Bài 1: Bản sắc văn hóa dần bị mai một

Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 'Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam' đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới. Tuy nhiên, để sự kiện này đi vào đời sống cộng đồng các dân tộc, vẫn cần nhiều sự nỗ lực…

Nhiều di sản văn hóa truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang có nguy cơ bị mai một, biến dạng, hoặc chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức, rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”, đại diện Hội đồng dân tộc Quốc hội cho biết, hiện nay, văn hóa các dân tộc đang được Đảng, Nhà nước quan tâm gìn giữ và phát huy.

Các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được quan tâm và bảo tồn, khôi phục như các lễ hội truyền thống, tổ chức ngày hội văn hóa – nghệ thuật... Đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở các vùng, miền đều được nâng lên và có nhiều khởi sắc, góp phần làm phong phú, sống động nền văn hóa Việt Nam hội nhập với văn hóa thế giới.

Một hoạt động trong “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” 2018 diễn ra tại Làng văn hóa dân tộc.

Một hoạt động trong “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” 2018 diễn ra tại Làng văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống cũng gặp không ít khó khăn trở ngại. Trong đời sống thường ngày ở nhiều vùng văn hóa chưa thể hiện vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Thông tin tuyên truyền về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước đến với các vùng này còn hạn chế. Tình hình sinh hoạt tín ngưỡng và hoạt động của một số nhóm Tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số diễn biến rất đa dạng, phức tạp.

Sự biến tướng trong các hoạt động tôn giáo, nhiều dân tộc bỏ tục thờ cúng tổ tiên, có nơi có hoạt động không bình thường, gây mất trật tự xã hội, gây mất thẩm mỹ, mâu thuẫn ngay trong nội bộ dân tộc mình; có nơi bị kẻ xấu lợi dụng để tập hợp lực lượng, kích động phá hoại đoàn kết dân tộc. Không ít nơi vùng dân tộc thiểu số phong tục tập quán còn lạc hậu, nếp sống văn hóa mới chậm được đổi mới, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng mình.

Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam”: Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành thực hiện Quyết định của Thủ tướng về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, quảng bá nhằm khơi dậy ý thức tự giác, lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của đồng bào các dân tộc cả nước.

Rà soát các chính sách hỗ trợ về văn hóa dân tộc thiểu số, đặc biệt có các chính sách hỗ trợ các nghệ nhân văn hóa một cách phù hợp để làm sao các giá trị, các vốn sống văn hóa của các nghệ nhân được trao truyền cho các thế hệ mai sau tạo tiền đề tốt nhất tổ chức ngày văn hóa các dân tộc trong thời kỳ mới.

Tình trạng mai một, khó bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống diễn ra ở hầu hết các cộng đồng như người Mông, người Thái, Mường, Tày, Cao Lan… Không chỉ mai một lễ hội, âm nhạc, mà ngay cả tiếng nói, một thành tố cơ bản của văn hóa dân tộc, đồng thời là tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người cũng đã bị mai một hoặc có nguy cơ mai một. Hiện nay nhiều dân tộc không còn nói tiếng mẹ đẻ.

Đơn cử, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa, tức tiếng Hán phương Nam, người Cờ Lao đỏ ở Hà Giang cũng không còn nói được tiếng mẹ đẻ; dân tộc Thủy bị đồng hóa vào dân tộc Pà Thèn, dân tộc Ơ Đu chỉ còn chưa được chục người còn biết tiếng Ơ Đu, họ sử dụng tiếng Thổ là chính.

Không riêng gì ngôn ngữ, mà các thành tố văn hóa khác như trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, lễ hội… của các dân tộc này đều đã mai một nghiêm trọng. Ở một số nơi, xu hướng “Thái hóa” kết hợp với xu hướng “Kinh hóa” đang làm bào mòn một số di sản văn hóa

Những ví dụ trên chỉ là những điển hình rất nhỏ về thực trạng mai một bản sắc văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Trên thực tế, hiện nay, nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình. Những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của già làng, trưởng bản mà thôi.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nhiều di sản văn hóa truyền thống của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay đang có nguy cơ bị mai một, biến dạng, hoặc chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức.

Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn, do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Hàng nghìn buôn, bản, làng truyền thống với giá trị văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc, đang có nguy cơ biến mất, hoặc biến dạng, rất cần được hướng dẫn, hỗ trợ để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, nhưng trước hết phải thấy sự quan tâm của các ngành, các cấp về bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc chưa thật sự sâu sát, đồng bộ. Trong khi công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống còn chưa tốt, người dân không còn mặn mà với việc bảo tồn văn hóa truyền thống, thì sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh, nhiều sản phẩm văn hóa từ khắp nơi cũng tràn đến núi rừng. Bà con các dân tộc dễ dàng tiếp thu những văn hóa mới, nhưng lại thiếu chọn lọc, nên đã ảnh hưởng xấu tới văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

Thêm vào đó, ở các vùng miền núi, nơi đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống còn rất nhiều khó khăn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, bị chia cắt lớn; cơ sở vật chất hạ tầng lạc hậu, kinh tế chậm phát triển; địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa thớt, không tập trung, đồng bào chủ yếu sống xa trung tâm, tiếng nói, tập quán không giống nhau; đời sống vật chất và tinh thần còn thấp kém, nguy cơ tụt hậu và mất dần bản sắc văn hóa ở một số dân tộc là đáng lo ngại.

Bảo Thoa
Kỳ 2: Cần nhiều hơn những thiết chế văn hóa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bai-1-ban-sac-van-hoa-dan-bi-mai-mot-72792.html