Bạch hầu nguy hiểm như thế nào?

Được phát hiện từ thế kỷ V trước Công nguyên, đến nay, bạch hầu vẫn là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và có mức độ lây nhiễm cao.

Bệnh bạch hầu (Diphtheria) là nguyên nhân chính gây bệnh và tử vong cho hàng triệu trẻ em trên thế giới. Năm 1921, Mỹ ghi nhận có 206.000 trường hợp mắc bạch hầu, dẫn đến15.520 ca tử vong, tỷ lệ cao nhất trong số các trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo Historyofvaccines, tỷ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dao động khoảng 20% đối với những trẻ em dưới 5 tuổi và người trên 40 tuổi, 5-10% đối với những người từ 5-40 tuổi. Bạch hầu cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 cho trẻ em ở Anh và xứ Wales vào những năm 1930. Thế kỷ XVII, Tây Ban Nha gọi căn bệnh này là "El garatillo" (kẻ treo cổ) vì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

 Trẻ em là đối tượng dễ bị vi khuẩn bạch hầu tấn công. Ảnh: Webmd.

Trẻ em là đối tượng dễ bị vi khuẩn bạch hầu tấn công. Ảnh: Webmd.

Bệnh truyền nhiễm cấp tính

Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae) gây ra. Bệnh thường đặc trưng bởi tổn thương nguyên phát, thường là phần trên đường hô hấp và độc tố lây lan ra khắp cơ thể.

Những người tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Thông thường trẻ em 1-10 tuổi dễ mắc bệnh nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang.

Bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, chúng nhân lên trên bề mặt của họng hầu. Vi khuẩn này lẫy nhiễm qua 2 đường chính:

- Giọt bắn trong không khí: Tương tự Covid-19, khi người bệnh hắt hơi hoặc ho sẽ tiết ra giọt bắn mang theo vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae, những người ở gần có thể hít phải và nhiễm bệnh. Mức độ lây lan trong những nơi đông đúc càng cao.

- Các vật dụng cá nhân hoặc gia đình người mắc bạch hầu: Những người thân hoặc nhân viên y tế khi chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân bạch hầu có nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae qua các vật dụng của người bệnh như khăn tay, khăn giấy… Chạm vào vết thương hở, bị nhiễm trùng của người bệnh cũng có khả năng lây nhiễm bạch hầu.

Những người lành bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu ngay cả khi không có biểu hiện bệnh có thể lây nhiễm cho người khác nếu họ chưa tiêm phòng vaccine bệnh này.

Người mắc bạch hầu thường có màng giả màu trắng ở vùng hầu họng. Ảnh: Toluna.

Biến chứng từ "kẻ treo cổ"

Triệu chứng ban đầu của bệnh bạch hầu là sốt, viêm họng, ho, viêm mũi, đau khi nuốt, xuất hiện màng giả màu trắng ở vùng hầu họng. Cổ họng và amidan bị màng dày, xám bao phủ.

Nếu không được điều trị, bạch hầu có thể dẫn đến:

- Cản trở hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tạo ra độc tố. Độc tố này gây tổn thương mô ở vùng bị nhiễm trùng ngay lập tức - thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng làm hình thành một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp, gây khó thở cho người bệnh

- Đau tim, viêm cơ tim: Độc tố bạch hầu có thể nhiễm vào máu và làm hỏng các mô khác trong cơ thể, gây viêm cơ tim, tổn thương cơ quan này. Tổn thương nặng có thể gây suy tim sung huyết và đột tử.

- Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh đến cổ họng là cơ quan thần kinh đầu tiên bị các vi khuẩn bạch hầu tấn công, gây khó nuốt. Dây thần kinh đến cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ.

Tiêm phòng vaccine giúp giảm nguy cơ mắc bệnh bạch hầu. Ảnh: Shutter Stock.

Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Bệnh bạch hầu có thể phòng tránh bằng cách tiêm vaccine. Nếu có điều kiện, chúng ta nên đánh giá tiêm chủng 5 năm một lần và thực hiện phản ứng Shick để đánh giá tình trạng miễn dịch bạch hầu ở trẻ.

Bên cạnh đó, theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, người dân nên vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Nhà trẻ, nơi ở, lớp học cần đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng.

Người dân nên thực hiện thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Ở những nơi có tiền sử phát hiện ổ dịch bạch hầu cần tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp viêm họng giả mạc.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người đó phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-benh-duoc-xem-la-ke-treo-co-post1098237.html