Bác sĩ nước ngoài phải rành tiếng Việt!

Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) quy định người nước ngoài hành nghề y ở Việt Nam phải rành tiếng Việt, kê toa bằng tiếng Việt để bảo đảm quyền lợi bệnh nhân

Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo Luật Khám chữa bệnh (KCB - sửa đổi) với nhiều nội dung mới. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết luật được xây dựng theo hướng cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động KCB; thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhà nước và tư nhân.

Đánh bác sĩ là "chống người thi hành công vụ"

Cũng theo ông Nguyễn Huy Quang, dự thảo luật bổ sung, mở rộng thể chế pháp lý liên quan tới việc áp dụng các kỹ thuật trong điều trị bệnh so với trước đây. Cụ thể, dự thảo mở rộng các tiêu chí áp dụng và phân cấp cho các địa phương, tạo điều kiện áp dụng kỹ thuật sớm nhất, đáp ứng nguyện vọng của người bệnh.

Dự thảo luật cũng bổ sung những quy định về việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực KCB. Theo đó, khi xảy ra sự cố y khoa, hội đồng chuyên môn sẽ được thành lập theo trình tự từ cơ sở y tế nơi xảy ra sự cố đến sở y tế rồi Bộ Y tế. Nếu hội đồng chuyên môn Bộ Y tế kết luận vẫn không được hai bên chấp nhận thì có thể đưa vụ việc ra tòa.

Một nạn nhân tố phòng khám có bác sĩ nước ngoài “vẽ bệnh” trên địa bàn TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Một nạn nhân tố phòng khám có bác sĩ nước ngoài “vẽ bệnh” trên địa bàn TP HCM Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Dự thảo cũng quy định việc xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên y tế được xem là hành vi chống người thi hành công vụ.

Đơn thuốc phải viết bằng tiếng Việt

Về việc người nước ngoài tới hành nghề KCB tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang cho biết có nhiều quy định mới: Người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp KCB cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo. Tất cả chỉ định điều trị, kê đơn thuốc của những bác sĩ này phải được ghi bằng tiếng Việt. Mức độ "thành thạo tiếng Việt" được xác định bởi các cơ sở đào tạo chuyên ngành do bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định kiểm tra và công nhận.

"Bác sĩ nước ngoài KCB tại Việt Nam phải có phiên dịch đang gây ra nhiều bất cập. Người phiên dịch nào phải gắn với bác sĩ đó nhưng thực tế không một phiên dịch nào có thể gắn bó suốt đời với một bác sĩ. Trong khi đó, phiên dịch hiện nay theo quy định của Liên Hiệp Quốc cũng chỉ có 6 thứ tiếng. Vì thế rất khó có thông dịch viên hoàn hảo để đáp ứng cho tất cả bác sĩ các quốc gia, nên rất cần bác sĩ nước ngoài hành nghề ở quốc gia nào thì phải biết tiếng của quốc gia đó. Hơn nữa, những người nước ngoài muốn đến một quốc gia nào đó để hành nghề KCB cũng cần phải biết tiếng của nơi đến. Điều này đã được nhiều quốc gia ở Đông Nam Á thực hiện" - ông Quang phân tích.

Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam phải rành tiếng Việt là yêu cầu rất cần thiết. Điều này để hạn chế những sai sót về chuyên môn do bệnh nhân và bác sĩ không hiểu hết ý nhau hoặc người phiên dịch diễn đạt không hết ý của bác sĩ.

Ngăn "vẽ bệnh" ở phòng khám nước ngoài

Thực tế trên địa bàn TP HCM nhiều bệnh viện tư nhân, quốc tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa..., thậm chí bệnh viện công lập đều có bác sĩ, nhân viên y tế là người nước ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm này, qua khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, đa số nhân viên y tế người nước ngoài chưa sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong xử lý công việc, trao đổi với người bệnh bản địa. Hầu hết các công đoạn làm việc của một bác sĩ đều thông qua phiên dịch viên, từ thăm khám đến việc ra bệnh án, phác đồ điều trị, kê toa thuốc...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nói thực tế cho thấy người phiên dịch không bảo đảm sự giao tiếp giữa thầy thuốc người nước ngoài và người Việt, dẫn đến không an toàn cho người bệnh... Vì vậy, ngành y tế TP HCM đã đề xuất đưa quy định trên vào dự thảo luật.

Cũng theo ông Tăng Chí Thượng, từ lâu ở Thái Lan, Lào đã có quy định người hành nghề KCB phải thành thạo tiếng bản địa. Việc yêu cầu người nước ngoài hành nghề KCB tại Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo sẽ tránh trường hợp phiên dịch dịch sai ý bác sĩ và hơn hết là người bệnh cần biết mình bị bệnh gì, điều trị như thế nào, chi phí ra sao để không còn chuyện "vẽ bệnh" ở các phòng khám nước ngoài như thời gian qua...

Quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề KCB

Thay vì việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB suốt đời như hiện nay, dự thảo Luật KCB sửa đổi quy định chứng chỉ hành nghề của nhân viên y tế sẽ có thời hạn. Điều kiện gia hạn chứng chỉ hành nghề là được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề suốt đời. Yêu cầu có thời hạn trong chứng chỉ đòi hỏi người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục, đồng thời giữ được y đức, tránh để xảy ra sai sót về mặt chuyên môn.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho rằng việc quy định thời hạn chứng chỉ hành nghề chỉ có hiệu lực sau 5-10 năm là phù hợp. Điều này sẽ giúp các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên cập nhật các kiến thức y khoa để tiếp tục hành nghề.

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bac-si-nuoc-ngoai-phai-ranh-tieng-viet-20191129222804171.htm