Bạch Thái Bưởi: Ông vua tàu thủy Bắc Kỳ khởi nghiệp từ khúc củi khô

Đầu thế kỷ 20, doanh nhân Bạch Thái Bưởi là một trong 4 người giàu, thành đạt nhất miền Bắc với biệt danh 'ông vua tàu thủy Bắc Kỳ'.

Một trong những con tàu của doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Một trong những con tàu của doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Khởi nghiệp từ khúc củi khô

Đầu thế kỷ 20 người Hà Nội xếp hạng "tứ hổ" đất Tràng An là "Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi". Người thứ tư trong danh sách này là doanh nhân Bạch Thái Bưởi - một trong những người giàu có, thành đạt nhất Hà thành. Ông được biết đến với nhiều tên gọi như "Chúa biển Bắc Kỳ", "Ông vua tàu thủy"...

Bạch Thái Bưởi (1874-1932) quê làng An Phú, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Sinh ra trong gia đình nông dân họ Đỗ nghèo khó, bố mất sớm, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, vớt củi trên sông đem bán.

Sau đó, có một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi và cho ăn học. Ông đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch, có tên là Bạch Thái Bưởi.

Bà Bạch Quế Hương (SN 1961, Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) - chắt nội doanh nhân này, cho biết: "Các cụ trong gia đình tôi kể rằng, cụ Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp từ một số vốn "trời cho".

Theo đó, một hôm theo mẹ đi vớt củi trên sông Nhuệ mang về bán kiếm tiền, ông vớt được một khúc củi khá lớn, mang về phơi khô ở sân. Khúc củi này càng phơi khô càng tỏa ra một mùi thơm kỳ lạ.

Câu chuyện lan nhanh, đến tai các thương lái Trung Quốc. Họ tìm gặp ông để mua bằng được khúc củi khô này với giá cao ngất ngưởng. Sau này ông mới biết đó là gỗ trầm hương - một loại gỗ vô cùng quý giá.

Với số vốn từ thương vụ "củi khô", ông bắt đầu lao vào học hỏi kinh doanh trên thương trường với nhiều nghề. Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, ông nghỉ học làm thư ký cho Công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Vì thế người đời đã gọi ông là “cậu ký Bưởi”.

Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán. Ít lâu sau, ông được sang Pháp dự triển lãm Bordeaux. Quá trình làm viêc, ông âm thầm học hỏi, tiếp thu các kinh nghiệm làm việc.

Cơ hội đến với chàng thanh niên trẻ tuổi đúng lúc Pháp xây dựng công trình xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn. Để phục vụ công trình này, Công ty Hỏa Xa Đông Dương cần một số lượng gỗ lớn làm tà vẹt. Bạch Thái Bưởi đã liên danh với một người Pháp nhận thầu cung cấp vật liệu này. Chỉ trong 3 năm, ông kiếm được một số vốn khá lớn và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh.

Sau đó, ông lao vào thầu khoán thu phí chợ các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Vinh… và thu được thắng lợi rực rỡ, nhưng cũng trở thành “cái gai” trong mắt giới tư bản ngoại quốc.

Đến “ông vua tàu thủy Bắc Kỳ”

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Bước ngoặt thành công rực rỡ, đưa tên tuổi doanh nhân Bạch Thái Bưởi trở thành 1 trong 4 người giàu nhất Bắc Kỳ thời đó là dấn thân sang lĩnh vực hàng hải.

Năm 1909, Bạch Thái Bưởi thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, có tên là A. R. Marty, vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ.

Ông đã cho tàu chạy hai tuyến đường: Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Vinh). Lúc này, ông đã phải đối mặt với hai đối thủ nặng ký nhất là chủ tàu người Pháp và người Hoa.

Cuộc đụng độ không cân sức đã xảy ra, ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai. Ông mua trà mời khách đi tàu, họ mua bánh ngọt. Các chủ tàu người Hoa trường vốn đã quyết chí đánh bại Bạch Thái Bưởi bằng đủ mọi cách.

So với các thương gia người Hoa, tình thế của ông rất nguy ngập. Ông thuê ba chiếc tàu, mỗi tháng trả 2.000 đồng, mà mỗi chuyến chỉ thu được 20 đồng.

Trong tình thế đó, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà người Hoa không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tinh thần tương thân tương ái.

Ông treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt.

Lần khác, trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế lý tài, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, Bạch Thái Bưởi bị Renê Robanh - Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó, đe dọa: "Nơi nào có Robanh thì không có Bạch Thái Bưởi". Ông khẳng khái đáp lại: "Nơi nào có Bạch Thái Bưởi thì không có Robanh".

Sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi.

Năm 1916, một công ty hàng hải mang tên Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty đã ra đời. Tại các trụ sở của ông, ở vị trí cao nhất người ta bắt đầu thấy phấp phới ngọn cờ hiệu màu vàng, có hình mỏ neo và ba ngôi sao đỏ.

Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công.

Tàu Bình Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920, trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó.

Công ty của Bạch Thái Bưởi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương, các nước và vùng lãnh thổ như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippines.

Đỉnh cao phát triển của công ty là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930. Khi ấy công ty hàng hải của Bạch Thái Bưởi có trên 40 con tàu cùng sà lan chạy trên tất cả các tuyến đường sông Bắc kỳ và cả các nước cùng vùng lãnh thổ lân cận, với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người, làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu.

Bà Bạch Quế Hương, chắt nội của doanh nhân Bạch Thái Bưởi

Bà Bạch Quế Hương – Chắt nội doanh nhân Bạch Thái Bưởi tự hào: “Theo những gì các cụ tôi kể lại và những điều ghi chép trong sử sách thì chính việc mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực tàu biển, đường thủy mà cụ tôi đã thành công, trở thành một trong 4 người giàu nhất Bắc Kỳ thời đó.

Theo đánh giá của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tuy đứng cuối cùng trong bốn người Việt Nam giàu nhất đầu thế kỷ 20 “nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”, nhưng ông Bạch Thái Bưởi luôn được người dân, các học giả, các nhà sử học kính trọng, ngưỡng mộ nhất. Lý do vô cùng đơn giản là ông luôn gương cao ngọn cờ dân tộc, khát vọng cải tạo xã hội. Doanh nhân Bạch Thái Bưởi cũng là người nghĩ ra triết lý kinh doanh “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” câu khẩu hiệu gần như gắn liền với sản xuất kinh doanh nội địa trong suốt hai thập kỷ qua.

Việt Hòa

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bach-thai-buoi-ong-vua-tau-thuy-bac-ky-khoi-nghiep-tu-khuc-cui-kho-d449917.html