Bạch Long Vĩ - sức sống giữa trùng khơi

Bạch Long Vĩ là hòn đảo nằm trên Vịnh Bắc Bộ. Ở huyện đảo có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh trên biển của đất nước, quân và dân nơi đây luôn nỗ lực phấn đấu bảo vệ, dựng xây để đảo ngày càng phát triển giàu đẹp...

Quốc ca giữa biển

Mọi người dân Việt Nam đều rất quen thuộc với giai điệu hào hùng của bài Quốc ca vẫn vang lên mỗi buổi chào cờ. Nhưng nghe Quốc ca giữa biển trời nơi đảo xa, cách đất liền hàng trăm cây số, được cất lên từ những ngư dân chân trần đứng trên mũi tàu lại mang đến cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tôi may mắn được chứng kiến khoảnh khắc đó và đã lặng đi vì xúc động. Ấy là khi các ngư dân của huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) được cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển (CSB) 1 trao tặng cờ Tổ quốc. Các ngư dân đã giơ cao lá cờ trên tay và đồng thanh hát Quốc ca giữa biển trời mênh mông trong không khí vui tươi, hào hứng và đầy tự hào. Sau khi treo lá cờ Tổ quốc mới lên cột trên nóc ca-bin tàu, anh Nguyễn Văn Nghinh, quê ở xã Hải Thanh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) hào hứng kể: “Chúng tôi ra khơi đánh bắt giữa mênh mông biển cả, mỗi khi nhìn lên nóc tàu hay nhìn sang tàu bạn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa biển trời lồng lộng thì tự hào lắm. Càng cố gắng bám biển, bám ngư trường, vì đây vừa là kế sinh nhai của chúng tôi, nhưng đồng thời rất tự hào vì mình cũng góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

 Một góc âu tàu Bạch Long Vĩ.

Một góc âu tàu Bạch Long Vĩ.

Các ngư dân tại đây có người chỉ đi học đến khi biết đọc, biết viết là xuống tàu theo cha mẹ ra biển, nhưng lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và trách nhiệm với Tổ quốc thì họ không hề thua kém bất cứ ai. Để có được những kết quả đó phải nhờ đến công sức của các cấp chính quyền, đoàn thể, LLVT làm nhiệm vụ tại đây đã tích cực tuyên truyền, giáo dục, giải thích cho ngư dân trong nhiều năm liền. Cùng đi trong chuyến công tác, Thượng tá Lê Huy, Phó chính ủy Vùng CSB 1 cung cấp thêm thông tin: Nhiều năm qua, BTL CSB đã xây dựng các kế hoạch, chương trình phổ biến kiến thức pháp luật, tuyên truyền về biển, đảo và tổ chức nhiều tổ, đội thực hiện nhiệm vụ này xuống từng khu dân cư, từng tàu cá, từng ngư dân. Trong đó được đánh giá hiệu quả nhất là Chương trình "CSB đồng hành cùng ngư dân" đã được BTL CSB triển khai từ năm 2017. Trong chương trình này, ngoài giúp đỡ ngư dân về vật chất, như: Tặng quà, dụng cụ cứu sinh, thuốc chữa bệnh, làm công trình dân sinh trên các đảo... thì ý nghĩa về tinh thần là rất lớn, đã động viên ngư dân, người dân sinh sống trên các đảo vững tin vào Đảng, Nhà nước, tuyên truyền cho người dân nêu cao tinh thần yêu nước, có ý thức, trách nhiệm trong việc cùng với các lực lượng chức năng khẳng định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Con tàu 9004 của Vùng CSB 1 đưa chúng tôi ra Bạch Long Vĩ lần này cũng là chuyến đi kết hợp giữa tuần tra, kiểm tra, kiểm soát với tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân làm ăn trên biển. Đại úy Lê Xuân Ninh, Chính trị viên phó Hải đội 111, Hải đoàn 11, Vùng CSB 1 giới thiệu với tôi: Tàu 9004 là tàu tuần tra với thiết kế chịu được mọi cấp độ sóng. Có lẽ do sóng lớn, tàu luôn chao đảo nên khiến tôi say sóng đến mềm người. Thế nhưng khi bước chân lên đảo, cảnh vật và con người ở Bạch Long Vĩ làm tôi phấn chấn quên cả mệt sau chặng đường gần 9 giờ lênh đênh trên biển. Đoàn công tác của chúng tôi làm việc trên đảo với lịch trình dày đặc nên mọi người như phải chạy đua cùng thời gian và tôi phải tận dụng hết mức mới có chút thời gian khám phá hòn đảo rất đẹp này.

Câu chuyện với người “gác biển”

Có một địa điểm đặc biệt mà hầu như ai ra Bạch Long Vĩ cũng được giới thiệu đến tham quan, đó là ngọn hải đăng trên đảo. Hải đăng Bạch Long Vĩ do Tổng công ty Đảm bảo an toàn hàng hải phía Bắc quản lý, được xây dựng từ năm 1995, chính là “con mắt” của đảo hướng ra Vịnh Bắc Bộ. Ngoài nhiệm vụ chính là dẫn đường cho tàu thuyền trên biển thì đây còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ. Cao hơn 100m so với mực nước biển, chiếu sáng xa tới 20 hải lý, những ngày đẹp trời, tàu thuyền ở cách hơn 40km vẫn nhìn thấy ánh sáng của đèn.

Tôi lên hải đăng Bạch Long Vĩ khi hoàng hôn vừa buông. Đón tôi là anh Vũ Đặng Giang, nhân viên của trạm. Anh Giang dẫn tôi leo hết 100 bậc thang xoáy trôn ốc lên đỉnh ngọn hải đăng, từ đây có thể nhìn thấy bốn phía quanh đảo ra tới biển xa. Khi mặt trời vừa lặn xuống đường chân trời thì ánh đèn của những con tàu đánh cá hiện lên giữa biển như những ngôi sao. “Nhiều đêm trời yên biển lặng, nhìn thấy cả một vùng biển mênh mông lấp lánh ánh đèn, đẹp lắm! Và những con tàu từ ngoài đó lại hướng về phía ngọn hải đăng của chúng tôi để xác định hướng “nhà” của mình”, anh Giang kể.

Nhìn chếch về hướng khác là âu tàu Bạch Long Vĩ, nơi náo nhiệt nhất của đảo với hàng trăm tàu, thuyền ra vào, neo đậu mỗi ngày. Âu tàu này bắt đầu hoạt động từ năm 2001, có thể đáp ứng khoảng 20.000 lượt tàu đánh bắt thủy hải sản trên Vịnh Bắc Bộ vào neo đậu tránh bão, mua bán hải sản, tiếp dầu, lương thực, nước ngọt. Đây là địa điểm tránh trú an toàn và gần ngư trường nhất trong Vịnh Bắc Bộ.

Trời tối hẳn, tôi được anh Giang dùng xe máy đưa xuống nơi nghỉ vì anh bảo: “Giờ này đường rất tối, đi bộ khá nguy hiểm, có khả năng gặp rắn rết vì đi qua cả đoạn đường rừng vắng”. Nhưng hôm ấy là giữa tuần trăng, con đường chúng tôi đi không quá tối mà lấp loáng ánh trăng. Trên đầu là cả bầu trời sao, bốn phía xung quanh là biển đêm với hàng trăm ánh đèn của tàu đánh cá cũng lấp lánh như sao sa. Tôi có cảm giác mình đang lạc vào xứ sở thần tiên và thấy cả hòn đảo như đang lơ lửng giữa ngân hà...

Tôi đã không đủ thời gian để khám phá hết những điều thú vị ở Bạch Long Vĩ trong lần ghé thăm đầu tiên này. Vẫn còn những lời hẹn đành để lỡ, như: Lời hẹn với cô giáo Vũ Thị Hà đến thăm trường tiểu học, nơi mà theo lời cô, học sinh đến trường không hề có áp lực điểm số, các thầy cô không có áp lực về thành tích, thầy và trò trao đổi, truyền đạt kiến thức trong không khí vui vẻ, thân thương; lời hẹn đến thăm Tiểu đoàn Phòng thủ đảo Bạch Long Vĩ để ngắm vườn rau “xanh và đẹp hơn cả trong đất liền” như lời “quảng cáo” của Đại úy Đỗ Quang Tuyên, Chính trị viên tiểu đoàn; hẹn trở lại ăn bữa cơm với các anh trên trạm hải đăng vì hôm trước các anh đã mời rất nhiệt tình mà tôi phải ra về để còn theo chương trình làm việc; cả lời hẹn đi phiên chợ sớm để xem nhiều loại hải sản “lạ và hiếm” theo lời giới thiệu của một người dân ở khu chợ.

Trên chuyến tàu trở về, tôi để ý có 4 chiến sĩ cứ đứng mãi trên boong nhìn về phía đảo cho đến khi hòn đảo chỉ còn là một vệt xanh nhỏ xa mờ. Bắt chuyện với họ, tôi được biết, đó là các chiến sĩ của Trạm CSB 1 thuộc Vùng CSB 1 vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về đất liền. Đậu Đoàn Khuê, chàng trai trẻ quê ở Nghi Lộc, Nghệ An đã có hai năm gắn bó với đảo không khỏi bâng khuâng, lưu luyến. Mắt vẫn hướng về phía đảo, Khuê tâm sự: “Lúc đầu mới ra đảo em thấy buồn lắm. Nhưng qua hai năm gắn bó với nơi này, giờ trở về em lại thấy bâng khuâng lắm!”.

Tâm sự của Khuê khiến tôi nhớ đến câu thơ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” của nhà thơ Chế Lan Viên. Bạch Long Vĩ là mảnh đất rất đặc biệt giữa trùng khơi, tuy nhỏ bé và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng có biết bao nhiêu con người đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó dựng xây, gìn giữ vùng biển đảo này, để nơi đây mãi là điểm tựa tiền tiêu, là tấm khiên chắn, là bức tường thành vững chắc của Tổ quốc giữa biển khơi.

Bài và ảnh: NGỌC HÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/bach-long-vi-suc-song-giua-trung-khoi-611163