Bạch Thái Bưởi - nhà tư sản dân tộc

Xuất thân từ hai bàn tay trắng, Bạch Thái Bưởi (Đỗ Thái Bửu) từng phải đi làm thuê, làm mướn rồi tự học và trở thành ông 'vua' tàu thủy Việt Nam, 'chúa' sông Bắc Kỳ, 'vua' mỏ nước Việt và doanh nhân Việt Nam tiêu biểu thời bấy giờ. Ông đã được Chính phủ bảo hộ Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.

Vợ chồng bà Bạch Quế Hương bên mộ cụ Bạch Thái Bưởi. Ảnh: T.H

Cạnh tranh vì lợi ích dân tộc

Theo bà Bạch Quế Hương (chắt nội nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), Bạch Thái Bưởi gốc họ Đỗ, sinh ngày 8.7.1875 trong một gia đình nghèo. Mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm, ông phải đi làm thuê làm mướn và tự học thông thạo chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, sau đó được nhận vào làm ký lục (nhân viên thư ký) cho một hãng buôn của người Pháp. Tại đây, ông được tiếp xúc với máy móc, thiết bị hiện đại và cách tổ chức sản xuất. Vốn thông thạo tiếng Pháp nên năm 21 tuổi (1895), ông được thống sứ Bắc Kỳ chọn sang Pháp dự hội chợ Bordeaux để giới thiệu sản phẩm của xứ Bắc Kỳ. Sang Pháp, được tiếp xúc với nền văn minh, từ đó ông ấp ủ quyết tâm làm giàu.

Trở về nước, Bạch Thái Bưởi xin nghỉ việc tại hãng nhà thầu công chánh và lựa chọn đường đi riêng của mình. Với suy nghĩ, muốn làm giàu phải hợp tác với người Pháp và nhờ những mối quan hệ với chính quyền bảo hộ, Bạch Thái Bưởi hùn vốn cùng một người Pháp để trở thành đối tác chính trong việc cung cấp tà vẹt gỗ tại dự án xây dựng đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ cho Sở hỏa xa Đông Dương. Nhờ thương vụ này, ông trở nên giàu có và tách riêng để kinh doanh độc lập.

Một thân một mình, không nơi nương tựa, không có hỗ trợ về tài chính nhưng ông luôn quyết tâm và nghị lực. Năm 1909, hãng Marty-D’Abbdie hết hạn ký hợp đồng, Bạch Thái Bưởi thuê ngay 3 chiếc tàu của họ và đổi tên tiếng Việt thành Phi Phượng, Phi Long, Bái Tử Long và cho chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy.

Đây là những tuyến đường thủy luôn đông khách nhưng từ trước chỉ có người Hoa và người Pháp thống lĩnh. Từ 3 chiếc tàu chạy sông thuê lại này, Bạch Thái Bưởi đã thiết lập nên những chuyến tàu chở khách thường xuyên nối Hà Nội tới các vùng đông dân như Nam Định, Bến Thủy. Từ đó, ông từng bước chinh phục các vị trí trong hoạt động kinh doanh như: Sở hữu 34 sà lúp và 6 tàu buôn ven bờ, có các chi nhánh ở Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Tuyên Quang, Đà Nẵng…

Hướng về dân nghèo để phục vụ

Trong khi các tàu chở khách của người Hoa và người Pháp theo hướng phục vụ những người có tiền, đầu tư nội thất sang trọng thì Bạch Thái Bưởi lại chuyển hướng phục vụ dân nghèo. Do vậy, sau khi mua tàu, ông đã cho sửa lại nội thất để phù hợp với đối tượng khách hàng của mình.

Mặc dù phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ tư sản người Pháp và người Hoa, nhưng với lòng quả cảm, quyết tranh thương với ngoại bang, ông đã biết khai thác tình đồng bào khi tranh thủ sự ủng hộ của khách hàng bằng phương châm vận động “ta về ta tắm ao ta”. Đồng thời, ông luôn có cơ chế giảm giá vé cho người Việt, từ đó ông nhanh chóng thành công với một đội tàu ngày càng mạnh và các tuyến đường ngày càng vươn tới nhiều miền quê.

Từ những tuyến đường sông nội địa ở miền Bắc, đội tàu mang những thương hiệu là những địa danh của đất nước như Khoái Tử Long, Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng… đã vươn ra các tuyến đường vùng duyên hải, đến cả một số bến cảng của các khu vực quốc tế lân cận như Hồng Kông, Singapore… Từ những con tàu thuê và mua lại, Bạch Thái Bưởi xây dựng nên một xí nghiệp đóng tàu ở Cửa Cấm (Hải Phòng).

Không dừng lại ở đó, năm 1912, Bạch Thái Bưởi mở thêm tuyến đường tàu Hải Phòng để phá thế độc quyền của người Hoa. Trước sự phát triển của Cty Bạch Thái Bưởi, các chủ tàu người Hoa quyết đánh bại ông bằng đủ mọi cách như hạ giá sâu hơn.

Bạch Thái Bưởi đã nghĩ tới tinh thần dân tộc. Ông tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước, xung quanh có đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng lợi. Ông cho người tới các bến tàu nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, kêu gọi tình đồng bào, tương thân tương ái. Kết quả, hành khách dần bỏ tàu Hoa sang đi tàu Việt.

Ngoài kinh doanh hàng hải, Cty Bạch Thái còn được biết đến với việc mua lại một trong những xưởng sửa chữa và đóng tàu đầu tiên tại Hải Phòng. Năm 1919, công ty này đã hạ thủy thành công chiếc tàu Bình Chuẩn do người Việt tên Nguyễn Văn Phúc thiết kế và thi công.

Cùng đó, với tư cách là thành viên Phòng tư vấn bản xứ Bắc Kỳ, ông xây dựng tại Hải Phòng một xưởng cơ khí đóng tàu, mỏ than ở Chợ Chới, Quảng Yên (Quảng Ninh) và đặc biệt, ông cho ra đời một tờ báo tiếng Việt có tên là Khai Hoa. Điều này khẳng định được rằng, người Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh và đánh bại người Hoa trong mọi lĩnh vực kinh doanh bấy giờ.

ĐẶNG TIẾN - THÔNG CHÍ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bach-thai-buoi-nha-tu-san-dan-toc-589768.ldo