Bác sĩ 'tráng men', chuyện buồn có còn lặp lại?

Đã có một khoảng cách đáng kể giữa đòi hỏi của thực tế và khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo...

Những cảnh báo từ ba năm trước khi một trường đại học dân lập chuyên ngành kinh tế được cho phép đào tạo ngành Y có vẻ như đã ứng nghiệm. Điều hi hữu về một học sinh lớp 6 ở Gia Lai vẫn chưa đọc thông viết thạo đã được lặp lại ở một số ‘quả ngọt’ ngành Y khoa của trường đại học nói trên.

Theo phản ánh trên báo chí, các sinh viên năm thứ 4 từ đại học này, khi đi thực tập, bị đánh giá là ‘con số 0 tròn trĩnh’. Ý thức, thái độ thực tập cũng là một vấn nạn khi các bác sĩ hướng dẫn phải than trời về việc ‘đến muộn, tụ tập ở nhà ăn, bàn tán và bấm điện thoại, thậm chí còn hút thuốc’… Nói thẳng hơn, mối lo các tân lương y chưa đủ tài còn chưa đủ đức đang dần hiện hữu.

Từ phía trường đại học, những lời giải thích thoạt nghe tương đối lọt tai. Nguyên tắc vàng chuẩn chất lượng đầu ra lại một lần nữa được viện dẫn. Một vị lãnh đạo trường đại học này đã khẳng định chắc như đinh đóng cột, ‘những phản ánh trên chưa nói lên được điều gì’. Theo đó, sau 3 tháng thực hành, sinh viên sẽ phải thi hết môn lâm sàng, không đủ điểm sẽ không lấy được bằng.

Đào tạo ngành y không chỉ cần cơ sở vật chất. Ảnh phòng thực hành dành cho sinh viên khối ngành sức khỏe của một trường đại học dân lập.

Đào tạo ngành y không chỉ cần cơ sở vật chất. Ảnh phòng thực hành dành cho sinh viên khối ngành sức khỏe của một trường đại học dân lập.

Thế nhưng, dẫu có bỏ qua sự thiếu cầu thị trong phát biểu nói trên, thực tế “không bột khó gột nên hồ” vẫn chưa được nhìn nhận. Kể cả có được chỉ bảo, hướng dẫn bởi những vị giáo sư, bác sĩ hàng đầu, với số lượng người học lớn, lại bị bó hẹp khuôn khổ về thời gian và phạm vi kiến thức, sẽ khó xảy ra những tiến bộ vượt bậc.

Đã thế, các cử nhân tương lai lại không thể hiện tinh thần cầu thị, không biết hoặc không quan tâm tới lỗ hổng kiến thức của chính mình. Khi nước đến chân, họ cũng sẽ nhảy và có thể qua môn thi, nhưng khó có thể kỳ vọng vào một điểm số cao đi cùng với kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ.

Và dù rộng lượng đến đâu, sự thiếu ý thức đến mức ‘hút thuốc lá’ ở nơi có bệnh nhân khó có thể mang lại hi vọng về một vị lương y như từ mẫu. Ngành Y tế Việt đã chứng kiến quá nhiều vụ việc tắc trách, từ những chuyện như ghi phiếu xét nghiệm đàn ông có buồng trứng, cho tới những vụ việc gây ra sự tổn hại sức khỏe người dân. Đương nhiên, người dân không cần thêm những vị bác sĩ ‘tráng men’ lo lắng sức khỏe cho họ.

Vả lại, với trình độ giáo dục đại học của Việt Nam, lý lẽ mở rộng đầu vào và hi vọng điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi các sinh viên nhận được tấm bằng cử nhân sẽ khó thuyết phục được ai. Người ta cho rằng, không chỉ là bác sĩ ‘tráng men’ mà còn là tấm bằng ‘tráng men’. Trong bối cảnh nạn ‘nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ’ chưa được giải quyết, thì nếu so sánh những sinh viên y khoa ở các trường y danh tiếng với các bạn đồng học ở trường dân lập kinh tế kia, chưa biết ai sẽ có ‘hậu vận’ sáng sủa hơn ai. Tội tình đâu thì những người dân bình thường, không có đủ tiềm lực kinh tế để ‘kén’ bác sĩ gánh chịu.

Đáng lo hơn, kịch bản tương tự sẽ còn nhiều lần lặp lại. Xã hội đã nói quá nhiều về xu hướng ‘đại trà hóa’ cử nhân, từ đó xảy ra việc các trường đại học mở ngành tràn lan, càng ngày càng đi xa hơn định hướng và lựa chọn giáo dục ban đầu. Từ phía quản lý, những quy định về cơ sở vật chất, số lượng giảng viên cơ hữu… đã được đặt ra, nhưng khâu giám sát chưa nghiêm khiến tình trạng lách luật xảy ra mà không bị nghiêm trị. Dù có bao biện rằng, thị trường lao động sẽ là người kiểm duyệt cuối cùng và những sản phẩm lỗi từ những cơ sở đào tạo kém sẽ bị loại bỏ thì đối với ngành Y, đợi đến kết cục ấy, e rằng nhiều người vô tội đã phải gánh chịu hậu quả. Đã vậy, việc quy trách nhiệm sẽ khó như ‘bắc thang lên hỏi ông Trời’.

Riêng đối với đào tạo ngành Y, dường như đang tồn tại một sự lệch pha tương đối giữa yêu cầu của ngành giáo dục và linh cảm của những người đang hoạt động trong ngành y tế. Xin được nhắc lại, không phải ngẫu nhiên mà khi trường đại học dân lập được đề cập trong bài viết xin mở ngành Y cách đây vài năm, đa số những vị giáo sư, bác sĩ hoạt động trong ngành khi được xin ý kiến đều bày tỏ nỗi lo ngại.

Đã vậy, một cơ sở đào tạo mới, với học phí không thể so sánh với học phí ở các trường đại học công lập, chỉ có thể cạnh tranh để hút sinh viên bằng điểm số… thấp. Với mức điểm đầu vào của ngành Y khoa trường này kém các trường khác từ 5 - 10 điểm, phải cần tới một tinh thần lạc quan rất cao để có thể yên tâm về chất lượng đầu ra.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy gót chân Achilles của giáo dục Việt Nam hiện tại. Đã có một khoảng cách đáng kể giữa đòi hỏi của thực tế và khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo, thể hiện không chỉ trong vụ việc các sinh viên ngành y đi thực tập tại các bệnh viện vừa rồi. Khoảng trống này chỉ có thể lấp đầy khi ngành giáo dục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ, tìm hiểu nhu cầu nhân lực của xã hội và tổ chức đào tạo để đáp ứng đúng và tốt hơn những yêu cầu đó.

Khó có thể biện luận việc mở cửa đào tạo đại học tràn lan bằng việc áp dụng kinh nghiệm thế giới. Chỉ khi hoàn thành nhiệm vụ cung ứng lao động có chuyên môn cao, có phẩm chất đạo đức tốt cho xã hội và chỉ khi nạn ‘con ông cháu cha’ đã được giảm thiểu tới mức tối đa, thị trường lao động mới có thể có thêm lựa chọn tốt từ nền giáo dục đại học ‘trăm hoa đua nở’. Bằng không, những hệ lụy xấu mới là thực tế hiển hiện rõ hơn.

Tiếp cận theo hướng này, đá tảng có thể đến từ chính đơn vị quản lý cao nhất của ngành giáo dục. Câu chuyện sẽ na ná việc các doanh nghiệp nhà nước đầu tư đa ngành đa nghề, nối dài hơn cánh tay quyền lực. Thậm chí, đó còn là lợi ích về mặt kinh tế.

Người ta đã thấy, sau những lời than thở không thể tuyển sinh của khu vực đại học ngoài công lập, năm 2018, tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước (trừ trường đào tạo giáo viên) sẽ được tự chủ trong việc xác định điểm chuẩn xét tuyển. Và tại hai kỳ tuyển sinh gần đây, xã hội không khỏi giật mình khi thí sinh chỉ cần đạt 10 điểm/3 môn đã có thể trở thành những cử nhân, thậm chí là cử nhân giỏi bốn năm sau đó.

Rõ ràng, thay vì chăm chăm bảo vệ quyền lợi của các cơ sở đào tạo dưới quyền, như một con gà mẹ ấp ủ lũ con non, những công bộc ngành giáo dục cần trả lời câu hỏi, quyền lợi của ngành hay của xã hội trước tiên?

Khánh Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/bac-si-trang-men-chuyen-buon-co-con-lap-lai-3391264/