Bác sĩ Việt Nam và kỹ thuật mổ nội soi được thế giới thán phục

Mổ nội soi tuyến giáp 'Dr Lương' là kỹ thuật đang được chuyển giao sang hàng chục quốc gia trên thế giới.

Ở vị trí Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Trần Ngọc Lương, vẫn hăng say phẫu thuật. Sau giờ giao ban mỗi sáng, ông nhanh chóng lao vào phòng mổ - nơi có ít nhất 5-6 bệnh nhân chờ sẵn. Nếu không có sự đam mê, có lẽ ông đã không thể khai sinh ra phương pháp phẫu thuật nội soi tuyến giáp đang được cả thế giới thán phục và muốn học tập.

"Dr Lương" là thương hiệu của kỹ thuật đang được "xuất khẩu" sang hàng chục quốc gia trên thế giới. Thậm chí, ông còn được giới thiệu là "người mổ nội soi tuyến giáp giỏi nhất thế giới".

Tháng 7, ông tạo dấu ấn khi nhận kỷ lục Việt Nam "Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất".

 PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

PGS.TS Trần Ngọc Lương - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Những trăn trở cho ra đời kỹ thuật riêng

Với tư cách là “cha đẻ” của kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp, ông chắc hẳn không thể quên “đứa con” của mình đã được ra đời như thế nào?

- Theo số liệu thống kê, ở nước ta có khoảng 7-10% dân số mắc các bệnh về tuyến giáp (gồm: ung thư tuyến giáp, Basedow, bệnh bướu nhân, viêm tuyến giáp…). Trong đó, tỷ lệ phụ nữ bị mắc các bệnh liên quan đến tuyến giáp chiếm 70%. Rất đông bệnh nhân muốn điều trị khỏi bệnh phải phẫu thuật tuyến giáp. Nếu mổ mở theo kiểu truyền thống sẽ để lại vết sẹo dài ở cổ, nhất là những bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi trông rất mất thẩm mỹ.

Chính vì vậy, không ít người sợ sẹo mà không đi mổ, chỉ đến khi quá nặng mới đến khám, điều trị. Lúc này, bệnh tình đã diễn biến phức tạp. Thực tế đó khiến tôi rất băn khoăn, trăn trở, tìm phương án tốt nhất để vừa chữa được bệnh, vừa không để lại sẹo nơi cổ bệnh nhân. Và tôi đã sáng tạo ra cách mổ nội soi tuyến giáp. Năm 2003, tôi thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi tuyến giáp đầu tiên.

Điều ông tâm đắc nhất khi thực hiện thành công phương pháp này?

- Kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp có các ưu điểm: Đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả và giá rẻ. Đơn giản là vì các bác sĩ khi tiến hành phẫu thuật có thể sử dụng cụ mổ nội soi thông thường mà bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí cả bệnh viện huyện cũng có. Còn nhanh là vì khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ chỉ cần tạo 3 lỗ nhỏ ở vùng nách của bệnh nhân, vào tuyến giáp bằng đường bên, không cần phải cắt bất cứ cơ nào. Sau đó, đưa thiết bị mổ nội soi vào, bơm CO2 tạo môi trường mổ. Do vậy, mỗi ca phẫu thuật chỉ kéo dài từ 20-30 phút (trừ những ca khó có thể khoảng 40-50 phút). An toàn vì theo đường riêng này, có thể tìm và tách tuyến cận giáp trạng cũng như dây thần kinh thanh quản quặt ngược (dây thần kinh nói) dễ dàng.

Quan trọng hơn, khi tiến hành mổ nội soi, bệnh nhân không bị mất máu nhiều, vết mổ nhanh lành. Cho đến nay, kỹ thuật này có thể áp dụng hiệu quả cho tất cả các bệnh lý tuyến giáp khi cần mổ, kể cả ung thư khi chưa có di căn xa, đồng thời chi phí cho phẫu thuật chỉ hết 300-400 USD/ca.

Vào thời điểm đó, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của ông có phải là duy nhất? Trên thế giới, đã có ai thực hiện kỹ thuật này?

- Tôi là người đầu tiên mổ nội soi tuyến giáp ở Việt Nam. Thời điểm đó, có 3 nước cũng mổ nội soi tuyến giáp nhưng kỹ thuật khác. Ở Italy, có một giáo sư tiến hành mổ nội soi trợ giúp bằng vết rạch nhỏ ở cổ người bệnh. Còn ở Hàn Quốc, các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi tuyến giáp bằng robot. Còn kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp bằng khung nâng, treo mà các bác sĩ Nhật Bản tiến hành lại rất khó làm và không thuận lợi khi mổ. Điểm đáng chú ý là các phương pháp trên giá thành rất cao, khoảng 7.000-10.000 USD/ca. Còn kỹ thuật của mình dụng cụ đơn giản. Do đó, các nước rất thích sang học, đặc biệt là các nước nghèo.

Khi thực hiện phương pháp này, ông phải đối mặt với khó khăn như thế nào?

- Khó khăn vì mình là người đầu tiên làm nên không học tập được ở đâu. Nếu thành công thì không sao, ngược lại, thất bại thì sẽ phức tạp. Thời gian đầu tôi chỉ dám chọn bệnh nhân có đường kính bướu cổ từ 2-3 cm. Kết quả đạt được khá mỹ mãn, thay vì bệnh nhân phải chịu vết sẹo dài đến 8 cm ở cổ, phẫu thuật bằng phương pháp nội soi giúp vết sẹo chỉ còn nhỏ khoảng 1 cm ở vùng nách và ngực. Thời gian nằm viện rút xuống chỉ còn 2-3 ngày thay vì 7 ngày như trước đây. Bệnh nhân không phải chịu cảnh nuốt, thở khó khăn như trước nữa.

"Ở những bệnh nhân này, ngoài việc chữa được bệnh, mình còn chữa được tinh thần. Khi họ không tự ti với vết mổ, họ sẽ quay trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường sớm hơn, tự tin trong giao tiếp"

PGS.TS Trần Ngọc Lương

Mới đây, ông lại tiếp tục thực hiện mổ nội soi với tuyến vú. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

- Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chúng tôi cũng mổ nội soi tuyến vú theo phương pháp này từ tháng 6/2018. Ở Việt Nam cũng chưa ai làm kỹ thuật này. Số lượng đã thực hiện là 10 ca.

Điều tôi luôn tự hào và tâm đắc nhất là giúp bệnh nhân tránh được vết mổ, sẹo xấu. Bởi đa phần bệnh nhân là phụ nữ. Với một vết sẹo trên bộ phận nhạy cảm sẽ tác động rất lớn tới họ. Tôi có thể giúp họ lấy u không sẹo ngực. Ở những bệnh nhân này, ngoài việc chữa được bệnh, mình còn chữa được tinh thần. Khi họ không tự ti với vết mổ, họ sẽ quay trở lại cuộc sống và sinh hoạt bình thường sớm hơn, tự tin trong giao tiếp.

PGS Trần Ngọc Lương trong một ca mổ với kỹ thuật mang tên ông. Ảnh: T.Q.

“Về Việt Nam mà mổ ông Lương”

Ông được trao kỷ lục về “Người có công trình nghiên cứu khoa học về kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp được ứng dụng, chuyển giao, đào tạo trong và ngoài nước nhiều nhất”. Con số cụ thể là bao nhiêu?

- Tôi đã đào tạo cho gần 20 nước, bắt đầu từ năm 2009. Có khoảng 327 giáo sư, bác sĩ của các nước trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippine, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, Australia, Bồ Đào Nha... sang nước ta học tập kỹ thuật này.

Ở trong nước, các bệnh viện như Chợ Rẫy, Hoàn Mỹ Cửu Long Cần Thơ, Đa khoa Cần Thơ, Việt Tiệp Hải Phòng, Đa khoa Nghệ An, Quân y 103, Trung ương Quân đội 108,... cũng đã cử bác sĩ đến học và triển khai thành công phương pháp phẫu thuật này. Đầu tháng 11, tôi đã cử hai trợ lý sang chuyển giao phương pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sắp tới nữa là Ấn Độ.

Điều đó có làm giảm việc người bệnh Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh?

- Có bệnh nhân người Việt Nam sang Singapore để mổ tuyến giáp, bác sĩ tại đây vội tư vấn: “Về Việt Nam mà mổ ông Lương”, vì chính tôi dạy họ phương pháp đó. Lúc đó, người bệnh mới biết, rồi quay về nước gặp tôi.

Lần đầu, tôi sang Singapore, bác sĩ tại đây là học trò của tôi, sang Việt Nam học 2 lần. Họ dẫn tôi vào gặp bệnh nhân và giới thiệu: “Đây là bác sĩ Lương - người mổ nội soi tuyến giáp giỏi nhất thế giới”. Nghe rồi, nữ bệnh nhân vội chắp tay: “Trăm sự nhờ bác sĩ”.

Như vậy, để thấy bệnh nhân Việt Nam không cần đi đâu khi hiện tại bác sĩ trong nước đã làm chủ rất nhiều kỹ thuật.

Phương pháp mổ nội soi mang tên của bác sĩ Trần Ngọc Lương được áp dụng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Xót xa bệnh nhân ung thư trẻ tuổi

Bệnh ung thư nói chung, ung thư tuyến giáp ngày càng nhiều, theo ông nguyên nhân từ đâu?

- Bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt ung thư tuyến giáp tăng nhanh. Thứ nhất là do phương tiện chẩn đoán của mình nhanh, phổ biến, hiện đại. Thứ hai, việc khám sức khỏe định kỳ ở các cơ quan, doanh nghiệp phổ biến, phát hiện bệnh. Còn các yếu tố khác như thực phẩm bẩn, môi trường,… chưa có thống kê cụ thể.

"Tôi cũng mong bệnh nhân và xã hội thông cảm cho ngành y và các bác sĩ. Chúng tôi luôn muốn hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Khi nhận được sự chia sẻ và ủng hộ từ người dân, chúng tôi tin mình sẽ còn làm tốt hơn nữa"

PGS.TS Trần Ngọc Lương

Bệnh viện vừa ghi nhận ca ung thư tuyến giáp nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay khi bệnh nhi mới ba tuổi. Cảm xúc của ông khi trực tiếp mổ ca này như thế nào?

- Đây là trường hợp ung thư tuyến giáp nhỏ tuổi nhất được phát hiện tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Trước đó, cũng đã có những trường hợp 6-9 tuổi mắc ung thư tuyến giáp đã được các bác sĩ phát hiện và phẫu thuật. Nhìn những bệnh nhi như vậy thực sự rất xót xa. Và càng trở thành động lực để tôi hoàn thiện, phát triển những kỹ thuật mới để giúp cho càng nhiều bệnh nhân hơn.

Những bệnh nhân từng được bác sĩ trực tiếp phẫu thuật thành công chia sẻ: “Bác sĩ Trần Ngọc Lương đúng là lương y như từ mẫu”. Với tâm huyết và công sức ông đã bỏ ra, ông kỳ vọng gì ở ngành y nói chung và Bệnh viện Nội tiết Trung ương nói riêng?

- Mỗi y bác sĩ chúng tôi đều mong muốn bản thân ngày càng giỏi để có thể cứu chữa cho tất cả các bệnh nhân. Với trang thiết bị hiện đại và những kỹ thuật mới, việc khám chữa bệnh hiện này đã dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn những căn bệnh chưa thể chữa trị dứt điểm chỉ có thể kéo dài tính mạng cho bệnh nhân. Bởi vậy, điều tôi ấp ủ bấy lâu là chữa được hết bệnh cho tất cả bệnh nhân để họ hoàn toàn khỏe mạnh trở lại với gia đình và xã hội.

Một mình ngành y không thể làm hết tất cả. Việc khám chữa bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các cơ quan chức năng và nhiều ngành khác trong xã hội. Tất cả phải cùng vào cuộc mới có thể đẩy lùi được bệnh tật và nâng cao sức khỏe cho người dân. Tôi cũng mong bệnh nhân và xã hội thông cảm cho ngành y và các bác sĩ. Chúng tôi luôn muốn hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Khi nhận được sự chia sẻ và ủng hộ từ người dân, chúng tôi tin mình sẽ còn làm tốt hơn nữa.

Hà Quyên - Hoàng Đông

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bac-si-viet-nam-va-ky-thuat-mo-noi-soi-duoc-the-gioi-than-phuc-post1018377.html