Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện với môn đá cầu

Những năm gần đây môn đá cầu đã trở thành môn thi đấu quốc tế ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam và Thái Lan là kỳ phùng địch thủ. Người có công lớn khôi phục và phát triển môn đá cầu ở VN là bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - một nhà trí thức lớn, một nhà văn hóa và nhà báo lớn.

Chi đoàn Nhà Xuất bản Ngoại văn vừa đá cầu, thi đấu đá cầu, vừa bán cầu cho học sinh Hà Nội

Tôi có may mắn là nhân viên của bác Viện ở Nhà xuất bản Ngoại văn - nơi mà bác Viện lấy chi đoàn thanh niên NXB làm nòng cốt để khôi phục và phát triển môn đá cầu.

Thuở bé bọn con trai chúng tôi hay đá cầu chinh. Cầu là hai đồng chinh bằng đồng được lồng bằng giấy pơ luya hay nilon. Nhưng vì quả cầu lại bé mà rơi vào vũng nước thì bị hỏng. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và ông Đỗ Chỉ (Bắc Giang) đã nghiên cứu làm quả cầu mới bằng đế cao su. Người được bác Viện giao làm khuôn dập miếng cao su thành hình tròn kích cỡ như đồng 5 xu cũ là Nhật Linh, cháu ruột của bác. Linh mua săm ô tô cũ để chế tác đế cầu bằng phương pháp thủ công là lấy búa tay gõ mạnh vào khuôn ở giữa là săm cao su. Cứ 1 nhát búa là tạo ra một miếng cao su tròn có 2 rãnh ở giữa để lồng giây. Giây cầu là giây nilon các màu dùng để buộc hàng. Ngày ấy ở Hà Nội chưa có loại giây này nên bác Viện phải nhờ mua ở chợ Bến Thành (Sài gòn ) gửi ra. Tôi cứ sáng sáng đến nhà bác Viện ở ngõ Nguyễn Chế Nghĩa để nhận đế cầu (buổi tối Linh sản xuất để cầu ở ngoài vườn nhỏ vì ban ngày còn đi học).

Lồng giây và lấy chun buộc cầu là các đoàn viên nữ. Có lúc chúng tôi gửi cầu ở bảo vệ cơ quan bán hộ hay mang xuống các trường phổ thông ở Hà Nôi để vừa biểu diễn đá cầu vừa bán cầu. Bác Viện dặn chúng tôi cầu không được cho không dù là ai vì cho thì mất giá tri. Cầu phải bán nhưng phải bán rẻ. 500 đ/ 1 quả cầu. Có lúc do Linh bận hay khuôn dập cầu bị hỏng nên chúng tôi không có cầu để bán cho các học sinh. Có lần tôi thử dập đế cầu lóng ngóng thế nào để búa đập vào ngón tay trái đau chảy cả nước mắt.

Bác Viện dẫn chúng tôi về Hải Phòng đá cầu biểu diễn ở sân vận động Lạch Tray cho Bí thư Thành ủy Đoàn Duy Thành xem. Đưa chúng tôi lên Bắc Giang thi đấu với đội Bắc Giang và mời đội Bắc Giang về Hà Nội thi đấu với chúng tôi ở cung thiếu nhi Hà Nội.

Với lòng mong muốn phát triển môn đá cầu trước hết ở các trường phổ thông, bác Nguyễn Khắc Viện đã làm việc với ông Tạ Quang Chiến - Tổng cục trưởng TDTT - và bà Nguyễn Thị Bình -Bộ trưởng Bộ Giáo dục - và sau đó môn đá cầu được đưa vào các trường phổ thông.

Có một buổi chiều, vào cuối giờ làm việc, bác Viện đi bộ đến nhà tôi và nói: "Ông Vịnh này. Có một số người ở cơ quan nói là các ông đá cầu ở sân cơ quan ảnh hưởng đến họ khi dắt xe về. Ông tìm sân khác đi”. Và tôi cùng anh Lê Ngọc Tân đã chuyến việc đá cầu về vỉa hè phố Lê Thánh Tông cạnh Đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Bác Viện còn tích cực tuyên truyền môn đá cầu trên báo chí như báo Tiền phong, Thiếu niên Tiền Phong và cả báo Nhân dân nữa.

Và có lẽ ít ai biết rằng cậu thanh niên mảnh khảnh, trắng trẻo, người sản xuất đế cầu cao su năm xưa, nay là ông chủ LIOA NHẬT LINH. Đội trưởng đội đá cầu của chi đoàn NXB Ngoại văn năm xưa nay là Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTTDL. Và người viết bài này đã từng là cầu thủ dự bị của đội đá cầu XBNV khi đi thi đấu ở các nơi.

Nhân ngày THỂ THAO VIÊT NAM 27. 3 nhớ tới người thày lớn của tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

Bùi Thế Vịnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-si-nguyen-khac-vien-voi-mon-da-cau-60659