Bác sĩ thực hiện ca lấy giác mạc đầu tiên của Việt Nam

Trong căn nhà đóng kín cửa, mất điện, ê-kíp gồm ba người phải soi đèn pin để thực hiện lấy giác mạc.

Câu chuyện về bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Tân Mỹ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) không may qua đời vì căn bệnh ung thư đã hiến tặng lại giác mạc của mình gây xúc động mạnh mẽ với cộng đồng.

Người trực tiếp lấy giác mạc của bé là bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. Anh chia sẻ trong 10 năm gắn bó với nghề, đây là trường hợp để lại cho anh cảm xúc mạnh mẽ và đặc biệt nhất. Nguyễn Hữu Hoàng cũng nằm trong ê-kíp thực hiện ca lấy giác mạc đầu tiên của Việt Nam cách đây hơn 10 năm.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng lấy giác mạc của bé Hải An hiến tặng. Ảnh bác sĩ cung cấp.

Ca lấy giác mạc đầu tiên: Không mặc áo blouse, dụng cụ để trong bao tải

Nhiều năm gắn bó với nghề, bác sĩ Hoàng cho biết bản thân không thể nhớ hết số lượng các ca lấy giác mạc mình đã thực hiện. Tuy nhiên, lần đầu tiên thực hiện thủ thuật này là ký ức không thể quên đối với bác sĩ Hoàng.

Tháng 4/2007, Nguyễn Hữu Hoàng trở về nước khi vừa kết thúc khóa học ba tháng về kỹ thuật lấy giác mạc và bảo quản giác mạc tại Ấn Độ. Anh được giao thực hiện ca lấy giác mạc đầu tiên của Việt Nam, dù trước đó đã từng thực hiện hàng trăm ca lấy giác mạc ở nước ngoài.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: HQ.

Người hiến tặng là bà Nguyễn Thị Hoa ở Kim Sơn, Ninh Bình. Do thông tin về hiến giác mạc chưa được rộng rãi đặc biệt tại vùng quê nên ê-kíp tới nhà bệnh nhân như những người thăm viếng bình thường.

Đội ngũ không mặc blouse và di chuyển vào nhà bằng xe máy thay vì xe cứu thương, thậm chí dụng cụ lấy giác mạc phải để trong bao tải. Cả ê-kíp phải làm nhiệm vụ kín đáo để tránh điều tiếng cho gia đình người hiến.

“Trong căn nhà đóng kín cửa, mất điện, ê-kíp gồm 3 người phải soi đèn pin để thực hiện lấy giác mạc. Mất 45 phút, chúng tôi mới hoàn thành nhiệm vụ, khi đi ra khỏi phòng quần áo trên người tôi ướt như tắm do thời tiết nóng bức của tháng 4. Ca lấy giác mạc đầu tiên khá tốt đẹp đã làm tiền đề cho những lần sau”, bác sĩ này chia sẻ.

Nguyễn Hữu Hoàng cũng từng thực hiện lấy giác mạc từ một em bé 6 tuổi tại Kim Sơn, Ninh Bình. Đây là ca hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất do bé không may bị tai nạn giao thông.

Khi biết được đặc thù công việc của bác sĩ Hoàng, nhiều người băn khoăn anh có bị ám ảnh khi chạm vào người đã mất, lấy đi một phần trên thân thể họ hay không. Đối với anh, hơn 10 năm gắn bó với nghề, Nguyễn Hữu Hoàng luôn coi những người hiến giác mạc đang ngủ chứ không phải đã chết. Họ đã trao tặng cho đời món quà vô giá.

Quy trình hiến - lấy giác mạc

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, bất cứ ai cũng có thể hiến tặng được giác mạc sau khi qua đời, không phụ thuộc vào tuổi tác, giới tính. Những người có thị lực kém, có tật khúc xạ, đã từng phẫu thuật về mắt hay kể cả những người mắc bệnh như ung thư, đái tháo đường… vẫn có thể hiến tặng giác mạc. Tuy nhiên, những trường hợp bị nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C… nên tránh nguy cơ rủi ro cho người ghép.

Giác mạc có thể thu nhận khi người hiến tặng đã qua đời, trong khoảng từ 6-8 tiếng sau khi dừng thở.

Chuyên gia này cho biết giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ngoài cùng nhãn cầu, phía trước tròng đen, giúp cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở đáy mắt giúp chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật. Nên khi hiến giác mạc, các kỹ thuật viên chỉ bóc tách lớp màng mỏng. Kỹ thuật bóc tách giác mạc cũng không gây chảy máu.

Trước khi lấy giác mạc, kỹ thuật viên sẽ vệ sinh vùng ngoài và trong mắt của người hiến kỹ hơn so với việc vệ sinh trong phòng mổ để đảm bảo vệ sinh tiệt trùng. Khi bóc tách, kỹ thuật viên phải đảm bảo giác mạc không bị co kéo và gấp nếp. Thời gian thực hiện từ 20-30 phút tùy từng vào từng trường hợp.

Sau đó, kỹ thuật viên sẽ đậy lại mi mắt cho người hiến kín như đang ngủ và lấy mẫu máu để tiến hành xét nghiệm.

Giác mạc của người hiến sẽ được bảo quản trong dung dịch nuôi dưỡng ở nhiệt độ từ 2-4 độ C. Bộ phận này chỉ bảo quản tối đa 14 ngày, vì vậy sau khi hiến tặng, chúng phải được ghép càng sớm càng tốt.

Để đảm bảo chất lượng giác mạc, người thân nên vuốt mắt, đặt bông ẩm hoặc đắp khăn ướt có đá lên mắt, đặt đầu người quá cố lên gối cao. Gia đình nên nhanh chóng gọi điện báo cho ngân hàng mắt, tình nguyện viên hoặc Hội chữ thập đỏ khi người thân có di nguyện hiến giác mạc qua đời.

Việt Nam có khoảng hơn 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc. Mỗi năm, số người mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân là viêm loét, bỏng, giác mạc hình chóp, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Số bệnh nhân đăng ký chờ ghép giác mạc hiện nay khoảng 1.000 người. Hiện tại, Ngân hàng Mắt có thể cung cấp khoảng 200 giác mạc cho các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ngân hàng Mắt, Bệnh viện mắt Trung ương đang lưu giữ khoảng 40.000 phiếu đăng ký hiến giác mạc trên khắp cả nước. Từ tháng 4/2007 đến nay Ngân hàng đã tiếp nhận được 422 ca hiến giác mạc trong nước.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bac-si-thuc-hien-ca-lay-giac-mac-dau-tien-cua-viet-nam-post822643.html