Chuyện chưa kể về đường đua F1 tại Việt Nam

Năm 2020, khán giả Việt Nam sẽ trực tiếp chứng kiến những chiếc F1 chạy trên đường phố Hà Nội với vận tốc lên tới 350km/h. Thế nhưng việc đưa giải đấu này về Việt Nam cũng không dễ dàng.

Lẽ ra tổ chức ở… Nha Trang

Năm 2010, giới mê xe Việt xôn xao về thông tin Hans Geist - ông chủ của các giải đua xe ở Áo, Nga, Bahrain sang Việt Nam để tìm hiểu về việc đầu tư dự án này.

Hãng AFP đưa tin đề xuất của ông Hans Geist, địa điểm xây dựng đường đua là ở Nha Trang (Khánh Hòa), trên diện tích đất rộng 300ha, có kinh phí đầu tư 150 triệu USD. Lý do để Hans Geist chọn Việt Nam cho dự án đường đua F1 dựa vào hai yếu tố chính là tiềm năng du lịch và nền kinh tế năng động.

Thời điểm đó ý kiến chuyên gia đều cho rằng, khi Việt Nam có được đường đua F1, thì vị thế của chúng ta trên bản đồ thể thao cũng nâng tầm. Đường đua F1 còn được đánh giá là kênh quảng bá hiệu quả nhất cho ngành du lịch của Việt Nam.

Tuy nhiên sau đó, kế hoạch này không thành tạo ra nhiều tiếc nuối cho giới mê xe tốc độ Việt Nam.

Vì sao chọn Hà Nội là nơi tổ chức?

Vào tháng 8.2017, tờ The Sun (Anh) bất ngờ tiết lộ, công ty sở hữu cuộc đua Công thức 1 (F1) Liberty Media cùng ông Chủ tịch Chase Carey đang có động thái để sớm tổ chức một chặng đua F1 tại Việt Nam.

Theo The Sun, Liberty Media rất muốn tổ chức chặng đua F1 tại TPHCM nên các quan chức của cuộc đua F1 đã bí mật đến TPHCM để thảo luận với các nhà đầu tư ở Việt Nam, cũng như quan sát các địa điểm khả dĩ có khả năng tổ chức chặng đua.

Tuy nhiên, TPHCM lại không có đủ điều kiện và cơ sở đáp ứng yêu cầu khắt khe của một giải công thức F1.

Tháng 6.2018, Hãng Reuter thông tin Giám đốc điều hành F1 Chase Carey đã đạt được thỏa thuận về việc tổ chức cuộc đua trên đường phố ở Hà Nội và “nhận được ủng hộ cao của chính quyền tại đây”.

Ngoài ra, sau khi khảo sát, Chase Carey tin rằng một số đoạn đường khu vực Mỹ Đình hoàn toàn phù hợp theo mô hình đua F1 trên đường phố tương tự Singapore. Tuy nhiên, theo BTC F1 thì đường đua tại Việt Nam sẽ có độ dài khoảng 5,5km, với 22 khúc cua được xây dựng dựa trên cảm hứng của đường đua Nuburgring (Đức), Suzuka (Nhật Bản) cũng như các góc cua mang đậm yếu tố “đường phố” tại Monaco…

Cụ thể, khúc cua số 1 và số 2 được dựa trên các khúc cua số 1 và 2 tại trường đua Nurburgring của Đức.

Khúc cua thứ 12 đến 15 được lấy cảm hứng từ một phần của đường đua Monaco nổi tiếng, đoạn từ khúc cua thứ 1 chạy lên đồi Massenet.

Từ khúc cua 16 tới 19 với những đoạn chuyển hướng liên tục như đường đua Suzuka, Nhật Bản.

Khúc cua từ 20 tới 22 lấy cảm hứng từ đường đua Sepang (Malaysia) với khúc cua rẽ trái với bán kính rất nhỏ.

Vận tốc trung bình sẽ đạt 207km/h.

Chặng đua thứ 22!

Từ năm 2018, nội các Malaysia quyết định không tiếp tục tham gia các chặng đua F1 sau 19 năm tổ chức tại Penang do doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, sau khi Malaysia ra đi, Pháp và Đức đã quay trở lại và danh sách tổ chức các chặng đua của giải F1 đã tăng lên thành 21. Việt Nam sẽ trở thành địa điểm thứ 22.

Giá vé sẽ thế nào?

Thông thường sẽ có hai loại vé, là vé tiêu chuẩn, vé khán đài. Ngoài ra có một loại vé đặc biệt ngồi khu riêng, có phục vụ đồ ăn, uống.

Theo thông tin từ website chính thức thì giá vé ở Malaysia là rẻ nhất với mức thấp nhất là 24USD (vé khán đài), khoảng 70USD cho vé tiêu chuẩn.

Giá vé xem F1 tại Trung Quốc - trung bình 160 USD. Đắt nhất thế giới là chặng Monaco - trung bình 650 USD.

Vé tại Việt Nam sẽ được công bố vào tháng 4.2019. Theo dự đoán, mức thấp nhất có thể là 30USD.

ANH QUỐC

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-thao/chuyen-chua-ke-ve-duong-dua-f1-tai-viet-nam-656160.ldo