Bác sĩ lý giải việc 'trúng tà' khi sử dụng hỏa trị liệu làm đẹp

Thời gian gần đây, nhiều trường hợp sử dụng phương pháp hỏa trị liệu làm đẹp gây những hậu quả nặng nề như bỏng nặng, 'trúng tà'.

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM cho biết, hỏa trị liệu (hay hỏa long cứu) thực chất là một phương pháp của y học cổ truyền.

Kỹ thuật hỏa trị liệu hiện nay tại Việt Nam là sử dụng sức nóng cồn để thúc đẩy sự hấp thu xuyên qua da của Đông dược. Phương pháp có tác dụng trị liệu đối với nhiều bệnh tật như viêm cột sống dính khớp, thống phong, đau phong thấp, đau thần kinh, đau eo lưng, đau gân cơ, bệnh cột sống...

Quá trình hỏa liệu, người thực hiện sẽ chuẩn bị thuốc, làm lộ da cục bộ, đặt đầu thăm dò đo lường nhiệt độ.

Sau đó, thầy thuốc sẽ đặt thuốc, đặt màng mỏng chất dẻo trong suốt, đặt khăn mặt làm nóng lên da. Tiếp đó, họ nhỏ cồn 95 độ lên trên khăn mặt và bắt đầu đốt lửa. Kết thúc 4 lần đốt và dập lửa, thầy thuốc gỡ bỏ vật liệu đặt và dược phẩm, làm sạch da.

 BS thoa cồn lên bụng bệnh nhân làm hỏa trị liệu.

BS thoa cồn lên bụng bệnh nhân làm hỏa trị liệu.

Hỏa trị liệu có thể ứng dụng trên nhiều bệnh lý ở các vị trí khác nhau như đau lưng, đau vai gáy, viêm đại tràng mãn tính, viêm khớp gối...

Hỏa trị liệu cũng có thể kết hợp với nhiều phương pháp điều trị khác như các phác đồ điều trị Tây y, các phương pháp dùng thuốc y học cổ truyền...

Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại những tác dụng không mong muốn như bỏng (thường là độ 1), mất nước và điện giải, kích ứng da hoặc kích ứng tinh dầu. Nguyên nhân chủ yếu do người thao tác không thực hiện đúng kỹ thuật chuyên môn và không khai thác kỹ bệnh sử của bệnh nhân trước khi thực hiện.

BS khuyến cáo những bệnh nhân có tiền sử tim mạch, thận, tâm thần, phụ nữ có thai, bệnh nhân ung thư... không nên điều trị bằng phương pháp này.

Theo BS Lan, tại TP.HCM chưa có cơ sở nào được cấp phép điều trị bằng kỹ thuật hỏa trị liệu. Riêng Viện Y dược học dân tộc mới chỉ có 53 nhân viên y tế tại đây được đào tạo hỏa trị liệu từ Bệnh viện Châm cứu Trung ương.

Nói về việc dùng phương pháp này để làm đẹp tại các spa, cơ sở thẩm mỹ, BS Lan cho biết, trên bệnh lý da hay mụn hỗn hợp, phương pháp này có thể trị liệu tốt. Hỏa trị liệu giúp các lỗ chân lông căng ra giúp lấy ra và thải chất độc, chất nhờn. Tuy nhiên khi thực hiện phải theo quy trình, kết hợp rửa mặt, xoa bóp mặt thẩm mỹ với hỏa trị liệu mới có hiệu quả làm đẹp.

Ở vùng bụng, hỏa trị liệu làm ra mồ hôi, giúp bệnh nhân giảm cân tốt.

Hỏa trị liệu có thể gây bỏng hay mất điện giải nếu làm không đúng cách.

Tuy nhiên người thực hiện phải là nhân viên y tế được đào tạo bài bản. Việc quảng cáo chỉ đào tạo trong 3 ngày sẽ làm được như các clip đăng tải trên mạng là rất nguy hiểm.

Về thông tin chữa bệnh bằng hỏa trị liệu có thể gây trúng tà, TS Trương Thị Ngọc Lan cho rằng, bản chất của vấn đề này là hiện tượng mất nước.

Khi mất nước quá nhiều bệnh nhân có thể ngất đi. Với những người đang có bệnh vốn có, đặc biệt như bệnh tim mạch có thể gây trụy tim mạch.

"'Tà' là yếu tố gây bệnh. Khi sử dụng phương pháp không đúng, bản thân hỏa trị liệu là nguyên nhân gây bệnh. Do đó phải thực hiện đúng chỉ định, người bệnh muốn chữa bệnh phải đến khám bác sĩ chứ không phải đến spa. Tôi cho rằng phương pháp này có hiệu quả trên nhiều bệnh lý dai dẳng như xương khớp, da, mất ngủ, đau bụng kinh…"

BS khuyên ngoài việc đến các cơ sở thẩm mỹ làm đẹp, người dân cũng nên chú ý những phương pháp tự nhiên như tập thể dục, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, sống lành mạnh, giúp đẹp từ bên trong lẫn bên ngoài.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bac-si-ly-giai-viec-trung-ta-khi-su-dung-hoa-tri-lieu-lam-dep-d441375.html