Bài 1: Doanh nghiệp hàng không đình trệ

Đại dịch Covid-19 đang khiến các doanh nghiệp hàng không trên thế giới lâm vào tình cảnh tồi tệ nhất trong lịch sử, các đường bay quốc tế gần như đóng băng. Nằm trong vòng xoáy này, các hãng hàng không (HHK) Việt Nam cũng đứng trước khó khăn chồng chất. Với việc nước ta kiểm soát tốt dịch bệnh, cơ hội khôi phục thị trường hàng không từng bước mở ra; cùng với đó, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) cũng cần được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Trước khi đại dịch Covid-19 càn quét khắp toàn cầu, ngành công nghiệp hàng không dẫu cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhưng vẫn là “miếng bánh” ngon với rất nhiều nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, dịch Covid-19 giống như một siêu bão đã đánh tan nhiều HHK có bề dày lịch sử hàng trăm năm trên thế giới, khiến ngành này lâm vào tình trạng khó khăn chưa từng thấy.

Ngành hàng không quốc tế điêu đứng

LATAM là HHK lớn nhất khu vực Mỹ Latin, với thương hiệu được Hãng tin CNBC mô tả là dễ nhận biết ngay lập tức với người Nam Mỹ. 4 năm liên tiếp gần đây, LATAM đã công bố lợi nhuận hơn 700 triệu USD. Thậm chí, gần đây, hãng cũng đã phê duyệt thanh toán 57 triệu USD cổ tức cho cổ đông. Điều đó cho thấy, LATAM vẫn sẽ duy trì được vị thế "ông lớn" trong ngành hàng không khu vực và thế giới, nếu không có đại dịch Covid-19. Từ một DN có mức lãi cao, đến nay, LATAM đã trở thành con nợ lớn với rất nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không có nguồn chi trả. Trong một nỗ lực cứu vãn tình thế, LATAM đã sa thải 1.800 nhân viên, tăng cường đàm phán với chính phủ và các cổ đông để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, tất cả đều không ngăn được một kết cục rất đáng buồn: Họ đã phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản.

 Máy bay của một số hãng hàng không Việt Nam đang khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: HƯNG MẠNH

Máy bay của một số hãng hàng không Việt Nam đang khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: HƯNG MẠNH

Trước khi LATAM nộp đơn xin bảo lãnh phá sản ít ngày, HHK có lịch sử lâu đời thứ nhì thế giới của Colombia, Hãng Avianca, cũng phải lựa chọn kết cục đau đớn như vậy. Hãng tin CNBC cho biết, Avianca là HHK lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latin, sau LATAM. Đại diện HHK được thành lập từ năm 1919 này cho biết, hãng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất trong lịch sử hơn 100 năm hoạt động khi không thể thực hiện các chuyến bay chở khách theo lịch trình thường xuyên kể từ tháng 3. Đến nay, 20.000 nhân viên của hãng đã phải nghỉ việc. Avianca đã đề nghị Chính phủ Colombia viện trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng không thành công.

Trong khu vực, HHK quốc gia Thái Lan (Thai Airways International) cũng đã đệ đơn xin phá sản và đã được Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan chấp nhận. HHK được thành lập năm 1960 này có tới 51% cổ phần thuộc sở hữu Bộ Tài chính Thái Lan. Với đội tàu bay thuộc quyền sở hữu lên tới 90 chiếc, đội ngũ nhân viên hơn 22.000 người, có đường bay tới 84 địa điểm và 37 quốc gia, Thai Airways International từng là niềm tự hào của Thái Lan với kết quả kinh doanh rất tốt. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, hãng luôn thua lỗ và đại dịch Covid-19 đã giáng đòn chí tử, khiến hãng không còn khả năng trang trải nợ nần, trong khi các khoản nợ vẫn tăng lên hằng ngày.

Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), từ tháng 1 tới tháng 6 năm nay, các HHK trên thế giới đã phải hủy 7,5 triệu chuyến bay do đại dịch Covid-19, gây thiệt hại tổng doanh thu khoảng 419 tỷ USD. Trước ảnh hưởng từ Covid-19, IATA và Trung tâm Hàng không châu Á-Thái Bình Dương (CAPA) cùng đưa ra những khuyến nghị chính phủ các nước cần có giải pháp hỗ trợ, tránh để các hãng hàng không phá sản hàng loạt.

Một số nước trên thế giới cũng đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ các doanh nghiệp trước dịch Covid-19, như: Trung Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Australia miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và phí an ninh hàng không; Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng (từ ngày 6-2-2020 đến 30-9-2020) cho các đường bay nội địa.

Hàng không Việt Nam gặp khó

Đánh giá mới đây của Bộ Tài chính cho thấy, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam bởi đại dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác đều sụt giảm mạnh. Tính đến hết quý II-2020, số chuyến bay toàn mạng giảm 32,7 nghìn chuyến, giảm 88,2% so với kế hoạch; số lượng khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu khách, giảm 89,3% so với kế hoạch; quy mô sản lượng của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tháng 4-2020 chỉ còn bằng khoảng 2% so với kế hoạch.

Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng không vẫn phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động, như: Chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí thường xuyên khác. Báo cáo từ các hãng hàng không trong nước cho thấy, ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, Vietjet là 20 triệu USD; ước tính chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỷ đồng; Vietjet khoảng 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways khoảng 1,24 tỷ đồng.

Do việc khai thác các chuyến bay bị hạn chế, doanh thu của các HHK cũng giảm mạnh. Trong quý II-2020, doanh thu của Vietnam Airlines giảm khoảng 18.000 tỷ đồng (giảm 96,1% so với kế hoạch), lợi nhuận giảm gần 6,4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Do khó khăn, Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỷ đồng, dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Không chỉ Vietnam Airlines, HHK khác cũng đang phải đối mặt với thách thức tương tự. Trong đó, đối với HHK Bamboo Airways, đến hết tháng 5-2020, hoạt động khai thác của hãng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, ước tính thiệt hại lên đến 4.455 tỷ đồng so với kế hoạch khai thác dự kiến. Các đường bay thường lệ quốc tế của hãng phải tạm dừng, với đường bay nội địa, do nhu cầu giảm mạnh nên hãng phải giảm quy mô đội máy bay khai thác còn khoảng 1/3. Hoạt động vận tải hàng hóa của Bamboo Airways cũng bị ảnh hưởng 50% cả về sản lượng và doanh số.

Cục Hàng không Việt Nam dự báo, thị trường vận chuyển hàng không năm 2020 chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019, trong đó, các HHK Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5 %), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm: Thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hóa.

(còn nữa)

CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-1-doanh-nghiep-hang-khong-dinh-tre-624838