Bài 1: Chưa tương xứng với tiềm năng

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực có lợi thế của tỉnh Bình Thuận và Việt Nam, hàng năm đem lại nguồn ngoại tệ hàng tỷ USD.

Tuy nhiên tiềm năng và lợi thế của thanh long Bình Thuận vẫn chưa được khai thác và phát huy hết hiệu quả do có những "điểm nghẽn" chưa được khơi thông, kết quả thu về chưa tương xứng.

Xuất khẩu chính ngạch chưa nhiều

Bình Thuận là “thủ phủ” thanh long của cả nước, diện tích hiện lên đến 30.652 ha, được trồng trên cả 10 huyện, thị xã, thành phố. Tuy nhiên diện tích thanh long tập trung chủ yếu tại 3 huyện gồm Hàm Thuận Nam 12.856 ha, Hàm Thuận Bắc 8.988 ha và Bắc Bình 4.214 ha; với tổng sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.

 Hiện thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Kim Sơ.

Hiện thanh long Bình Thuận xuất khẩu chính ngạch còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Kim Sơ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, toàn tỉnh có 35 HTX và 1 liên hiệp HTX sản xuất thanh long, với diện tích 1.384 ha và 673 thành viên, trong đó có 7 HTX có nhà sơ chế, đóng gói và thu mua thanh long cho thành viên. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận có khoảng 170 doanh nghiệp và cơ sở thu mua, sơ chế thanh long, với 120 kho chứa khoảng 7.000 tấn.

Hiện nay, nông dân Bình Thuận áp dụng các TBKT mới vào sản xuất góp phần làm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, như áp dụng quy trình sản xuất thanh long theo GAP.

Tính đến cuối tháng 8/2020, toàn tỉnh có hơn 10.161 ha thanh long được cấp chứng nhận VietGAP và 260 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 13.182 ha thanh long được áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm; 24.545 ha sử dụng bóng đèn compact (18-20W) thay thế bóng đèn sợi tóc (60-75W) để điều khiển cho thanh long ra hoa trái vụ, góp phần giảm lượng tiêu thụ điện, chi phí sản xuất, tăng thu nhập.

Bình Thuận hiện có khoảng 500 ha thanh long trồng giàn áp dụng đồng bộ hệ thống tưới tự động, cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật như sử dụng phân hữu cơ sinh học, chế phẩm sinh học, giảm phân bón hóa học, thuốc BVTV.

Bên cạnh đó toàn tỉnh có 96 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long, với tổng diện tích sản xuất hơn 2.977 ha. Về chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong khối Liên minh Châu  (EU). Đối với nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sang 14 nước.

Hiện Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận đang phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện các thủ tục để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” sang Nhật Bản.

Hiện thanh long Bình Thuận có diện tích hơn 30.000 ha, đứng đầu cả nước. Ảnh: Lê Khánh.

Về tình hình tiêu thụ thanh long, theo Sở Công thương Bình Thuận, chủ yếu tiêu thụ trên thị trường dạng trái tươi. Trong đó, thị trường nội địa khoảng 15 - 20% sản lượng, còn lại 80 - 85% sản lượng thanh long là xuất khẩu. Tuy nhiên sản lượng lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 2-3%, số còn lại tiêu thụ theo phương thức mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc.

Còn nhiều hạn chế

Ngoài việc phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch còn hạn chế, theo Sở Công thương, hiện thị trường nội địa cũng chưa được doanh nghiệp quan tâm mở rộng.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên nguy cơ ảnh hưởng đến việc sản xuất thanh long khi thị trường này bị ách tắc. Hơn nữa, việc đẩy mạnh hình thức buôn bán biên mậu đã góp phần cản trở đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch.

Hiện nay thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu, nhưng chiếm đa số là thị trường Trung Quốc. Ảnh: KS

Theo lãnh đạo Sở Công thương Bình Thuận, sản lượng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc bằng hình thức biên mậu chiếm tỷ trọng rất lớn, nhưng vì mạnh ai nấy làm nên không điều tiết được lượng hàng vận chuyển ra biên giới, do đó đã xảy ra tình trạng trong một số thời điểm đã xảy ra hiện tượng ách tắc, ứ đọng hàng hóa tại cửa khẩu gây nhiều rủi ro thiệt hại cho doanh nghiệp, mặt khác lại tạo cơ hội cho thương nhân Trung Quốc ép cấp, ép giá.

Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có qui mô vừa và nhỏ, trình độ ngoại thương còn hạn chế, kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại ít... nên doanh nghiệp ít tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; ngân sách tỉnh dành cho công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm thanh long chưa được mạnh mẽ và chưa tương xứng với nhu cầu.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, thanh long đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của tỉnh do hiệu quả kinh tế vượt trội so với cây trồng khác. Cây thanh long đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 30.000 hộ dân. Ông Lê Công Danh, một nông dân trồng thanh long ở thôn Đại Thiện 1, xã Hàm Hiệp, cho biết, trước đây gia đình trồng lúa, rau màu thu nhập rất thấp. Tuy nhiên, năm 1990 gia đình chuyển đổi trồng thanh long nên kinh tế ngày càng khấm khá. Với diện tích 3ha thanh long (3.000 trụ), mỗi năm gia đình ông Danh thu hoạch khoảng 90 tấn trái, với giá bán trung bình từ 12.000 – 15.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng nửa tỷ.

Kim Sơ-Lê Khánh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bai-1-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-d272577.html