Bạch Thái Bưởi – từ 2 bàn tay trắng đến vị trí 'chúa sông Bắc Kỳ', 'vua tàu thủy Việt Nam'

Là một doanh nhân có tài và có lòng yêu nước, lòng tự trọng dân tộc, ông Bạch Thái Bưởi không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn nâng cao vị thế của người Việt Nam trong chế độ thuộc địa.

Bạch Thái Bưởi - một trong những doanh nhân giàu có xứ Bắc Kỳ

Bạch Thái Bưởi - một trong những doanh nhân giàu có xứ Bắc Kỳ

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874-1932) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Tên thật của ông là Đỗ Thái Bưởi, sau vì được một nhà họ Bạch giàu có nhận nuôi nên đổi sang họ Bạch.

Ông Bưởi từng làm thư ký cho một công sứ người Pháp ở phố Tràng Tiền là Bonnet, được Bonnet cho sang Pháp tham dự cuộc triển lãm Bordeaux. Tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây, sau khi về nước, ông đã quyết định đi theo con đường kinh doanh.

Khi ấy, ông Bưởi hợp tác với một nhà thầu người Pháp để cung cấp gỗ tà-vẹt cho công ty hỏa xa khi công trình đường xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn và công trình xây dựng cầu Doumer bắc qua sông Hồng (nay là cầu Long Biên) đang khởi công.

Sau 3 năm lặn lội lên rừng tìm gỗ tốt cho công ty hỏa xa, ông Bưởi không chỉ tích lũy được kinh nghiệm mà còn có được một khoản vốn liếng kha khá.

Ông quyết định chuyển sang buôn ngô, cung cấp ngô cho một hãng thu mua của người Pháp tại Hải Phòng. Tuy nhiên, lần này ông Bưởi lại không gặp thời, vốn đã bỏ ra nhưng ngô lại mất mùa. Ông chủ động đền bù hợp đồng như đã thỏa thuận để giữ uy tín.

Không từ bỏ con đường kinh doanh, ông Bưởi lấn sân vào lĩnh vực mới – cầm đồ. Khi ấy, ông là người Việt Nam hiếm hoi tham gia vào một nghề cần nhiều vốn và kỹ thuật chuyên nghiệp như cầm đồ, vốn đang bị người Hoa và người Pháp nắm thế độc quyền.

Cầm đồ chủ yếu là cầm nữ trang, vàng bạc, kim cương nên người kinh doanh phải có chuyên môn, biết phân biệt vàng thật – giả, biết xem hạt xoàn. Ngoài ra, người trong nghề còn phải am hiểu về sổ sách, kế toán theo luật định.

Một lần nữa, ông Bưởi đạt được thành công nhất định trên con đường kinh doanh của mình. Nhờ vào những chiến lược thông minh, tiệm cầm đồ của ông ngày càng ăn nên làm ra.

Với cùng một mức lãi suất, nhưng tiệm cầm đồ của ông Bưởi lại cho người đến cầm đồ được gia hạn dài ngày hơn. Có nghĩa là đồng tiền sau khi tiệm của ông trao cho người cầm đồ có thời gian lưu động dài hơn mà không phải chịu thêm lãi.

Tuy nhiên, ngành nghề đưa tên tuổi ông Bạch Thái Bưởi lên đỉnh cao của sự nghiệp phải kể đến là ngành vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân người Hoa đang độc quyền chiếm lĩnh.

Ngành vận tải đường thủy đưa sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi lên đỉnh cao (Ảnh minh họa)

Với việc thành lập Công ty Hàng hải Bạch Thái Bưởi gồm 3 chiếc tàu được thuê lại và đổi tên thành Phi Phượng, Phi Long và Bái Tử Long, ông Bưởi đã chính thức đối đầu với những ông chủ người Hoa.

Cuộc đối đầu bắt đầu với chính sách giảm giá. Các ông chủ tàu nước ngoài đã liên kết với nhau để hạ giá tuyến Hà Nội – Nam Định từ 5 hào xuống còn 4 hào. Để cạnh tranh, ông Bưởi bất đắc dĩ phải hạ vé xuống còn 3 hào.

Hai bên cuốn vào "cuộc đua xuống đáy" cho đến khi giá vé tàu của các ông chủ nước ngoài chỉ còn 3 xu và giá vé tàu của Bạch Thái Bưởi chỉ còn 4 xu. Không thể hạ thêm giá vé, ông Bưởi nghĩ ra cách khuyến mại cho khách đi tàu, lúc thì gói trà, khi thì hào phóng đãi thêm bánh ngọt, đôi khi cước đồ hàng cũng hạ nốt.

Để lôi kéo khách hàng, ông Bưởi đã nghĩ ra phương thức quảng cáo đặc biệt, đánh vào tâm lý hành khách đi tàu là người Việt.

Bằng cách đưa tên hãng tàu của mình vào những câu hát của người hát xẩm, hãng tàu Bạch Thái Bưởi không chỉ được tuyên truyền rộng rãi mà còn đi vào lòng người qua giọng hát huê tình, ngọt ngào.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng

Cô kia má đỏ hồng hồng

Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan

Đường đi hiểm trở gian nan

Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu

Dù cho nước lũ sông sâu

Ai về Nam Định rủ nhau cùng về...”

Ông nâng cao “tinh thần con Lạc cháu Hồng”, kêu gọi đồng bào mình nên giúp đỡ lẫn nhau với khẩu hiệu “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.

Trong vòng 10 năm, công ty của Bạch Thái Bưởi đã có đến trên 30 chiếc tàu lớn nhỏ, đưa ông trở thành “chúa sông Bắc Kỳ”.

Năm 1919, công ty của Bạch Thái Bưởi cho hạ thủy tàu Bình Chuẩn, được biết đến là con tàu lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó do người Việt thiết kế và tự đóng.

Sự kiện này như một khẳng định chắc nịch cho danh hiệu "Vua tàu thủy Việt Nam" của Bạch Thái Bưởi, đồng thời đưa sự nghiệp của ông lên thời kỳ đỉnh cao.

Bạch Thái Bưởi được xem là nhà tư sản dân tộc tiêu biểu của thể kỷ XX, là tấm gương cho tinh thần khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/bach-thai-buoi-tu-2-ban-tay-trang-den-vi-tri-chua-song-bac-ky-vua-tau-thuy-viet-nam-20180504224243181.htm