Bài 1: Áp lực vận hành hệ thống điện

Tổn thất điện năng là một tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả công tác sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, đơn vị này sẽ phối hợp với các cấp điều độ để thực hiện bài toán kinh tế sao cho chi phí sản xuất điện của EVN nhỏ nhất và tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải ở mức cho phép. Nếu kéo giảm tổn thất điện năng sẽ giúp EVNNPT tối ưu hóa chi phí và tăng thu nhập cho người lao động.

EVNNPT cho biết đặc điểm địa hình đất nước ta dài và hẹp, tài nguyên năng lượng phân bố không đồng đều. Do đó, khoảng cách truyền tải năng lượng xa nhất trên hệ thống từ miền Bắc vào miền Nam, hơn 2.000 km. Trong khi riêng năm 2019, nhu cầu tiêu thụ điện lại tập trung khoảng 46% ở miền Nam, khoảng 45% ở miền Bắc và chỉ 9% ở miền Trung.

Để vận hành kinh tế hệ thống điện, việc huy động công suất và điện năng các nhà máy điện sẽ phải theo mùa. Ông Lưu Việt Tiến cho biết do nhu cầu tiêu thụ của phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là TP.HCM và miền Đông Nam bộ chiếm 46% nhu cầu phụ tải cả nước nên vào mùa lũ sẽ phải tăng truyền tải sản lượng điện từ miền Bắc, miền Trung cấp điện cho miền Nam. Việc truyền tải cao trên hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam đương nhiên sẽ làm gia tăng tổn thất điện năng trên lưới 500 kV và qua đó làm tăng tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải nói chung.

Công nhân đang thi công, bảo dưỡng đường dây điện

Công nhân đang thi công, bảo dưỡng đường dây điện

Qua thống kê sản lượng và công suất truyền tải từ miền Bắc vào miền Nam giai đoạn 2017-2019 cho thấy khi sản lượng truyền tải trên trục đường dây 500 kV Bắc-Nam cấp điện cho miền Nam chiếm khoảng từ 7%-9% sản lượng điện tiêu thụ của miền Nam (khoảng 6-8 tỉ kWh) thì tổn thất điện năng trên lưới 500 kV chiếm tỉ trọng từ 46%-48% tổng tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải và làm tổn thất điện năng tăng cao (2,45%).

Ngược lại, khi sản lượng truyền tải trên trục đường dây 500 kV Bắc-Nam cấp điện cho miền Nam chiếm khoảng 3,6% sản lượng điện tiêu thụ của miền Nam (khoảng 3,44 tỉ kWh). Năm 2019, tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải 500 kV chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 40,7% tổng sản lượng tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải, từ đó đưa tổn thất điện năng giảm xuống thấp, đạt mức 2,15%.

Theo dự báo của EVN, nhu cầu phụ tải của miền Nam trong những năm tới vẫn tiếp tục ở mức cao. Để đảm bảo cấp điện cho miền Nam cũng như khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng trên từng miền, đặc biệt là nguồn điện có giá rẻ, thủy điện miền Bắc và miền Trung vào mùa lũ, các năm tới sẽ tiếp tục truyền tải cao trên lưới 500 kV theo trục Bắc-Trung-Nam.

Với những phân tích và dự báo trên và theo lãnh đạo EVNNPT, chỉ tiêu tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đạt 2,15% vào năm 2020 và 2,14% vào năm 2025 là một áp lực lớn. EVNNPT cần nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới có thể hoàn thành.

Qua số liệu thống kê hàng năm của EVNNPT cho thấy tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải phụ thuộc chủ yếu vào phương thức huy động nguồn dẫn đến truyền tải cao trên lưới 500 kV Bắc - Trung - Nam (ưu tiên khai thác các nhà máy thủy điện ở miền Bắc và miền Trung trong mùa lũ). Hiện các nhà máy nhiệt điện ở miền Nam đang bị chậm tiến độ (Nhà máy Điện than Long Phú, Sông Hậu) dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tại chỗ khiến phải tăng truyền tải trên lưới 500 kV Bắc - Trung - Nam để bù đắp phần thiếu hụt nguồn cung này. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tăng tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải.

Điều đó được phản ánh qua chỉ số tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải của EVNPT trong quý I-2020 lại thấp hơn nhiều so với năm 2019 (1,99/2,15) trong khi sản lượng điện truyền tải vẫn tăng.

Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó TGĐ EVNNPT, cùng một phương thức vận hành, kết nối nguồn, lưới, phụ tải và trào lưu công suất giống nhau nếu sản lượng càng tăng thì tổn thất càng tăng. Nhưng ở đây ngược lại, sản lượng điện truyền tải trong quý I-2020 tăng 5,62% nhưng sản điện truyền tải trên đường dây 500 kV trục Bắc - Trung - Nam giảm nên tổn thất điện năng lại giảm 0,21% so với cùng kỳ năm 2019. Các con số trên chứng minh rõ nét việc tăng giảm tổn thất điện năng lại chịu tác động chủ yếu từ phương thức vận hành hệ thống điện.

Tuy một số dự án chậm tiến độ và có tác động đến chỉ số tổn thất điện năng nhưng theo tính toán của EVNNPT, việc chậm các dự án đầu tư chỉ chiếm 0,086% trong 2,15% chỉ tiêu tổn thất điện năng của năm 2019.

TRUNG AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/bai-1-ap-luc-van-hanh-he-thong-dien-910512.html