Bác sỹ tại bệnh viện công: Không thực khó vực được đạo

Một bác sỹ (xin được giấu tên) trước đây công tác tại một bệnh viện của huyện vùng ven thuộc TP Cần Thơ nay đã xin nghỉ để chuyển sang làm việc tại một bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói rất thật lòng : 'Dù rất muốn ở lại phục vụ người dân ở bệnh viện công lập nhưng lương không đủ sống, áp lực công việc quá lớn dẫn đến lực bất tòng tâm bởi không thực khó vực được đạo, vì còn gánh nặng gia đình với bao lo toan cơm, áo, gạo, tiền'.

Đây chỉ là một trường hợp rất phổ biến diễn ra từng ngày, từng giờ tại khu vực ÐBSCL, nhiều nhất là Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 3-2018 có 105 viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nghỉ, bỏ việc, gồm 97 bác sĩ và tám dược sĩ. Trong số đó, 38 bác sĩ chuyên khoa I, một bác sĩ chuyên khoa II, hai thạc sĩ và bốn dược sĩ chuyên khoa I.

Tại tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này, có tổng cộng 78 người có trình độ từ đại học trở lên xin ra khỏi hệ thống y tế công lập hoặc rời địa phương. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế Kiên Giang đã phải giải quyết cho sáu bác sĩ, một dược sĩ cao cấp và một thạc sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập.

Tại Vĩnh Long, đã có 30 bác sĩ ở các cơ sở y tế, bệnh viện công lập đã làm đơn xin nghỉ việc dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Hiện còn nhiều bác sĩ đã gửi đơn xin nghỉ việc chờ xem xét.

Nếu như một bác sỹ, dược sỹ phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng chi phí theo học suốt quá trình từ 6 năm rưỡi đến 7 năm thì khi ra trường nếu xin việc được tại một bệnh viện nhà nước thì mức lương xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể đến việc phải “chạy việc làm” tại các bệnh viện công với những khoản tiền không hề nhỏ và tất nhiên chuyện chạy “chợ đen” nầy rất âm thầm, kín đáo, tinh vi. Nếu như một bác sỹ có thâm niên trên 15 năm thì mức lương chính cũng xấp xỉ 6 triệu đồng tại bệnh viện công lập (đã tính thêm các khoản bồi dưỡng) trong khi nếu chuyển sang công tác ở một bệnh viện tư nhân thì mức lương từ 30 triệu/ tháng trở lên là chuyện rất bình thường, thậm chí có bác sỹ còn lãnh từ 60 đến 100 triệu/ tháng tùy thuộc tay nghề và uy tín bản thân.

Ở góc độ lo lắng ngược lại, tại nhiều địa phương đã có mặt rất nhiều bệnh viện tư nhân với trang thiết bị hiện đại, số giường bệnh rất cao; đội ngũ thầy thuốc nhiều kinh nghiệm đã cuốn hút ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị, và tất nhiên họ phải trả những khoản chi không hề thấp. Xin đơn cử tại TP Vĩnh Long, có hai bệnh viện tư nhân (quy mô 500 giường bệnh) đang trong giai đoạn hoàn thiện; tại TP Cần Thơ có bệnh viện Phụ sản quốc tế Phương Châu, Hoàn Mỹ, Bệnh viên Đại Học Y Dược Cần Thơ…Theo nhiều chuyên gia y tế cho biết, nhiều bệnh viện tư nhân chủ yếu xây dựng bộ khung chủ lực, còn bác sỹ điều trị là lực lượng đầu quân từ các bệnh viện công tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ bức xúc nói: “Bệnh viện công phải tự chủ về kinh phí nên rất khó khăn trong việc giữ chân bác sĩ, trong khi tâm lý người bệnh luôn đòi hỏi chất lượng từ cơ sở, thiết bị máy móc và hiệu quả điều trị phải cao. Do vậy nên dù có nâng cao chất lượng phục vụ thì giá dịch vụ vẫn không thể tăng lên dẫn đến thu nhập của bác sĩ thấp khiến họ rút lui”.

Trước làn sóng nghỉ việc ồ ạt tại bệnh viện công lập hiện nay, hầu hết các bệnh viện công đang lâm vào cảnh lực bất tòng tâm và đang lâm vào cảnh ngộ: động viên, níu kéo, thuyết phục lực lượng thầy thuốc nhưng xem ra kết quả như muối bỏ biển bởi ông bà ta có dạy “Có thực mới vực được đạo”.

Xem ra bài toán nhân lực ngành y tế đã và đang là bài toán khó chưa có lời đáp thỏa đáng.

PHAN THỊ ANH THƯ

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/bac-sy-nhay-viec-khong-thuc-kho-vuc-duoc-dao-102935