Bác sĩ tiết lộ lời nói đầu tiên của bệnh nhân 91 khi vừa tỉnh lại

Những ngày điều trị cho bệnh nhân 91, ê-kíp Bệnh viện Chợ Rẫy như diễn viên xiếc đi trên dây, đổi lại là câu nói ngọt ngào khi nam phi công tỉnh lại.

- Anh là phi công mà, anh phải cố gắng hơn nữa chứ?

- Anh còn nhớ anh đã hứa với tụi này điều gì không? Anh hứa sẽ chở tụi này trên chuyến bay do chính anh cầm lái mà?

BSCKII Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM vừa nói, vừa động viên bệnh nhân 91 (phi công người Anh, 43 tuổi).

Viên phi công nhăn mặt, cánh tay run run cố làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên. Bác sĩ Linh đứng bên cạnh, nhìn ông, mỉm cười. Gần một tháng nay, hai người họ thân thiết “như hình với bóng”.

98 ngày nhập viện, tròn một tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, không ai tưởng tượng rằng bệnh nhân 91 có thể hồi phục. Theo TTND.PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Chủ nhiệm bộ môn Hồi sức cấp cứu Đại học Y dược, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, “nam phi công đã đi từ cõi chết trở về”.

Sáng 6/4, BSCKII Trần Thanh Linh nhận được tin nhắn báo động đỏ từ group chat của các đồng nghiệp.

Linh tính chẳng lành, anh vội mở điện thoại. Tin nhắn từ nhóm điều trị bệnh nhân 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM: Bệnh nhân đang nguy kịch, cần can thiệp ECMO ngay để giữ lại mạng sống.

Không kịp suy nghĩ, chẳng cần thời gian chuẩn bị hành trang, 4 đồng nghiệp đàn em của bác sĩ Linh gồm bác sĩ Ngô Việt Anh, Dư Quốc Minh Quân, Trần Hoàng An và Huỳnh Thị Thu Hiền lấy vội chiếc balo để sẵn ở góc phòng, lên đường đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Từ đây, Bệnh viện Chợ Rẫy chính thức bước vào "đường hầm", đưa bệnh nhân 91 đi tìm "ánh sáng".

Bác sĩ Linh cho biết thời gian điều trị cho bệnh nhân 91 “thực sự là những ngày căng não nhất, mệt nhất, thót tim nhiều nhất”.

Những ngày đầu dùng ECMO, bệnh nhân 91 phải dùng thuốc kháng đông Heparin. Tuy nhiên, bệnh nhân vừa rối loạn đông máu, vừa mắc Hội chứng giảm tiểu cầu do dị ứng với Heparin (HIT), nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng.

Chỉ hai giờ sau khi chạy ECMO, màng ECMO đông cứng máu. Các bác sĩ phải thay màng lọc khác. Hai ngày sau, màng lọc tiếp tục đông đặc. Chưa bao giờ đội ngũ "biệt đội ECMO" của Bệnh viện Chợ Rẫy gặp trường hợp nào phải thay màng liên tục như vậy.

Thời điểm quan trọng nhất quyết định mạng sống của bệnh nhân là lúc chỉ định dùng thuốc kháng đông đặc hiệu, đặt hàng từ nước ngoài. Tuy nhiên, phải 10 ngày sau thuốc mới cập bến. Làm sao để bệnh nhân chịu đựng trong 10 ngày này?

“Đó là những ngày chúng tôi như đang làm xiếc trên dây”, bác sĩ Linh nhớ lại.

Trong hơn 10 ngày chờ thuốc từ Đức, các bác sĩ quyết định dùng tạm thuốc Xarelto chưa từng có trong phác đồ. Nhờ thuốc này, hệ thống ECMO hoạt động trơn tru hơn một tuần.

Ngày thứ 8, thứ 9, phi công chuyển biến xấu. Ngày thứ 10, thuốc về đến bệnh viện. Cả nhóm thở phào như được “đáp” xuống mặt đất.

Những ngày sau đó, dù đã được can thiệp ECMO, tình trạng của nam phi công vẫn rất nguy kịch. Lúc này, các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị đã tính đến phương án buộc phải ghép phổi và quyết định chuyển bệnh nhân 91 sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Gần cuối giờ chiều ngày 22/5, bác sĩ Linh sốt ruột nhìn đồng hồ. Hôm nay, nhân viên khoa Hồi sức cấp cứu của ông lên đường sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để đón bệnh nhân 91.

Sắp đến giờ hẹn, bầu trời TP.HCM tối sầm và mưa như trút nước. Dù vậy, đúng 16h, mặc đồ phòng hộ, họ vẫn lên đường.

Đoạn đường di chuyển giữa 2 bệnh viện dù không xa, nhưng việc phải đảm bảo đầy đủ thiết bị, con người trên xe cứu thương cũng là vấn đề khiến các bác sĩ phải tính toán kỹ lưỡng.

"Mỗi năm, bệnh viện đã tiến hành trên 150 ca ECMO, nhưng chưa ca nào khiến chúng tôi căng thẳng, đau đầu như ca này", bác sĩ Linh nhớ lại.

Về đến Bệnh viện Chợ Rẫy an toàn, nam phi công vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Thời điểm đó, bác sĩ Linh và đồng nghiệp đưa ra quyết định khó khăn và liều lĩnh: Ngưng toàn bộ thuốc an thần để đánh giá về mặt thần kinh, xem bệnh nhân còn cơ hội sống hay không?

Càng ngưng thuốc an thần, giãn cơ, phi công càng thở nhanh. Lúc này, nguy cơ mất oxy, vỡ phổi, tràn khí màng phổi có thể xảy ra, đồng nghĩa sự sống của bệnh nhân như “nghìn cân treo sợi tóc”.

May mắn, đêm 26/5, phi công có dấu hiệu tỉnh. Bác sĩ Linh và điều dưỡng chăm sóc khi đó mừng trào nước mắt.

“Chúng tôi có rất nhiều nhóm chat gồm bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ trưởng khoa liên quan đến những bệnh lý của bệnh nhân, Tiểu ban Điều trị, các chuyên gia đầu ngành. Mỗi khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi chụp lại để gửi lên. Các thầy, các anh thấy bất thường, sẽ lên tiếng ngay”, bác sĩ Linh nói.

Nhớ lại hành trình điều trị cho nam phi công, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết việc đưa ra quyết định để giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là lựa chọn đầy thách thức của toàn bộ ê-kíp.

“Chúng tôi như người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây sẽ bị đau. Còn với ê-kíp điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay, bệnh nhân sẽ chết. Chính những áp lực vô hình này buộc y bác sĩ không chỉ phải khéo léo như diễn viên xiếc mà còn phải tỉnh táo để đưa ra những quyết định phù hợp ở từng thời điểm”, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ.

Cùng với nỗ lực 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, khi chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy, nam phi công được y bác sĩ từ các chuyên khoa hồi sức, dinh dưỡng, vật lý, vi sinh… phối hợp theo dõi.

Các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị quyết định cho bệnh nhân dùng 3 loại kháng sinh kết hợp, tổng tấn công tiêu diệt vi khuẩn “cứng đầu khó trị” Burkholderia cepacia. Trong đó, một số kháng sinh được nhập từ nước ngoài về.

Ngày 1/6, các chuyên gia của Tiểu ban Điều trị có thêm quyết định táo bạo: Cai ECMO cho bệnh nhân.

Nhận quyết định, bác sĩ Linh trầm tư, cân nhắc. Bệnh nhân có thể cai được không khi đã phụ thuộc quá lâu? Nếu cai không thành công, bệnh nhân sẽ không còn đường mạch máu, nên bắt đầu từ đâu?... Bao nhiêu câu hỏi dồn dập đặt ra trong đầu ông.

Theo dõi tổng trạng bệnh nhân cùng với kinh nghiệm "chinh chiến" nhiều năm tại khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Linh quyết định giảm dần thông số ECMO. Mỗi ngày điều chỉnh một chút, đến khi bệnh nhân cai được hoàn toàn.

Ngày 2/6, bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh. Như tìm được "ánh sáng cuối đường hầm", bác sĩ Linh như vỡ òa.

Cũng trong ngày hôm đó, trong bộ đồ phòng hộ kín mít, mồ hôi ướt lưng, bác sĩ Linh và đồng nghiệp nhìn nhau, ngỡ ngàng: Bệnh nhân 91 đang nhìn họ, và nở nụ cười rất đẹp.

Đó là lần đầu tiên bác sĩ Linh nhìn thấy nam phi công cười sau những thời khắc tưởng chừng “thập tử nhất sinh”.

Sau nụ cười đó, bệnh nhân 91 thốt lên câu nói đầu tiên: Fantastic! (thật tuyệt diệu).

Bác sĩ Linh cũng không tin vào mắt mình. Nụ cười đó khiến bao mệt nhọc những ngày tháng qua như tan biến.

Bích Huệ
Ảnh: Phạm Ngôn - Đồ họa: Phượng Nguyễn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-tiet-lo-loi-noi-dau-tien-cua-benh-nhan-91-khi-vua-tinh-lai-post1098656.html