Bác sĩ nói 'Thai này mà giữ được là kỳ tích' và hành trình chiến đấu kiên cường với hơn 300 mũi tiêm của bà mẹ 8X để con được chào đời

Nhìn khuôn mặt ngây thơ, đáng yêu của bé Bentley, chị Nguyễn Quỳnh Phượng cảm thấy những vất vả, khó nhọc mà chị đã trải qua để con được chào đời thực sự xứng đáng.

Chị Nguyễn Quỳnh Phượng (SN 1984, Phú Thọ) hiện là mẹ của 3 em bé đáng yêu. Chị cho biết 2 lần đầu thai kỳ của chị hoàn toàn bình thường, suôn sẻ, con sinh ra khỏe mạnh. Chỉ đến lần mang thai thứ 3, chị mới trải qua cả một quãng thời gian dài lấy bệnh viện là nhà, lo lắng từng giờ từng phút, chiến đấu ngoan cường để con được chào đời bình yên và khỏe mạnh.

Gia đình hạnh phúc hiện tại của chị Phượng

Gia đình hạnh phúc hiện tại của chị Phượng

"Thai này mà giữ được là kỳ tích"

Đó là lời của bác sĩ điều trị chính nói với chị Phượng khi chị quyết tâm giữ thai. Ngay từ lần đầu tiên đi siêu âm thai em bé thứ 3, chị đã được bác sĩ thông tin về những bất thường gặp phải: túi ối nằm quá thấp, sát vết mổ cũ, theo dõi thêm một tuần nếu không tiến triển thì nên đình chỉ vì quá nhiều nguy cơ, nặng nhất là cắt toàn bộ tử cung. Chị thấy như trời đất sụp đổ dưới chân mình vì những lần mang thai trước đó hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. 5 tuần rồi 6 tuần chị đi siêu âm, kết quả vẫn không khả quan hơn. 8 tuần chị bắt đầu ra máu, tinh thần hoảng loạn. Thế nhưng ngay cả trong những phút giây ấy, chị tâm sự chưa bao giờ có ý định từ bỏ giọt máu của mình.

Những ngày tháng ra vào viện như cơm bữa của bà mẹ 8X

"12 tuần, tôi ra máu ồ ạt, vào viện cấp cứu lần đầu tiên. Máu ra nhiều như "chọc tiết lợn", chưa bao giờ tôi thấy nhiều máu đến thế", chị Phượng nhớ lại. Bác sĩ điều trị cho chị lúc đó phải thốt lên: "Thai này mà giữ được là kỳ tích".

Những tuần thai tiếp theo, bà mẹ 8X tiếp tục sống trong nỗi sợ hãi vì lần nào đi khám cũng có những nguy cơ: 16 tuần xét nghiệm Triple test thuộc nhóm nguy cơ cao, phải lấy máu gửi sang Hong Kong xét nghiệm (sau đó kết quả bình thường); 22 tuần con nhẹ cân hơn so với tuổi thai phải khám chuyên sâu để đánh giá mức độ; 23 tuần mẹ bị thiếu ối phải vào cấp cứu... Chị kể những ngày tháng đó chị đếm từng ngày, từng giờ, cầu mong cho con khỏe mạnh. Chị khẳng định với bác sĩ: "Nhất định con chị sẽ chào đời khỏe mạnh, chỉ cần tim con vẫn còn đập một ngày, một giờ chị cũng phải giữ con bằng được".

Hơn 300 mũi tiêm và câu nói nhẹ nhàng với y tá: "Còn chỗ nào đâm được chị cứ tự nhiên"

Trong cả hành trình kiên cường chiến đấu để giữ con, chị Phượng đã phải gồng mình lên để "sống chung" với việc tiêm truyền đều đặn hơn cơm bữa. Chị tâm sự: "2 bàn tay, 2 cẳng tay, 2 bắp tay, 2 bắp đùi - mông - bất cứ chỗ nào có thể đâm được đều đâm cả rồi. Mỗi ngày đến giờ truyền tôi đều giơ 2 tay ra cho các cô y tá lựa chọn: "Còn chỗ nào đâm được các chị cứ đâm tự nhiên". Trung bình cứ 2-3 mũi/ngày. Ngày nhiều 7-8 mũi kim đâm vào cơ thể, chưa kể đâm nhầm rút ra đâm lại, vỡ ven, chệch ven. Tôi tiêm truyền nhiều tới mức các cô y tá chỉ cắm truyền còn bản thân có thể tự rút truyền, thay chai truyền, có thể tự bắt máy chạy Monitor".

2 tay đầy vết kim truyền của chị Phượng

Thời điểm đó, chị kể với chị là những chuỗi ngày ngập trong nước mắt, nhiều lúc bất lực chỉ biết khóc. Một cuộc chiến, sự thử thách về tinh thần, áp lực tinh thần khủng khiếp khiến chị như trầm cảm, tâm thần bấn loạn.

10 tuần mất ngủ, niệm Phật, giành giật từng phút để con được chào đời

Sang tuần thai thứ 25, chị Phượng bị vỡ ối non. Khi vào cấp cứu, bác sĩ giải thích rằng vỡ ối hiện tại trên thế giới chưa có thuốc điều trị, cơ hội là 0%, chỉ chờ vào may mắn. Hơn nữa sẽ có nhiều rủi ro trong điều trị như mất tim thai bất cứ lúc nào, mẹ hạn chế vận động, nặng nhất không có khả năng sinh con nữa. Nếu đồng ý không kiện cáo thì gia đình chị sang kí giấy điều trị hoặc sang ngậm thuốc cho con ra luôn.

"Tai tôi ù đi, không thở nổi. Con đã thành hình rồi nên tôi không cam lòng. Tôi như đứt từng khúc ruột nhưng vẫn kiên quyết chỉ cần con không bỏ mình thì mình cũng không bỏ con dù hy vọng chỉ là 0%". Thế rồi những ngày sau đó chị lại tiếp tục sống trong lo lắng, chị niệm kinh Phật để cầu mong được độ bình an. Thậm chí bà mẹ 8X còn xin đánh đổi 10 năm tuổi thọ của mình để con có cơ hội được chào đời. Suốt 10 tuần nằm viện chị không dám ngủ vì sợ đến khi thức dậy không nghe thấy tim thai của con.

Đến tuần thai thứ 27, một nguy cơ khác lại xuất hiện vì chị có dấu hiệu nhiễm khuẩn, bạch cầu tăng cao, đổi đến 3 loại kháng sinh mạnh nhất vẫn không hợp. Chị cứ ngỡ cánh cửa may mắn đã đóng lại với mình. Nhưng may thay cuối cùng chị lại đáp ứng với loại kháng sinh rẻ tiền nhất và thai kỳ vẫn tiếp diễn. Vợ chồng chị bảo nhau chỉ cần cố gắng đến 28 tuần để con sinh ra có cơ hội sống trong lồng ấp là đã mãn nguyện lắm rồi.

Kỳ tích thực sự tồn tại trên đời

Từ tuần 28 trở đi, cả hai vợ chồng chị cứ hồi hộp đếm thêm từng ngày, rồi từng tuần cho đến khi con được 33 tuần 1 ngày. "Mỗi tuần trôi qua tôi lại lạc quan hơn tuần trước. Mỗi lần đi buồng tất cả các bác sĩ - nhân viên của khoa sản bệnh A4 đều bảo quá may mắn kì tích. Đến tuần 33 tuần bác sĩ trưởng khoa còn hỏi "Phượng đọc thần chú gì vậy mách các bạn với".

Khoảnh khắc chào đời của bé Bentley

Cho đến lúc này, chị Phượng vẫn không thể quên thời khắc 15h20 phút ngày 25/10/2019, khi bé Bentley tròn 33 tuần 1 ngày, chị vào phòng mổ để đón con chào đời, kết thúc những ngày tháng sống trong cảm giác ngàn cân treo sợi tóc mong manh. Chị vẫn nhớ như in: "Con khóc to vang cả phòng mổ. Tôi rơi nước mắt nhưng lại nở nụ cười trong hạnh phúc vỡ òa. Bác sĩ thông báo con nặng 2kg, rắn rỏi, môi hồng. Lúc khâu, bác sĩ còn tâm sự rằng ca mổ này quá đặc biệt với họ. Trước khi vào phòng mổ họ cũng hồi hộp không kém, không biết mổ ra em bé sẽ như thế nào. Bác sĩ điều trị chính từng nói với tôi thai này giữ được là kỳ tích đã được chứng kiến kỳ tích thực sự xảy ra trên đời".

Bé Bentley (tên thật là Nguyễn Phúc Trường An) kháu khỉnh và đáng yêu hiện tại

Con trai chị Phương được đặt tên là Nguyễn Phúc Trường An. Với chị con là anh hùng, siêu nhân, chiến binh dũng cảm đã chiến đấu cùng mẹ. Chị không bao giờ quên những tháng ngày đã cùng con kiên cường vượt qua để con được có mặt trên thế gian này. Chị cũng cảm thấy may mắn vì có người thân, có chồng luôn ở bên động viên, ủng hộ. Chị không thể quên những ngày chồng ngày đi làm, tối lại vượt quãng đường hơn 100km để vào viện với mẹ con chị chỉ để nhìn vợ con, ngủ một đêm rồi hôm sau lại tiếp tục đi làm. 2 bé lớn nhà chị thời gian mẹ nằm viện cũng tự trông nhau, chị 9 tuổi chăm em 6 tuổi.

Chị Phượng không bao giờ quên được những ngày chồng đi xa cả 100km để được nhìn thấy vợ con hàng ngày trong bệnh viện

Giờ đây, mọi chuyện đã qua đi. Bé Bentley sinh non nên sức đề kháng có hơi kém so với các bạn khác. Nhưng chị vẫn có chồng bên cạnh để cùng chăm sóc, nuôi nấng con.

Từ câu chuyện của mình, chị Phượng muốn nhắn nhủ tới những mẹ bầu có cùng hoàn cảnh rằng nhất định không được từ bỏ dù có khó khăn đến đâu. Chị nhấn mạnh: "Tình yêu thương, niềm tin mãnh liệt sẽ giúp các mẹ vượt qua mọi gian nan để giúp con được chào đời khỏe mạnh".

Ảnh: NVCC
Bảo Bình

Nguồn Em Đẹp: https://emdep.vn/lam-cha-me/bac-si-noi-thai-nay-ma-giu-duoc-la-ky-tich-va-hanh-trinh-chien-dau-kien-cuong-voi-hon-300-mui-tiem-cua-ba-me-8x-de-con-duoc-chao-doi-20201030121308542.htm