Bạch trà Mây

Trong nhà, nhất định phải có vài chum Bạch trà mây…

Trong nhà, nhất định phải có vài chum Bạch trà mây…

Trong nhà, nhất định phải có vài chum Bạch trà mây…

____________________________

1. Hân tò mò nhìn chiếc chum đất mộc mạc, chắc chắn được vuốt và nung thủ công bởi hình dạng không chau chuốt, thô mộc, xù xì, gõ vào nghe tiếng leng keng, chứng tỏ cốt đất sạch, không tạp. Một chiếc chum được lồng trong rọ tết bằng những sợi dây thừng nguyên sơ còn thoảng mùi cây dại, giống cách người ta tết giỏ đựng quả thị thời thơ bé. Bên hông chiếc chum, là một dòng chữ bay bổng: Bạch trà Mây Tà Xùa.

Món quà được gửi tới từ một người chơi trà, Hân cảm kích mở nắp chum. Cô nhận ra lớp giấy lót dưới nắp chum là giấy gió- loại làng tranh Đông Hồ vẫn dùng để in tranh cổ nhờ đặc tính dai, chống ẩm, mốc. Một mùi hương dìu dịu, thanh khiết, thoảng mùi của một cánh rừng nguyên sinh…lan tỏa. Hít một hơi đầy lồng ngực, nhắm nhẹ mắt, Hân thấy tâm trí mình bay bổng như đang đứng trên một đỉnh núi mù sương, giữa hương hoa lan rừng và trái dại chín mọng.

Thật kỳ lạ, đây là thức trà lần đầu tiên cô thấy trong đời.

“Bạch trà Mây là trà sạch, em không cần tráng trà khi pha nhé. Dùng nước sôi 85-90 độ, tráng lượt nước đầu , ủ trà 15 -30 giây thôi, cho cánh trà nở dần. Bạch trà mây này em uống được hơn 10 lần nước, bã trà thì dùng để kho cá, rất ngon đấy”, bạn trà trân quý nhắn. Cô cũng đọc kỹ phần hướng dẫn được in cẩn thận kèm theo bình trà, ngay tờ hướng dẫn thôi, cũng vô cùng trang trọng, ấm áp, không quá văn hoa nhưng đủ tinh tế cho người đọc biết đây là một loại trà quý.

Hân nhón tay lấy một lượng trà vừa đủ, rót nước sôi vào, cánh trà lập tức nở bung, có cánh lên màu xanh như vừa qua một nắng, héo dịu. Nước đầu, hương trà thơm đậm mùi hoa, mùi chanh tươi, mùi trà xanh mới hái. Vị trà chát rất nhẹ, nổi bật trên nền chát là hương hoa, hậu vị kéo dài kèm độ ngọt thanh, nhuận khẩu.

Ngay giây phút ấy, cô biết, mình đã bị chinh phục.

2. Hân 45 tuổi, “nghiện trà” và cũng võ vẽ biết chút ít về trà, cô biết Bạch trà Mây là thức trà của Shanam - một thương hiệu trà Việt quen mà lạ. Quen, là bởi chủ thương hiệu trà này anh Phạm Vũ Khánh – Chủ tịch HĐQT công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc- là một trong 3 người làm trà nổi tiếng nhất tại Việt Nam. Nổi tiếng nhưng lại rất kiệm lời, tính cách có phần dị dị. Lạ, là bởi lần đầu tiên thức trà quý này được bảo quản trong chum, mà theo hướng dẫn sử dụng, người làm trà Shanam đã cẩn thận ghi rõ: Trà bảo quản trong chum sẽ tiếp tục lên men, chum đất có khoáng, lợi cho sức khỏe.

Chum Bạch trà Mây Hân được tặng, chính là một trong những sản phẩm đặc biệt của trà Shanam, trong dòng sản phẩm Bạch trà thiên năm 2019 được trao giải Bạc Châu Á Thái Bình Dương (không có giải Vàng)- một giải thưởng quốc tế danh giá nhất ngành trà, ban giám khảo là những “lão trà” đình đám nhất thế giới.

Bạch trà, là một phương pháp chế biến trà không có sự can thiệp hay tác động của nhiệt độ cao. Trong dòng trà lên men, kỹ thuật làm Bạch trà được coi là khó nhất, đòi hỏi người làm trà cao tay mới có thể thực hiện.

Nguyên liệu để làm Bạch trà được Shanam tuyển chọn kỹ lưỡng với thức trà một tôm hai lá từ rừng trà thuộc quần thể cây Di sản Việt Nam ở Tà Xùa, Sơn La. Bạch trà Mây được mệnh danh là “vua” của các thức trà Tà Xùa, bởi lưu giữ một cách trọn vẹn hương vị của mây núi, đất trời Tà Xùa mà thành.

Để làm ra Bạch trà Mây, người làm trà Shanam sử dụng kỹ thuật lên men tự nhiên, không dùng nhiệt, giúp búp trà lưu hương vị thuần khiết như vừa thu hái từ núi rừng. Thế nên Bạch trà Mây ở dạng rời để trong chum hay khi ép bánh, đều tạo nên một sản phẩm khác biệt hẳn với những sản phẩm trà cùng loại.

Điểm nổi trội của Bạch trà chính là giữ được hương trà tươi thuần khiết, thanh trong của từng vùng nguyên liệu Tà Xùa và Sùng Đô, đặc biệt là mùi hương cốm, hương mật, hương hoa lan rừng và hương trái chín rất rõ nét.

Uống Bạch trà thường xuyên giúp người dùng lợi gan, sáng mắt, giúp tinh thần tỉnh táo, bổ não, bồi dưỡng sức khỏe, thoải mái, sảng khoái tinh thần, có lợi cho tiêu hóa, giải độc, giảm đầy hơi, thanh nhiệt, tan đờm, tan mỡ, phòng bệnh, trừ bệnh, đẹp da…

Gần đây, các nghiên cứu y khoa còn chỉ ra chất cafein trong trà được sử dụng để cải thiện sự tỉnh táo và tư duy sắc bén và cũng được sử dụng để giảm cholesterol cao. Còn hàm lượng tannin rất cao trong trà có khả năng ức chế sự phát triển của virus SARS – nCov.

3. “Bạch trà là tên thức trà, còn Mây, chắc hẳn là Mây Tà Xùa?”, Hân hỏi chị Thắm- vợ anh Khánh “trà”- chủ thương hiệu trà Shanam khi tới “đại bản doanh” của thương hiệu này thưởng trà trong một chiều mùa đông có nắng. Người phụ nữ mộc mạc, dung dị cười: “Bọn mình đặt tên thế vì những lá trà nguyên liệu để làm Bạch trà đúng là được hái từ những cây trà sinh trưởng, hấp thụ không khí trong lành trên độ cao 1800 mét, trong mây Tà Xùa”.

Giới trà nhiều người biết về “huyền thoại” vợ chồng anh Khánh từ Hà Nội lên Tà Xùa (Sơn La) làm vùng nguyên liệu chè. Khi đó nơi đây chưa có đường, chưa có điện. Cây chè mọc trên núi cao trung bình 1.600 mét được người dân coi như một loại cây rừng, trời lạnh chặt về làm củi đốt, thiếu đói thì chặt chè để trồng ngô.

Anh Khánh dựa vào kinh nghiệm chế biến chè của những người Mông bản địa và kiến thức cơ khí độc đáo của mình để làm ra máy sao, ép trà rời thành trà bánh – như trà Phổ Nhĩ đắt nhất thế giới, có một không hai. Một nhà máy sản xuất trà quy mô nhỏ đã được xây dựng ngay ở trung tâm Tà Xùa. Sau nhiều năm khi đi đi về về Tà Xùa – Hà Nội, quãng đường cỡ đủ một vòng trái đất, hai vợ chồng họ đã làm ra loại trà thuyết phục được cả những giám khảo khó tính nhất thế giới.

Hai vợ chồng anh Khánh đã đưa tên tuổi cây trà Tà Xùa đi xa, ra khỏi biên giới, sánh ngang bằng với những vùng trà nổi tiếng thế giới. Cuối năm ngoái, 200 cây chè Shan tuyết cổ ở Tà Xùa đã được lập hồ sơ và công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Bạch trà Mây ngoài dạng rời được đựng trong chum, còn có sản phẩm ép bánh trà sống (sinh trà).

Anh Khánh cho biết, khi ép thành bánh, nội chất trong trà bao gồm các vitamin, amino acids, polyphenol, enzyme, chất chát tanin và vô vàn khoáng chất có trong trà vẫn tiếp tục “sống” (lên men), giúp nội chất của trà chuyển hóa tích cực theo thời gian, dùng thường ngày cải thiện sức khỏe, thúc đẩy trao đổi chất trong cơ thể.

Việc ép trà thành bánh còn tiện cho việc bảo quản, chống khí hậu nồm ẩm, chống mốc, đồng thời trà tiếp tục lên men ổn định trong mọi điều kiện thời tiết. Sắc lá trong bánh trà mới ép bánh có điểm xanh, xen với búp tuyết và cánh vàng, để lâu ngày, màu xanh trong cánh trà ép bánh sẽ ngả thẫm dần theo thời gian.

Bánh trà sống Shanam thích hợp cho người đã quen dùng trà xanh lâu năm, hợp dụng thường ngày để giải độc, tăng sức đề kháng, mang lại sảng khoái, thư thái. Điểm nổi bật ở trà sống Shanam với các dòng trà ép bánh khác chính ở hương và vị. Trà càng lưu trữ lâu, hương vị càng chuyển biến tích cực, đặc biệt lạ.

Những người chơi trà trên thế giới và Việt Nam hiện sưu tầm trà bánh, bảo quản trong chum hoặc trưng bày ở nơi thoáng mát, rồi đem ra bán đấu giá như một thú chơi tao nhã, tinh tế.

Trong công ty của anh Khánh còn có một lượng trà bánh Bạch trà Mây sản xuất từ năm 2018. Đó là năm đỉnh Tà Xùa có tuyết, những bánh trà làm ra có hương thanh nhẹ như hương hoa, vị ngọt mật không quá đậm, chỉ phớt nhẹ nhưng sâu lắng. Loại trà quý này, anh bảo, khách phải có duyên với trà mới được thưởng thức…

… “Pha trà, biết tâm tính; Uống trà, biết ý vị; Luận trà, biết tâm tư”. Nhân sinh như ba chén trà, đắng tựa cuộc đời, ngọt như ái tình và nhạt như gió thoảng, đó là những triết lý nổi tiếng về trà. Còn với người làm trà, hiểu trà hơn nữa, sẽ biết, thời tiết càng khắc nghiệt thì càng cho ra phẩm trà ngon…

…Vậy nên, trong nhà, nhất định phải có vài chum Bạch trà Mây Tà Xùa, chum nhỏ để trà rời, chum lớn đựng trà bánh. Để những sớm mùa đông những trưa mùa hạ, những chiều mùa thu, giữa phố hội ồn ã, cho mình một chút thanh tươi thuần khiết của đất trời…

Bài viết có sử dụng một số ảnh minh họa

Bài: Nhiên An

Thiết kế: Thúy Dung

Nguồn Ngày Nay: https://ngaynay.vn/bach-tra-may-post102691.html