Bạch Thái Bưởi - người yêu nước thực hành canh tân

Bước sang thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, kinh tế tư bản chủ nghĩa thâm nhập nền kinh tế - xã hội Việt Nam.

Giai cấp tư sản Việt Nam hình thành. Bạch Thái Bưởi là một trong số đó nhưng ông là một nhân vật đặc biệt không chỉ về tài kỹ trị mà lớn hơn, là người yêu nước thực hành tư tưởng canh tân với triết lý “Dân giàu thì nước mới giàu”.

Nhà tư bản tài ba
Bạch Thái Bưởi, sinh năm 1874, vốn con nhà họ Đỗ ở làng Yên Phúc, nay là phường Phúc La, Hà Đông (Hà Nội), sau làm con nuôi nhà họ Bạch nên cải họ. Con nhà khó, mồ côi cha từ nhỏ, làm con nuôi, được cho ăn học nhưng ông sớm thôi học để làm thư ký cho một hãng buôn ở Hà Nội. Năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng mộc thuộc hãng thầu xây dựng. Nhờ thông minh, hiểu biết nhiều, thạo tiếng Pháp, năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux (Pháp). Về nước, khi tham gia quản lý việc xây dựng công trình cầu Long Biên, thấy công trình đường sắt Đông Dương có nhu cầu gỗ tà vẹt, ông hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hỏa xa Đông Dương.

''Vua tàu thủy'' Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932).

''Vua tàu thủy'' Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932).

Sau ba năm kinh doanh, có nhiều vốn, ông tách ra để kinh doanh độc lập. Bỏ vốn buôn ngô bị lỗ nặng, không nản chí, ông dồn vốn còn lại đấu thầu hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định và trúng thầu. Tiếp, ông thầu thuế chợ ở Vinh (1906 - 1913), ở Nam Định (1906 - 1909), ở Thanh Hóa (1907 - 1909).
Năm 1909, ông thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của hãng tàu A. R. Marty (Pháp), chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy (Vinh). Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các chủ tàu người Pháp và người Hoa, ông đã vượt qua nhờ kêu gọi tinh thần ái quốc, sự chia sẻ của đồng bào bằng cách ủng hộ tiền và lựa chọn đi tàu của người Việt.
Từ đó, ông đã thâu tóm đội tàu của các Công ty Pháp và Hoa như Marty d'Abbadie, Desch Wander... Năm 1915, ông mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A. R. Marty. Năm 1916, Bạch Thái Bưởi thành lập công ty Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi. Năm 1917, Bạch Thái Bưởi mua lại 6 chiếc tàu khác của hãng Deschwanden của người Pháp. Ngày 7 tháng 9 năm 1919, Bạch Thái Bưởi cho hạ thủy tàu Bình Chuẩn dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ compound 450 mã lực, chạy bằng hơi nước có dung tích tám mét khối, vận tốc đạt 8 hải lý/giờ do công ty của ông thiết kế và thi công. Sự kiện này được cho là tượng trưng cho "Phong trào chấn hưng thương trường cổ động thực nghiệp" của giới tư sản Việt Nam lúc đó.
Công ty hàng hải của Bạch Thái Bưởi từng bước mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương và các nước và vùng lãnh thổ lân cận như Hongkong, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippines, có các chi nhánh ở Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn. Lúc cao điểm công ty có trên 40 con tàu cùng nhiều sà lan, 2.500 nhân viên; có nhiều chi nhánh ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Sau hàng hải, Bạch Thái Bưởi tiếp tục đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác như đấu thầu thu thuế chợ ở các tỉnh, mở nhà máy nước ở Nam Định, mở nhà hàng ở Thanh Hóa… Đặc biệt, ông đầu tư vào khai thác mỏ là lĩnh vực mà người Pháp độc quyền và đòi hỏi kỹ thuật cao, vốn lớn.
Ngoài ra ông còn đầu tư kinh doanh bất động sản và đặc biệt là xây dựng "Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi" (sau đổi là Đông Kinh ấn quán); xuất bản nhật báo Khai hóa nhật báo.
Bạch Thái Bưởi có dự định xây dựng nhiều công trình như xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với thiết bị của Đức, đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho TP Nam Định, xây dựng đường sắt Nam Định - Hải Phòng,...
Ông mất ngày 22/7/1932 tại Hải Phòng, để lại công nghiệp to lớn và nhiều dự định dang dở.
Người yêu nước thực hành canh tân
Tư tưởng canh tân ở Việt Nam đã có từ giữa thế kỷ XIX, với Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ…, tiếp đến là Nguyễn Lộ Trạch những thập kỷ cuối thế kỷ. Nhưng hầu hết tư tưởng và kiến nghị của các ông đều không được nhà vua và triều đình quan tâm. Bước sang thế kỷ XX, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Kinh tế - xã hội Việt Nam thay đổi. Giai cấp công nhân và tư sản hình thành. Tình hình thế giới và khu vực thay đổi. “Tân thư, tân văn” tràn vào Việt Nam. Tư tưởng Duy tân mới hình thành với hai xu hướng gắn liền với hai đại sĩ phu yêu nước là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Phan Bội Châu lập hội Duy Tân, chủ trương bạo động lật đổ chính quyền thực dân bằng cách nhờ sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản “đồng chủng, đồng văn” và Đông du sang Nhật học tập để xây dựng lực lượng; Phan Chu Trinh chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, dựa vào Pháp để phát triển rồi từ đó giành độc lập.
Bạch Thái Bưởi là người cùng thời với hai cụ Phan (thua Phan Bội Châu 7 tuổi, Phan Chu Trinh 2 tuổi). Ông là người có tinh thần dân tộc mạnh mẽ nhưng thực hành yêu nước theo một con đường khác. Ông trở thành nhà tư bản để chấn hưng đất nước, làm giàu nhưng không vong bản, làm giàu "vì dân giàu thì nước mới giàu".
Khi đương đầu khó khăn ông tin tưởng kêu gọi tinh thần ái quốc, tình tương thân tương ái của đồng bào để giúp mình chiến thắng. Ông đặt tên mới bằng tiếng Việt như Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi… cho những con tàu của mình để nhớ truyền thống tổ tiên.
“Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”, câu Bạch Thái Bưởi đáp lại Toàn quyền Robin khi bị ông ta đe dọa, vì bảo vệ quyền lợi của người dân trong hội nghị Kinh tế tài chính Bắc Trung Nam. Ông muốn người Việt Nam vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.
Ông chủ trương phát hành báo Khai Hóa với tôn chỉ: "Một là giúp đồng bào ta tự khai hóa, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...". Với tôn chỉ này, Bạch Thái Bưởi đã hiện thực hóa chủ trương "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" của Phan Chu Trinh một cách cụ thể và thiết thực hơn.
Phong trào thực nghiệp mà Bạch Thái Bưởi phát động và cổ súy là hiện thực hóa tư tưởng canh tân sau khi tiếp thu “tân thư”. Đó là thay đổi nhận thức về nghề buôn. Nhiều người có thể sớm tiếp thu tư tưởng này nhưng Bạch Thái Bưởi mới là người đầu tiên thực hành tư tưởng này ở Việt Nam. Sau khi từ Pháp trở về, ông đã quyết tâm theo đường kinh doanh và kinh doanh giỏi. Ông biết chọn thời cơ để đầu tư kinh doanh (thầu tà vẹt, thu thuế chợ, hàng hải…); chọn nhà đầu tư để hợp tác kinh doanh (hợp tác thầu tà vẹt); thâu tóm để phát triển (đội tàu); mở rộng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh (khai mỏ, xuất bản, báo chí); Kết hợp kinh doanh với chế tạo (đóng tàu) tạo thành “hệ sinh thái hàng hải Bạch Thái Bưởi”… “Dân giàu thì nước mới giàu” là triết lý của Bạch Thái Bưởi. Đây là điều hết sức mới mẻ và có ý nghĩa đối với xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX và đến nay vẫn còn giá trị.
Bạch Thái Bưởi hoạt động xã hội năng nổ. Ông là thành viên có nhiều đóng góp cho Hội Khai trí tiến đức; là người sáng lập ra Hội Hợp Thiện với mục đích hộ sinh, hộ tử, tế bần… giúp đỡ đồng bào. Ông cũng là người ủng hộ Nguyễn Thái Học và Quốc dân đảng vì tinh thần yêu nước và mục tiêu đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa của họ.

Sau khi Bạch Thái Bưởi mất, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - người đứng đầu Hội truyền bá chữ quốc ngữ nhận định: Ông là “Bậc anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”. Sau 90 năm ngày ông mất (1932), có thể nói thêm rằng, ông là nhà yêu nước và thực hành canh tân nhiều thành tựu nhất hồi đầu thế kỷ XX.

Vĩnh Khánh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thong-diep-tu-lich-su-bach-thai-buoi-nguoi-yeu-nuoc-thuc-hanh-canh-tan-414079.html