn tỉnh những năm qua cơ bản giữ được ổn định, nhờ các cấp quán triệt, nhận thức đúng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP), an ninh. Cơ quan quân sự, công an làm tốt vai trò tham mưu, tăng cường bám nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ các lực lượng xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống.

Với phương châm “ngăn chặn từ sớm từ xa, giữ vững buôn làng”, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng các huyện Đức Cơ, Mang Yang (tỉnh Gia Lai) và nhiều địa phương khác trong tỉnh thực hiện tốt mô hình “an ninh chủ động”. Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an, các ban, ngành, đoàn thể… tăng cường về cơ sở thực hiện “ba cùng” với dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO; chủ động gặp những người nhẹ dạ bị kẻ xấu lôi kéo, kích động để tuyên truyền, vận động họ yên tâm ở quê nhà làm ăn và cam kết không tái phạm.

Ông A Uin, ở làng Kret Krot, xã H’Ra, huyện Mang Yang, bộc bạch: Trước đây, một số người dân địa phương nhẹ dạ, trót nghe theo kẻ xấu, chống đối chính quyền, vượt biên trái phép, vi phạm pháp luật. Được cán bộ, các già làng, người có uy tín, cán bộ Mặt trận… tuyên truyền, vận động, bà con đã thấy cái sai của mình, nhận rõ âm mưu thủ đoạn nham hiểm của bọn người xấu và không tin, không nghe theo chúng nữa; tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Tìm hiểu thực tế tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc…, chúng tôi thấy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng đã chủ động phối hợp, nắm chắc tình hình, tăng cường công tác nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu phục hồi tổ chức, phát triển lực lượng của tổ chức phản động FULRO và âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”; phát hiện, bóc gỡ các đối tượng hoạt động cơ sở ngầm của lực lượng FULRO lưu vong; xử lý nghiêm một số tổ chức đội lốt tôn giáo để hoạt động chống phá và những đối tượng cầm đầu các tà đạo, nhất là đấu tranh xóa bỏ tà đạo Hà Mòn.

LLVT Quân khu 5, Quân đoàn 3 và các đơn vị quân đội, công an trên địa bàn cử hàng trăm đội công tác chuyên trách và không chuyên trách, gồm những cán bộ, chiến sĩ, tuyên truyền viên có kiến thức, kinh nghiệm làm công tác dân vận, biết tiếng dân tộc, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào DTTS đến các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT để tuyên truyền, vận động. Các địa phương có nhiều giải pháp hiệu quả trong bảo đảm an ninh nông thôn, xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp về khiếu kiện, tranh chấp đất đai, chặt phá rừng trái phép; đưa một số đối tượng FULRO bị bắt, hoặc ra đầu thú đã được cảm hóa, giáo dục, có chuyển biến tốt đi tuyên truyền trong nhân dân và tố cáo âm mưu, thủ đoạn lừa gạt của những đối tượng cầm đầu.

Với tổng số gần 7.800 buôn, làng, tổ dân phố, trong đó hơn 2.800 buôn, làng có đồng bào DTTS sinh sống, nên buôn, làng là một bộ phận rất quan trọng, là địa bàn chủ yếu cấp cơ sở ở Tây Nguyên. Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể các cấp vùng DTTS và miền núi, trong đó có địa bàn Tây Nguyên đã tích cực huy động sự tham gia, phát huy vai trò của các già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS trong tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, xây dựng, duy trì các thiết chế tự quản ở cơ sở; gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc trao đổi với cán bộ và người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar

Là cán bộ nhiều năm gắn bó với địa phương, cơ sở, đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc cho biết: Năm 2019, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương trong vùng đã Tổng kết 10 năm thực hiện "Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây Nguyên". Hơn 3.000 già làng các dân tộc Tây Nguyên, cùng với các trưởng thôn, bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS thực sự là “trụ cột” của buôn làng, là chỗ dựa quan trọng, “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương.

Từ chia sẻ của đồng chí Nguyễn Cảnh, chúng tôi về xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar (Đắc Lắc) và được nghe nhiều câu chuyện về các già làng, người có uy tín tích cực tuyên truyền vận động đồng bào nêu cao cảnh giác trước âm mưu thủ đoạn chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động. Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường trong buôn vừa được bà con đóng góp kinh phí lắp điện thắp sáng, ông Y Ven Kriêng, trưởng buôn Aring, phấn khởi khoe: Các già làng, người có uy tín ở địa phương phát huy tốt vai trò tự quản ở cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết, vận động người dân tham gia giữ gìn ANTT và thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, xây dựng NTM, góp phần để năm 2017, xã Cuôr Dăng được UBND tỉnh Đắc Lắc công nhận đạt chuẩn NTM.

Nhờ xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình, phong trào tự phòng, tự quản, như: “Ba phòng, ba chống”, “Ba tự quản”, “Khu dân cư an toàn”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Liên gia tự quản”…, các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn Tây Nguyên kịp thời nắm bắt thông tin, cung cấp cho lực lượng chức năng hàng nghìn tin có giá trị về ANTT, giúp phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của lực lượng FULRO lưu vong, các đối tượng cầm đầu các tà đạo, hoặc có hành vi vi phạm pháp luật...

Theo cơ quan chức năng, những năm qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhiều lần dụ dỗ, lôi kéo, kích động một bộ phận quần chúng ở gần 100 buôn làng, gần 40 xã thuộc hơn 10 huyện, thành phố của các tỉnh Gia Lai, Kon tum Đắc Lắc, Đắc Nông… chống đối chính quyền, vượt biên trái phép; âm mưu thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”, quốc tế hóa “vấn đề người Thượng” ở Tây Nguyên… Bằng nhiều giải pháp chủ động, hiệu quả của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, âm mưu, thủ đoạn của chúng đã kịp thời bị phát hiện, đấu tranh, vạch trần và bị thất bại. Qua đó, đồng bào các dân tộc càng đề cao cảnh giác, không mắc mưu kẻ xấu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn giữ được ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, vì dân

Kết luận 12 của Bộ Chính trị chỉ rõ một số hạn chế, yếu kém trên địa bàn Tây Nguyên, cần sớm khắc phục như: Hệ thống chính trị cơ sở còn thiếu hiệu lực; một số nơi nắm dân không chắc, nắm tình hình hoạt động của FULRO chưa tốt; cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi còn yếu kém, còn tình trạng quan liêu, xa dân. Phát triển kinh tế chưa kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề xã hội và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chưa chăm lo đúng mức đến sản xuất, đời sống của đồng bào DTTS…

Từ thực tế trên, trong triển khai thực hiện Kết luận 12, lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên xác định, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là đòi hỏi cấp bách. Theo đồng chí Lê Năng Hảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc, trong Chương trình thực hiện Kết luận 12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắc Lắc xác định: Quan tâm chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, củng cố vững chắc chính quyền cơ sở; xây dựng các thôn, buôn vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt các quy ước, hương ước bảo đảm ANTT... Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, quan tâm phát triển đảng viên cũng chính là góp phần khẳng định, phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các mặt công tác, các lĩnh vực tại địa phương”.

Trở lại xã Cuôr Dăng, huyện Cư M’Gar, nơi đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm hơn 80% dân số, chúng tôi thấy rõ sự “thay gia, đổi thịt” của vùng đất một thời từng là “điểm nóng” về ANTT. Đồng chí H’Nuer Nie, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để phát huy vai trò của hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể luôn được địa phương chăm lo xây dựng, kiện toàn đủ về số lượng, chất lượng, làm tốt vai trò tham mưu và trực tiếp tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc, tạo đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi ghi nhận, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KT-XH, gắn với bảo đảm ANTT và vận động đồng bào theo phương châm: “Tỉnh bám xã, huyện bám buôn, xã bám từng hộ dân”. Những năm trước, khi xảy ra vụ việc phức tạp, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Lâm Đồng… đã cử hàng trăm cán bộ là người DTTS, cán bộ người Kinh biết tiếng dân tộc, có kinh nghiệm làm công tác dân vận tham gia các tổ, đội công tác vận động quần chúng. Cũng nhờ tăng cường đi cơ sở, lắng nghe ý kiến của chính quyền cơ sở và người dân, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thêm nắm chắc tình hình, từng bước giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm ở làng người dân tộc Mông di cư tự do tại xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông), hay những khó khăn lâu nay của đồng bào DTTS ở xã Đồng Nai Thượng- xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Cát Tiên.

Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 tặng gạo hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Là cán bộ trưởng thành từ quân đội, nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên, đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai thường dành nhiều thời gian đi cơ sở, nhất là về địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS… để kiểm tra, nắm tình hình, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chính quyển cơ sở, MTTQ và người dân; kịp thời giúp đỡ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả. Đồng chí cũng thường xuyên chỉ đạo và yêu cầu cán bộ các cấp trong tỉnh phải hướng mạnh về cơ sở; thực hiện gần dân, hiểu dân, lo cho dân, giải quyết rốt ráo những vấn đề bức xúc, kiến nghị của bà con.Sự gắn bó máu thịt của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT… với đồng bào chính là “cầu nối” Đảng với dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thời gian qua, tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Tây Nguyên tăng cường chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, nhất là những vụ việc liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng…, từng bước khắc phục dứt điểm những yếu kém, tồn tại kéo dài; xử lý nghiêm minh những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất, đạo đức, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả thực thi nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Huy Châu, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành của tỉnh, huyện phụ trách 54 xã, phường, thị trấn và hơn 250 thôn, làng trọng điểm; phân công đảng viên thuộc cấp ủy cấp trên về dự sinh hoạt với chi bộ thôn, làng, khu dân cư; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia giúp đỡ hiệu quả các xã khó khăn phát triển KT-XH… Đồng bào có đạo trên địa bàn cũng đồng tình, phấn khởi trước chủ trương của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tạo điều kiện cho các tôn giáo, trong đó có đạo Tin Lành hoạt động ổn định, lành mạnh, đúng pháp luật.

Trong các buổi làm việc và đưa chúng tôi đi tìm hiểu thực tế cơ sở, đồng chí Lê Năng Hảo, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc luôn nhấn mạnh việc tập trung lãnh đạo công tác xây dựng tổ chức cơ sở (TCCS) đảng và phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân DTTS, đồng bào có đạo... Đồng chí cho rằng, những năm qua, hệ thống chính trị ở cơ sở và chất lượng TCCS đảng ở thôn, buôn tại Đắc Lắc, cũng như các tỉnh Tây Nguyên được củng cố, đã thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các mặt công tác, các lĩnh vực tại địa phương, nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo bám dân, nắm chắc tình hình ở cơ sở và đề xuất hướng giải quyết hiệu quả.

Theo cơ quan chức năng, năm 2010, còn một số lượng không nhỏ các buôn, làng ở Tây Nguyên chưa có đảng viên và tổ chức Đảng, thì đến cuối năm 2019, toàn vùng có hơn 99,9% số buôn, làng có chi bộ đảng; hơn 99,8% buôn, làng có đảng viên là người DTTS tại chỗ. Cấp ủy các địa phương cũng quan tâm xây dựng cán bộ cốt cán, tạo nguồn phát triển đảng trong đồng bào tôn giáo và vùng DTTS; tăng cường công tác dân vận, mặt trận ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp, xung yếu; tổ chức nhiều lớp học tiếng của các DTTS (Giarai, Êđê, Xơ Đăng, Mnông, Ba Na…) cho cán bộ các sở, ban, ngành, mặt trận và các tổ chức đoàn thể; từng bước khắc phục tình trạng cán bộ công tác ở vùng đồng bào DTTS, nhưng không biết tiếng của đồng bào.

Thay cho lời kết của bài viết này,chúng tôi xin dẫn lời của đồng chí Y Ngoăn Eban, Bí thư Chi bộ buôn Kroc, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar: “Chi bộ buôn được củng cố vững mạnh; từng đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu; chi bộ phân công cụ thể từng đảng viên theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn và đã giúp được gần 30 hộ thoát nghèo. Bà con thêm tin yêu những “cán bộ của Đảng”, cán bộ Mặt trận, đoàn thể… luôn gần dân, sâu sát cơ sở, thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của đồng bào, qua đó tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương”.

“Tập trung kiện toàn bộ máy đảng, chính quyền cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân; duy trì tỷ lệ thích đáng và bảo đảm cơ cấu cán bộ người DTTS trong bộ máy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; đề cao vai trò của già làng, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong đồng bào DTTS… Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…” (Trích Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, kèm theo Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 18-2-2014).

(Còn nữa)

Bài và ảnh: QUÂN THỦY-TIẾN DŨNG-TRỊNH DŨNG-HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tien-toi-dai-hoi-xiii-cua-dang/nghi-quyet-va-cuoc-song/bai-1-giu-binh-yen-tu-co-so-xay-the-vung-long-dan-615839