Bài 1: Chưa dự báo hết các yếu tố bị ảnh hưởng

Mặc dù góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương hưởng lợi tỉnh Quảng Trị, tuy nhiên, vốn ODA và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm dần, các khoản với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn, tỷ lệ vay lại cao hơn. Một trong những nguyên nhân do các dự án sử dụng vốn ODA triển khai với thời gian dài, công tác chuẩn bị đề xuất dự án, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chưa dự báo hết các yếu tố bị ảnh hưởng, kể cả xung đột quy hoạch, dẫn đến điều chỉnh nhiều lần, mất nhiều thời gian, đội chi phí, kéo theo chậm tiến độ.

Đoàn giám sát Thường trực và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Tài chính về tình hình vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài... Ảnh: T. Châu

Đoàn giám sát Thường trực và Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở Tài chính về tình hình vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài... Ảnh: T. Châu

Đó là những nội dung được Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị chỉ ra qua giám sát tình hình vận động, quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát: các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi trong giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2021 được vận động, tiếp nhận phù hợp với các quy định của Chính phủ; phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 của HĐND tỉnh; phù hợp với lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo định hướng của Chính phủ Việt Nam và phù hợp với mục tiêu của các nhà tài trợ. Vốn ODA bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ sinh kế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tạo diện mạo mới cho nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương hưởng lợi.

Điển hình, Dự án Xây dựng cầu dân sinh và Quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) đóng góp quan trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh. Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông hóa được tăng lên, tăng tỷ lệ số xã có đường ô tô đến trung tâm đi được 4 mùa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa vùng trước đây bị cô lập do sông, suối chia cắt, nay đã đi lại được quanh năm.

Dự án đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tuyến cơ sở dự án thành phần tại tỉnh Quảng Trị: các trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện trong phạm vi của dự án được xây dựng, nâng cấp đạt, đủ tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ chất lượng; cán bộ y tế xã được nâng cao năng lực trong các nội dung chuyên môn và quản lý, theo nguyên lý y học gia đình, được chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn từ các cơ sở y tế tuyến trên; bảo đảm cung cấp hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chất lượng dịch vụ y tế tuyến xã; đổi mới phương thức quản lý trạm y tế xã; cải thiện vận hành và khai thác hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân và hộ gia đình cho dự phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm.

Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển góp phần tạo thành dãy đai rừng phòng hộ xuyên suốt các huyện ven biển từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong đến Hải Lăng dọc theo bờ biển Quảng Trị. Qua đó, tạo vành đai che chắn bảo vệ đê, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế xói lở bờ biển, phát huy hiệu quả cố định lượng phù sa, ổn định và mở rộng bãi bồi, che chắn gió bão, bảo vệ bờ biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển.

Điểm “nghẽn” từ giá đất làm vật liệu san lấp mặt bằng tăng cao

Tuy nhiên, ngoài những tồn tại, khó khăn nội tại của các dự án, vốn ODA và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm dần, các khoản với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn, tỷ lệ vay lại cao hơn. Trong số 8 dự án ODA, trách nhiệm của ngân sách tỉnh bố trí vốn đối ứng, vốn vay lại nhưng chưa trình HĐND tỉnh (Chỉ trình Thường trực HĐND xem xét từng dự án riêng lẻ) xem xét tổng thể về cân đối ngân sách để trả phí, lãi vay, nợ gốc, trần nợ công theo quy định.

Nguyên nhân chủ quan được xác định do các dự án sử dụng vốn ODA triển khai với thời gian dài, công tác chuẩn bị đề xuất dự án, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư (kể cả cơ quan chủ quản và đơn vị tư vấn) chưa dự báo hết các yếu tố bị ảnh hưởng, kể cả xung đột quy hoạch. Như: Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án tỉnh Quảng Trị (Xung đột với cảng số 4 Cửa Việt), dẫn đến điều chỉnh nhiều lần, mất nhiều thời gian, đội chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư, kéo theo dự án chậm tiến độ.

Hầu hết các dự án xây dựng hạ tầng giao thông chậm tiến độ nguyên nhân vướng mắc từ giải phóng mặt bằng; giá cả nhân công, vật liệu kể cả vật liệu là đất đắp nền đều tăng. Trong đó, giá đất làm vật liệu san lấp mặt bằng tăng cao là điểm “nghẽn” cho xây dựng các công trình giao thông hiện nay.

Bên cạnh đó, giám sát của cơ quan HĐND chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức của chủ dự án sử dụng vốn ODA có phần thiên lệch, thiếu tính toàn diện, đầy đủ về quy định của pháp luật.

HOÀNG MAI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-1%C2%A0chua-du-bao-het-cac-yeu-to-bi-anh-huong-i309735/