Bạch Dinh và cuộc chuyển giao 'bất đắc dĩ': Bài 2: Nơi chôn giấu niềm riêng của cựu hoàng Thành Thái

Sau khi tham quan Bạch Dinh, du khách đi theo con đường sát chân Núi Lớn về phía Bắc là đến nhà bát giác nơi có tấm bia khắc bài thơ 'Sầu tây bể Cấp' của cựu Hoàng Thượng Thành Thái viết vào năm 1907 khi bị thực dân Pháp an trí.

Cựu hoàng Thành Thái trước lúc đi đày (1907). Ảnh: TƯ LIỆU

Cựu hoàng Thành Thái trước lúc đi đày (1907). Ảnh: TƯ LIỆU

Thành Thái họ tên là Nguyễn Phúc Bửu Lân, húy là Phúc Chiêu, vị vua thứ 13 của triều Nguyễn, là con thứ 7 của vua Dục Đức, mẹ là Phan Thị Điểu (tức Từ Minh Huệ hoàng hậu), cháu ngoại Phụ chánh đại thần Phan Đình Bình. Vua Thành Thái sinh ngày 22/2 năm Kỷ Mão (14/3/1879), dưới triều Tự Đức thứ 32 (1879). Khi vua Dục Đức còn sống, ông theo cha ở tại Thái Y viện giảng đường Huế, đến lúc vua Dục Đức bị thảm sát trong tù, ông theo mẹ về sống ở quê ngoại (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên).

Năm Mậu Tý (1888) tình hình xã hội ở Huế tạm lắng dịu, ông theo mẹ ra sống ở ngoại thành. Từ đây ông đã tiếp xúc với bà con lao động, chia sẻ gian khổ với những người nghèo trong cảnh nước mất, nhà tan vì thế khi làm vua, Thành Thái đã sớm ý thức về quốc sự. Năm vua Đồng Khánh qua đời, ông lên ngôi nhằm ngày mùng 2 tháng Giêng năm Kỷ sửu (1/2/1889) niên hiệu Thành Thái, lúc đó nhà vua mới được 10 tuổi, được các quan đại thần Lê Trinh, Đinh Nho Quan, Tạ Thúc Bình… thay nhau dạy dỗ.

Vua Thành Thái rất thương dân, thường hay vi hành để được gần dân chúng, để hiểu được sự đau khổ của dân một nước nô lệ. Khâm sứ Pháp và quần thần Nam triều bù nhìn rất muốn truất ngôi của Thành Thái vì không chịu nghe theo mọi sắp đặt của chúng. Ngày 29/7/1907 Lê-véc-nơ đã thẳng thừng tuyên bố: “Nhà vua không thành thật cộng tác với chính quyền bảo hộ thì mọi việc đều do Hội đồng Thượng thư tự quyết đoán. Nhà vua sẽ hết quyền hành và không ra khỏi Đại Nội dành riêng cho nhà vua”. Ngày 3/9/1907 triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị với lý do sức khỏe không đảm bảo, xin tự nguyện thoái vị. Sau đó thực dân Pháp đem đi an trí ở Vũng Tàu rồi lưu đày sang đảo Rê-uy-ni-ông (Réunion, châu Phi thuộc địa Pháp). Cựu hoàng Thành Thái bị đưa vào Sài Gòn ngày 12/9/1907 nhưng mãi đến ngày 23/10/1907 mới xuống Cấp (Vũng Tàu). Cùng đi có 4 bà vợ và 10 người con nhưng chính quyền bảo hộ chỉ cấp cho gia đình cựu hoàng thượng một số tiền là 30.000 quan một năm. Ngày 3/11/1916 thực dân Pháp bí mật tổ chức một chuyến tàu thủy đưa cựu hoàng Thành Thái cùng con là Duy Tân và cả gia đình sang đày tại đảo Rê-uy- ni-ông.

Thời gian ở Bạch Dinh trước cảnh cá chậu chim lồng, núi non ngăn cách, biển cả gào thét quanh năm, cựu hoàng Thành Thái động lòng xúc cảm viết lên những dòng thơ đầy xúc cảm như sau:

“Sống thừa nào có biết hôm nay

Nhìn thấy non sông đất nước này

Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ

Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây

Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt

Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây

Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc

Dẫu cho sắt đá cũng chau mày!”

Bài thơ Đường luật câu 1, 2 giới thiệu về hoàn cảnh của tác giả trong tâm trạng đau đáu về nỗi đau bị thực dân Pháp đã xâm lược: “Sống thừa nào có biết hôm nay. Nhìn thấy non sông đất nước này”. Câu 3 và 4 nói về nỗi niềm đau xót về quê, đất nước: “Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ”. Biết âm mưu của thực dân Pháp sẽ đem đi an trí ở châu Phi, trước mắt là Vũng Tàu, không biết ngày mai rồi sẽ ra sao? Từ trong sâu thẳm cựu hoàng thượng hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ trở về với cố hương như câu chuyện có hậu về sừng ngựa của Thái tử Đan thuở nào. Câu 4: “Ruột tằm đòi đoạn mối sầu tây”, nói về tâm trạng yêu nước mà phải chịu cảnh lưu biệt, tác giả đã dùng chữ đồng âm “sầu tây” với hai nghĩa khác nhau: Sầu tây nỗi buồn riêng tư nhưng còn có nghĩa là nỗi đau buồn vì thực dân Pháp (ở trời Tây) cướp nước ta. Câu 5, 6: “Thành Xuân nghìn dặm mây mù mịt/Bể Cấp bốn bề sóng bổ vây”. Tỏ lòng thương nhớ trăn trở khôn nguôi về xứ Huế, một mình vò võ nơi chân trời, góc biển. “Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc”, so sánh ví von mang phong cách trào lộng, xen lẫn nỗi niềm xót xa, oán hận: “Dẫu cho sắt đá cũng chau mày!” bày tỏ nỗi niềm đau khổ vì sự uất hận của một cựu hoàng thượng có tinh thần yêu nước, thương dân, có óc canh tân… mà phải chịu sống trong cảnh lưu đày nhìn giang sơn chìm đắm trong nô lệ.

“Sầu tây bể Cấp” một bài thơ của cựu hoàng Thành Thái thể hiện tư tưởng tiến bộ, tinh thần yêu nước, bất hợp tác với thực dân Pháp như lời động viên nhân dân Việt Nam tiếp tục kề vai sát cánh đứng lên tham gia các phong trào đấu tranh có tư tưởng tiến bộ chống thực dân Pháp lúc bấy giờ: Duy Tân, chống sưu cao thuế nặng ở miền Trung…

NGUYỄN DUYÊN TÂM

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/201908/bach-dinh-va-cuoc-chuyen-giao-bat-dac-di-bai-2-noi-chon-giau-niem-rieng-cua-cuu-hoang-thanh-thai-869029/