Bác sĩ Lê Văn Lâm: Sử dụng bia điều trị ngộ độc rượu là có cơ sở khoa học

Trưa 11-1, phóng viên Báo Nhân Dân gặp trực tiếp Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực-chống độc (HSTC-CĐ), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để được bác sĩ chính thức chia sẻ về câu chuyện cứu bệnh nhân (BN) Nguyễn Văn Nhật, 47 tuổi, ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, bị ngộ độc rượu nhờ được truyền gần 5 lít bia và các giải pháp cứu chữa cần kíp khác.

Bác sĩ Lê Văn Lâm tại Khoa Hồi sức tích cực-chống độc.

Phóng viên: Thưa bác sĩ Lê Văn Lâm, được biết mới đây Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa cứu sống một ca ngộ độc rượu. Xin ông cho biết triệu chứng của bệnh nhân khi nhập viện?

Bác sĩ Lê Văn Lâm: BN Nguyễn Văn Nhật nhập viện lúc 6 giờ, ngày 25-12-2018 trong tình trạng có uống rượu trước thời điểm nhập viện khoảng 36 giờ. Khi vào cấp cứu tại Khoa HSTC-CĐ, BN suy giảm tri giác Glasgow 9 điểm, đồng tử hai bên đều 3 mm, đáp ứng ánh sáng kém, thở nhanh 30 lần/phút, mạch 130 lần/phút, huyết áp 90/60 mmHg, xuất huyết dạ dày, vô niệu.

Trước đó, chiều 23-12-2018, một đơn vị tại xã Triệu Thuận tổ chức tiệc mừng Giáng sinh có mời ông Nguyễn Văn Nhật, Lê Văn Tửu, Hoàng Thanh Chiến và Lê Văn Xược (đều trú huyện Triệu Phong) đến uống rượu. Sau đó, bốn người này có các triệu chứng như bị ngộ độc rượu nên phải nhập viện để cấp cứu. Đến ngày 28-12-2018, BN Lê Văn Xược tử vong tại một bệnh viện khác.

Trước tình hình này, BN được hồi sức tích cực ban đầu và định hướng chẩn đoán là ngộ độc rượu cấp, cảnh giác ngộ độc methanol và được cho soi đáy mắt. Kết quả soi đáy mắt cho thấy phù gai thị kèm xuất huyết võng mạc. Các kết quả sinh hóa cho thấy khí máu toan chuyển hóa nặng với pH 6,9; HCO3 - 2,1 mEq, nồng độ ethanol máu 10,36 mmol/L, rối loạn chức năng đa cơ quan bao gồm thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, thận, tổng điểm SOFA 11.

Mặc dù các bác sĩ chưa có định lượng nồng độ methanol trong máu, nhưng dựa vào đặc điểm quá trình bệnh lý trước đó 36 giờ BN có sử dụng rượu và các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng điển hình với toan chuyển hóa máu, rối loạn chức năng đa cơ quan, phù gai thị và xuất huyết võng mạc, đồng thời chỉ số ethanol máu 10,36 mmol/l (<22 mmol/L), là ngưỡng không thể cạnh tranh hết enzym alcohol dehydrogenase dẫn đến khả năng ngộ độc methanol cao là phù hợp với quá trình diễn biến bệnh.

BN được lấy mẫu máu gửi định lượng methanol tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia và được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực điều trị ngộ độc cấp methanol. Kết quả xết nghiệm methanol trong máu BN là 2100mg/L tương đương 210mg/dL, vượt quá 10,5 lần ngưỡng gây ngộ độc (20mg/dL).

Phóng viên: Trong trường hợp này, ekip y, bác sĩ của bệnh viện đã xử lý như thế nào?

Bác sĩ Lê Văn Lâm: Trong quá trình này, BN được điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng bằng cách cho thở máy bảo đảm hô hấp tăng thông khí, truyền dịch, hồi sức chống choáng, Vitamin B1, dinh dưỡng glucose, natribicarbonate…

Tình trạng BN đang rối loạn chức năng đa tạng nặng, nguy cơ tử vong cao trong khi tiến hành lọc máu liên tục cần có thời gian chuẩn bị, nếu không có biện pháp giải độc hoặc thải độc kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân rối loạn chức năng đa tạng nặng hơn dẫn đến tử vong là điều khó tránh khỏi.

Để trì hoãn quá trình chuyển hóa methanol trong thời gian chuẩn bị cho lọc máu liên tục, tôi cùng kíp trực đã sử dụng đến Antidote là ethanol với mục tiêu là nâng nồng độ ethanol máu lên mức 100-150 mg/dL. Lý tưởng nhất là sử dụng ethanol 5-10% truyền tĩnh mạch, hoặc dùng ethanol 20% qua đường uống. Tuy nhiên tại bệnh viện lúc ấy không có sẵn dược phẩm ethanol đồng thời cũng không có nhiều thời gian để tìm kiếm trên thị trường loại rượu ethanol đạt chuẩn, không thể bảo đảm được rượu có pha chế methanol hay không, do đó chúng tôi quyết định sử dụng bia.

Với liều nạp bia theo phác đồ là 0,8g ethanol/kg thể trọng bệnh nhân (khoảng 50 kg), được bơm qua ống thông dạ dày 40g ethanol (tương đương 1.000ml bia 5%). Sau đó duy trì tiếp để giữ cho nồng độ ethanol máu trong ngưỡng 100-150mg/dL. Do nồng độ ethanol trong bia được bác sĩ cho sử dụng khá thấp nên phải cần thể tích lớn hơn, điều này có phần thách thức chúng tôi trong việc bảo đảm cân bằng nước, điện giải, toan kiềm, áp lực thẩm thấu. Hơn nữa, tình trạng bệnh nhân đang có biến chứng xuất huyết dạ dày, việc dùng rượu nồng độ cao qua đường uống cũng không khả quan. Chúng tôi đã cân nhắc lợi hại và quyết định sử dụng truyền gần 5 lít bia qua đường tiêu hóa cho BN.

Phóng viên: Truyền gần 5 lít bia qua đường tiêu hóa cho BN để giải độc rượu là quyết định táo bạo của ông. Kết quả của phương pháp này khiến người dân lại nghĩ rằng có thể dùng bia để giải ngộ độc rượu, vậy ông có khuyến cáo gì không?

Bác sĩ Lê Văn Lâm: Sau hai giờ vào viện, BN đã nhanh chóng được tiến hành lọc máu liên tục cấp cứu, thời gian lọc máu kéo dài khoảng 40 giờ. Sau một ngày đêm phối hợp điều trị hồi sức tích cực, sự dụng Antidote và lọc máu liên tục, bệnh nhân bắt đầu hồi phục dần trên cả lâm sàng và cận lâm sàng, xuống thang dần các thuốc vận mạch và thở máy, các xét nghiệm dần trở về giới hạn bình thường.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật may mắn được cứu sống và hạnh phúc khỏe mạnh bên vợ con.

Sau chín ngày điều trị bệnh nhân bình phục hoàn toàn, bệnh nhân được xuất viện ngày 2-1.

Tuy nhiên, tôi khuyến cáo các người say rượu không nên tự điều trị theo cách này ở nhà mà cần đưa đến trung tâm y tế và bệnh viện để được chữa trị đúng quy trình, phác đồ.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!

LÂM QUANG HUY (thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/y-te/tieu-diem/item/38865702-bac-si-le-van-lam-su-dung-bia-dieu-tri-ngo-doc-ruou-la-co-co-so-khoa-hoc.html