Bài 1: Chất lượng nhân lực – chất lượng y tế!

Chất lượng nhân lực là yếu tố sống còn của ngành y tế. Chính vì lẽ đó, chủ trương phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã có và được thực hiện qua nhiều giai đoạn, góp phần đáng kể trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhân lực chất lượng cao ngành y tế: Chuyện còn dài...

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được triển khai ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa giúp người dân được cung cấp dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương. Ảnh: Tô Hà

Khẳng định vị thế trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là khâu then chốt để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chính vì vậy, ngành y tế tỉnh luôn đặc biệt coi trọng việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ, duy trì thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao về công tác. Thường xuyên chọn, cử và tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng với đó, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, giám sát việc thực hiện chế độ chuyên môn, giáo dục y đức trong lĩnh vực khám, chữa bệnh (đặc biệt là tinh thần phục vụ người bệnh). Các hoạt động về quản lý tài chính, thu hút các nguồn đầu tư phát triển ngành được tăng cường và đạt những kết quả tốt hơn. Vì thế nhiều chỉ tiêu về sức khỏe của Nhân dân không ngừng được nâng lên, nhất là những năm gần đây. Một số chỉ tiêu cơ bản năm 2015 và năm 2019 đã có sự thay đổi đáng kể, như: tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi giảm từ 14%o xuống còn 11,6%o; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể cân nặng theo tuổi giảm từ 18,2% xuống còn 15%; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ duy trì trên 95%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ tăng từ 80,1% lên 89%... Mặc dù chưa loại trừ được bệnh sởi, bệnh dại nhưng đã kiểm soát tốt các đợt cao điểm bùng phát bệnh sởi diễn ra trong phạm vi toàn tỉnh, không để xảy ra các trường hợp tử vong do bệnh sởi và bệnh dại. Đã loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh, bệnh tả; không để xảy ra tử vong do sốt rét; tỷ lệ bệnh nhân lao được điều trị khỏi đạt 99%; tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần vào đúng chu kỳ đạt trên 90%, vượt chỉ tiêu đề ra... Hệ thống y tế đã có bước phát triển mạnh từ tỉnh đến huyện, xã. Các bệnh viện trong tỉnh đã thực hiện nhiều kỹ thuật mới mang lại hiệu quả trong khám, chữa bệnh như: đốt sóng cao tần RFA điều trị u phổi, ghép thận từ người cho sống, chụp và can thiệp mạch não, ứng dụng robot một cánh tay vào phẫu thuật nội soi bụng tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa); phẫu thuật tạo hình mí mắt, phẫu thuật phaco phối hợp rạch góc tiền phòng, ghép giác mạc (Bệnh viện Mắt); phẫu thuật tim hở, phẫu thuật khe hở vòm bằng ghép xương cánh chậu tự thân (Bệnh viện Nhi). Trạm y tế xã ngày càng tạo được niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu, với 95% trạm y tế xã triển khai khám, chữa bệnh BHYT, thu hút trung bình 2 triệu lượt khám/năm. Tại tuyến huyện, 100% các kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế đối với bệnh viện tuyến 3 đã được triển khai thực hiện. Trong đó, nhiều bệnh viện đã thực hiện được 70% - 100% kỹ thuật của bệnh viện tuyến 2 như: kỹ thuật đặt nội khí quản, sốc nâng mạch, cắt amidan bằng sóng điện tần, mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco; phẫu thuật nội soi ổ bụng; nội soi tiêu hóa, nội soi tai mũi họng; siêu âm tim, siêu âm mầu 4D; chụp X-quang kỹ thuật số (CR); chụp cắt lớp vi tính (CT-Scaner); chạy thận nhân tạo...

Vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến hết năm 2020 tại Thanh Hóa đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/vạn dân (tính chung cả trong và ngoài công lập). Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động: hiện nay, toàn ngành có 14.221 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 119 người (chiếm 0,84%), dược sĩ chuyên khoa II là 8 người (chiếm 0,06%; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 868 người (chiếm 6,1%); thạc sĩ, dược sĩ chuyên khoa I là 75 người (chiếm 0,53%); bác sĩ 1.967 người (chiếm 13,83%); dược sĩ đại học 109 người (chiếm 0,77%)... Tuy nhiên, cơ cấu nhân lực y tế vẫn chưa cân đối, phần lớn bác sĩ đều tập trung tại một số đơn vị tuyến tỉnh, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế chất lượng cao vẫn thiếu trầm trọng ở tuyến huyện, tuyến xã, các bệnh viện đặc thù, chuyên ngành như bệnh viện tâm thần, phổi, lĩnh vực dự phòng...

Theo Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa Lê Bật Tân, nhiều năm qua, bệnh viện không tuyển dụng được bác sĩ chính quy về làm việc. Trong tổng số 41 bác sĩ hiện có của bệnh viện thì có đến 19 bác sĩ chuyên tu. Nguyên nhân do đây là chuyên ngành vất vả, thu nhập thấp, độc hại, rủi ro nghề nghiệp cao. Thêm vào đó, môi trường làm việc của cán bộ chưa được quan tâm đầu tư, cơ sở hạ tầng xập xệ, xuống cấp..., nên chưa thật sự thu hút được các bác sĩ. Năm 2021, bệnh viện thông báo tuyển 9 bác sĩ nhưng mới có 2 hồ sơ tham gia dự tuyển.

Lưu huyết não cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa.

Đối với nhân lực ở tuyến y tế cơ sở (trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế tuyến xã) còn thiếu số lượng, yếu chất lượng; phân bố chưa hợp lý giữa các khu vực, giữa các tuyến, nhất là thiếu bác sĩ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, nhiều trạm y tế chưa có bác sĩ. Không những vậy, số bác sĩ đào tạo hệ liên thông chiếm số lượng lớn. Chính hạn chế này khiến cho chất lượng dịch vụ y tế ở nhiều cơ sở y tế chưa đáp ứng được nhu cầu. Thêm vào đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ; công tác xã hội hóa y tế chưa đồng đều; các bệnh viện công lập chưa phát huy hết hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành tại các đơn vị chưa đồng đều; hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe chưa đem lại được hiệu quả như mong muốn... Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, hệ thống y tế Thanh Hóa cũng như toàn ngành y tế trong cả nước đang phải đối mặt với nhiều thay đổi về định hướng, chính sách như: hạn chế đầu tư công tiến tới cắt giảm toàn bộ nguồn lực của các Chương trình Mục tiêu y tế quốc gia; chuyển đổi và kiện toàn mô hình tổ chức của các đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và các đơn vị y tế tuyến huyện. Việc tuyển dụng và sử dụng nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp y tế đang có nhiều thay đổi. Đặc biệt là “điểm nghẽn” về chính sách thu hút khiến cho việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.

Bài 2: Giữ chân nhân lực và làn sóng dịch chuyển đội ngũ – vẫn chưa có giải pháp hiệu quả.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bai-1-chat-luong-nhan-luc--chat-luong-y-te/133829.htm