Bác tôi!

Tôi về thăm bác vào một chiều trung tuần tháng 7 trong cái nắng hè oi ả. Sức khỏe của bác giờ đã giảm sút đi nhiều, nhưng câu chuyện bác kể về một thời chiến đấu oanh liệt, hào hùng lại vô cùng sôi nổi.

Bác tôi là Vũ Hùng Vượng, sinh năm 1952, thương binh hạng 2/4 tại xã Việt Hùng (Vũ Thư, Thái Bình). Bác là anh cả và là con trai duy nhất trong một gia đình có 6 anh em (mẹ tôi là em thứ hai). Mẹ bác (bà ngoại tôi) mất năm bác 16 tuổi, còn dì út nhỏ nhất chưa tròn 5 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bác là trụ cột gia đình cùng ông ngoại tôi chăm sóc và nuôi dạy các em thơ.

Năm 1970, khi vừa tròn 18 tuổi cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn khắc nghiệt nhất, bác tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Tôi nghe mẹ kể lại: Lúc đó ông ngoại vô cùng bất ngờ và còn giận bác lắm vì đã giấu không cho gia đình biết. Ông đã khóc rất nhiều, một phần vì lo con xông pha nơi trận tuyến, một phần thương đàn con thơ dại ở nhà. Nhưng lúc đó, bác cương quyết: “Thầy cứ yên tâm ở nhà lo cho các em, con đi chiến đấu để giải phóng đất nước, nhất định con sẽ trở về cùng thầy và các em”. Ngày bác lên đường, ông ngoại chỉ đứng từ xa nhìn, còn 5 cô em nhỏ ôm bác khóc như mưa, dì út còn ôm chặt chân bác không cho đi. Nghe mẹ kể đến đây, tôi đã thấy nước mắt mẹ tuôn trào tự lúc nào, có lẽ những kỷ niệm không thể nào quên đang ùa về trong mẹ.

 Thương binh Vũ Hùng Vượng.

Thương binh Vũ Hùng Vượng.

Sau khi nhập ngũ, bác chiến đấu trên tuyến Đường 559 (Binh đoàn Trường Sơn) huyền thoại, với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Bác kể lại: “Thời tiết ở rừng Trường Sơn khắc nghiệt lắm. Mưa nắng thất thường, lúc thì nắng cháy da thịt, lúc lại mưa rừng đến rét run, tê buốt người. Có những người bị sốt rét rừng đến mức phải bỏ mạng”. Bác cùng các anh chị em thanh niên xung phong có nhiệm vụ san lấp hố bom, mở đường cho xe ta qua. Hồi đó vất vả, đói, rét là thế mà tất cả luôn vô tư yêu đời, vừa làm đường, vừa hát ca và tin tưởng vào thắng lợi. “Rồi những lúc chứng kiến đồng đội hy sinh, chỉ kịp quấn trong cái võng hay áo mưa, an táng sơ sài... mà đớn đau, căm phẫn”, giọng bác nghẹn lại, đôi tay cầm chiếc khăn mùi soa chấm vội những giọt nước mắt, khiến tôi không thể kìm được những rưng rưng trực trào.

Sau khi lấy lại bình tĩnh, bác tiếp tục câu chuyện. Đầu năm 1975, trong lúc lấp hố bom, tiểu đội của bác không may bị một quả mìn do địch thả còn sót lại phát nổ. Lúc đó, bác nghe thấy một tiếng nổ rất lớn rồi ngất lịm. Khi tỉnh lại, bác thấy mình đã nằm trong viện dã chiến và chân trái không còn. Bác cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Nhưng rồi khi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh nằm lại nơi chiến trường, bác thấy mình vẫn còn may mắn rất nhiều.

Sau giải phóng, bác trở về hậu phương, mặc dù sức khỏe giảm sút nhưng ước mơ được trở thành sinh viên vẫn chưa hề nguôi. Bác quyết tâm ôn và thi đỗ Trường Đại học Ngoại thương. Nhưng nghĩ đến gia đình, cha già yếu và các em thơ dại, bác đành lỗi hẹn với giảng đường đại học. Sau khi lập gia đình, với tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, bác bắt tay phát triển kinh tế, từ trồng đay, trồng cây ăn quả, chăn nuôi... Do sức khỏe bác không được tốt lại chưa có nhiều kinh nghiệm, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên kinh tế vẫn chưa khấm khá được là bao.

Đầu năm 1987, bác vay vốn để mở một cửa hàng nhỏ kinh doanh tạp hóa. Nhờ sự khéo léo tính toán, nắm bắt nhu cầu thị trường, thường xuyên thay đổi, bổ sung các mặt hàng phong phú, phù hợp với yêu cầu của khách hàng nên cửa hàng của bác lúc nào cũng đông khách. Từ đó, kinh tế gia đình dần ổn định, bác đã lo dựng vợ gả chồng cho các em và chăm lo 4 người con học hành đầy đủ, chu đáo.

Cho đến nay, bác đã có một cơ ngơi khang trang, các con của bác cũng đã trưởng thành có công việc ổn định. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, trên người vẫn còn di chứng chiến tranh để lại, sức khỏe của bác đã không còn được như trước. Vậy nhưng bác vẫn không ngừng cố gắng giúp đỡ những cựu chiến binh gặp hoàn cảnh khó khăn và đóng góp cho địa phương .

Những câu chuyện nối tiếp nhau nên hai bác cháu không để ý ngoài trời đã nhá nhem tối. Đưa ánh mắt nhìn về xa xăm, giọng bác trầm ấm: “Thời của các bác bầu trời còn đen mịt, tối sầm hơn thế kia. Đen tối vì đất nước còn bóng quân thù xâm lược, nhưng ai ai cũng lạc quan, không ngần ngại chấp nhận gian khổ, hy sinh khi Tổ quốc cần. Bây giờ sống trong thời bình, cháu là Bộ đội Cụ Hồ phải càng cố gắng hết sức để hoàn thành mọi nhiệm vụ, tuyệt đối không được thấy khó mà nản!”.

Chào bác ra về, trong lòng tôi tràn đầy sự cảm động, khâm phục và niềm tự hào về bác-người thương binh đã trải qua gian nan, mất mát nhưng luôn lạc quan, cố gắng vươn lên, giúp đỡ mọi người. Giờ đây, khi khoác lên mình màu xanh áo lính, tiếp bước cha anh, tôi tự nhủ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ và không phụ lòng tin của bác tôi!

Bài và ảnh: TRIỆU THU THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/bac-toi-627876