Bậc thầy đàm phán Trump đang sợ 'chuyên gia đàm phán' Iran?

Chuyên gia cho rằng Mỹ việc Mỹ trừng phạt Ngoại trưởng Iran cho thấy họ đang sợ hãi trước kỹ năng đàm phán của ông này.

Ngày 31/7, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt trừng phạt Ngoại trưởng Javad Zarif với các cáo buộc ông này "hành động hoặc có thể có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp thay mặt cho Lãnh đạo tối cao Iran" - người vốn đã bị áp đặt trừng phạt hồi tháng 6 vừa qua.

Đáp lại lệnh trừng phạt này, Ngoại trưởng Zarif đã có những phát biểu chính thức trên twitter cá nhân của ông: "Lý do mà Mỹ trừng phạt tôi thực chất chỉ vì tôi là người phát ngôn chính thức của Iran trên toàn thế giới. Sự thật có đau đớn không khi nó (các biện pháp trừng phạt) chẳng ảnh hưởng gì đến tôi và gia đình tôi. Vì tôi không có bất kỳ tài sản hay lợi ích nào bên ngoài Iran. Cám ơn các bạn đã coi tôi như một mối đe dọa lớn với chương trình nghị sự của các bạn".

Việc chính quyền Washington áp đặt lệnh trừng phạt lên Ngoại trưởng Iran đã làm căng thẳng với Tehran tiếp tục gia tăng. Đồng thời thổi bùng lên sự phản đối từ cộng đồng quốc tế cũng như các chuyên gia hàng đầu.

Hiện tại, cả Nga, Trung Quốc, và liên minh châu Âu EU đều đã lên tiếng. Các quốc gia và tổ chức đa quốc gia này đều bày tỏ sự tiếc nuối về quyết định của Mỹ. Đồng thời khẳng định căng thẳng với Iran không thể giải quyết theo kiểu leo thang các biện pháp trừng phạt và thù địch như vậy.

Ngoại trưởng Iran: Mỹ trừng phạt là vô tác dụng

Ngoại trưởng Iran: Mỹ trừng phạt là vô tác dụng

Nhận định về điều này, chuyên gia Sean Reynold, điều phối viên của chương trình Sáng tạo phi bạo lực đã nói với Sputnik: "Bộ trưởng Ngoại giao của Iran là người hiểu Washington như lòng bàn tay, ông ta biết rõ mọi thứ từ trong ra đến ngoài. Ông ấy đã bỏ cả nhiều thập kỷ để nghiên cứu về nước Mỹ. Đó là lý do vì sao Washington lo sợ Zarif như một kẻ thù ngoại giao".

"Zarif đã đến Mỹ khi 17 tuổi, ông ấy biết rõ nơi này. Ông ấy học đại học ở bang San Francisco, và sau đó ông ấy là tiến sĩ chuyên ngành đối ngoại. Ông ấy là một chuyên gia về nước Mỹ và chuyên gia về Trung Đông. Người Mỹ đã phải đau đầu để đối phó với Zarif" - Chuyên gia Reynold - người Mỹ, nhận định.

Đánh giá về các lệnh trừng phạt, ông Reynold cho biết: "Có lẽ đây là chính sách của ông Trump. Đây là sự phù phiếm của Tổng thống Mỹ, nó không xuất phát từ cố vấn John Bolton. Ông Bolton muốn chiến tranh, còn ông Trump muốn đàm phán trên cơ sở mà ông làm chủ. Nhưng ở đây chỉ thể hiện sự thiếu nhất quán giữa các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chiến lược toàn cầu của Mỹ mà thôi".

Nhận định về vị thế của Iran, ông Reynold nói: "Iran là lãnh đạo của dòng Hồi giáo Shiite và họ đang ngồi trên một trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Tất nhiên Mỹ không muốn bất kỳ cường quốc quy mô quốc tế hay khu vực nào có lịch sử chống đối lại Washington được kiểm soát một nguồn tài nguyên có giá trị và trữ lượng như vậy.

Iran có thể được xem là một cường quốc dân chủ trong khu vực. Đó là một nền thần quyền với các thành phần dân chủ mạnh mẽ trong chính phủ. Mỹ có thói quen làm việc với mô hình khác, hữu ích hơn cho Mỹ trong việc chi phối việc khai thác dầu và nguồn cung dầu ra thị trường. Đó là lý do vì sao Washington là một đồng minh đặc biệt thân cận với các chế độ vương quyền Arab như Arab Saudi hay UAE...".

Chuyên gia người Mỹ này nói thêm: "Thực tế các đồng minh của Mỹ trong khu vực thậm chí còn thực hiện nhiều hành động khủng bố hơn cả Iran. Họ đã có những cuộc thảm sát dân sự ở Yemen, có khoảng 14 triệu người Yemen đã chịu ảnh hưởng từ liên minh quân sự của Arab Saudi, vậy mà chúng tôi (người Mỹ) vẫn bán vũ khí cho họ".

Ông Reynold cho rằng nếu muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Iran thì điều quan trọng trên hết là dừng các hành động áp bức, gây hấn với quốc gia này. "Ở Washington, có quá nhiều con diều hâu chiến tranh không có hứng thú với nền dân chủ ở Iran và cách thức Iran đang vận hành".

Chung quan điểm với Sean Reynold, ông Foad Izadi, giáo sư chính trị tại Đại học Tehran đã đặt ra câu hỏi về chiến lược với Iran của Washington:

"Một mặt họ trừng phạt bộ trưởng Ngoại giao của Iran, nhưng mặt khác, họ lại nói về việc đàm phán với Iran mà không cần điều kiện gì cả. Nó cho thấy một mức độ mới của sự đạo đức giả trong quan hệ quốc tế. Mỹ không hề nghiêm túc trong việc đàm phán với Iran" - Giáo sư Izadi cho biết.

"Họ làm giảm cơ hội tìm giải pháp và tăng cơ hội chiến tranh. Tôi nghĩ đó là những gì Mỹ thực sự muốn theo đuổi. Họ đả mở ra con đường đối đầu và chặn mọi ngả đường cho đàm phán, bao gồm cả việc đối đầu quân sự" - Giáo sư Izadi nhấn mạnh.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/bac-thay-dam-phan-trump-dang-so-chuyen-gia-dam-phan-iran-3384931/