Bác sĩ Hoàng Thụy Ba một đời tâm huyết

Hoàng Thụy Ba là một trong hai sinh viên duy nhất của khóa đầu tiên (1921-1927) trường Y khoa Đông Dương, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Hội Hồng thập tự Việt Nam, đã được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng Ba.

Bác sĩ Hoàng Thụy Ba.

Bác sĩ Hoàng Thụy Ba.

Hoàng Thụy Ba - con trai trưởng của cụ Hoàng Thụy Chi và cụ bà Nguyễn Thị Hân, sinh ngày 31/10/1902, năm Nhâm Dần, tại làng Phù Lưu, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh - học giỏi từ nhỏ, đỗ tú tài toàn phần (1921) và là 1 trong 2 người (cùng với Đặng Vũ Lạc) được học bác sĩ khóa đầu tiên tại Trường Cao cấp y dược khoa và bảo vệ thành công luận án bác sĩ y khoa ngày 24/12/1927 tại Đại học Y khoa Paris thuộc Hàn lâm viện Paris.

Là con quan Tổng đốc, Hoàng Thụy Ba về nước năm 1928, có nhiều điều kiện mở bệnh viện tư nhưng không ở Hà Nội làm công chức. Từ Paris hoa lệ mà đến ngay Tuyên Quang khi đó còn rất hoang sơ, cơ sở vật chất rất thiếu thốn, lại xa gia đình để làm việc đã nói lên cái tâm của người thầy thuốc trẻ. Sau đó - về làm Giám đốc Bệnh viện tỉnh Hưng Yên đến Cách mạng tháng Tám, năm 1946 - làm Giám đốc Y tế khu XI. Khi kháng chiến nổ ra - làm Giám đốc Y tế khu XI (1946-1947), Trưởng ty Y tế Hà Nội – Hà Đông (1947–1950) và tháng 6/1950, làm Giám đốc trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III-IV, trường đào tạo nữ hộ sinh đầu tiên của nước ta tại tỉnh Thanh Hóa. Tuy tất cả học sinh đều biết tiếng Pháp, và đến thời gian đó, việc giảng dạy trong ngành Y đều dùng các từ chuyên môn tiếng Pháp, nhưng thầy Ba đã cố gắng soạn bài, tự đặt ra các từ chuyên môn sản khoa bằng tiếng Việt, trở thành người giảng dạy bằng tiếng Việt đầu tiên. Những năm 1949–1950 là thời kỳ gian khổ nhất của kháng chiến chống Pháp, thầy Ba đã tự đặt ra khẩu hiệu với học trò “dựa vào dân” và “tự lực cánh sinh”, ở nhà dân, tự dựng lớp học và thực tập, cơ sở chính là đình Yên Hoành, nơi thực tập là nhà hộ sinh Yên Hoành. Thầy Ba bỏ tiền riêng thuê thợ làm mô hình, tranh vẽ giảng dạy cho học sinh.

Có thời gian suốt 3 tháng không có tiếp tế, học sinh không có gạo ăn, nhà trường nợ rất nhiều, thầy Ba phải bán 3 lạng vàng và một số đồ dùng của gia đinh, lấy tiền cho học sinh ăn học và nhà trường hoạt động. Sau này, các học sinh ca ngợi việc làm đó là “Bát cơm Phiếu Mẫu”, đến 50 năm sau vẫn không ai quên. Thầy dạy phải yêu thương sản phụ, chăm sóc tận tình, có tinh thần trách nhiệm cao, cả những điều ít người chú ý như phải giữ bí mật cho sản phụ. Học sinh rất yêu quý và kính trọng thầy, coi như người cha. Hai khóa I và II đến năm 1952 đào tạo được 59 nữ hộ sinh trung cấp, thật là quan trọng với nền y tế Việt Nam thời gian này.

Khi đó, phần lớn người dân nhờ các bà mụ vườn, các bà đỡ cắt rốn cho trẻ bằng liềm, dao, nứa, kéo hoặc đẻ tại nhà. Tử vong sơ sinh rất cao do trẻ bị uốn ván, nhiễm trùng rốn. Mẹ thì sót rau, băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm khuẩn sau đẻ. Không chỉ đỡ đẻ, họ còn trở thành cán bộ y tế cơ sở, cấp phát thuốc thông thường, phổ biến kiến thức vệ sinh cho nông dân. Nhiều nhà hộ sinh mới được mở ra trong kháng chiến, góp phần giảm tỷ lệ tử vong sản phụ và trẻ sơ sinh. Ngoài giờ học, thầy Ba bố trí học sinh thành từng nhóm vào làng khám thai, tuyên truyền vệ sinh thai nghén, vận động đến nhà hộ sinh để đẻ, nuôi con khoa học, hình thành một phong trào vệ sinh yêu nước hoàn toàn mới thời gian đó. Hoạt động của trường Nữ hộ sinh trung cấp Liên khu III-IV những năm 50 của thế kỷ XX là hình mẫu đẹp của nền y tế nhân dân mới mẻ.

Trong nhiều năm trước ngày bác sĩ Hoàng Thụy Ba qua đời, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều học sinh ở tỉnh lẻ, xa nhất là TPHCM đã tụ họp tại nhà thầy ở 14 Đường Thành, Hà Nội để chúc mừng thầy, nói lên tấm lòng yêu quý người thầy, “người cha”. Có những người đem cả con cháu đến, xưng là con với thầy dù đã 65, 70 tuổi. Ngày 23/11/1990, Đài Phát thanh Hà Nội đã phát bài “Tình nghĩa thầy trò 40 năm sau” nói về sự việc này .

Bác sĩ Hoàng Thụy Ba (hàng đầu, thứ 5 từ trái sang) và các bạn đồng nghiệp.

Năm 1952, được Thành ủy Hà Nội đồng ý, bác sĩ về Hà Nội chăm sóc mẹ già ốm nặng bị liệt nửa người, cho tròn chữ hiếu. Cụ mở bệnh viện sản khoa ở 167 Phùng Hưng, Hà Nội (thường gọi là nhà thương Ngõ Trạm). Chính quyền Bảo Đại mời cụ làm việc nhưng bị từ chối. Các đồng nghiệp đã bầu Hoàng Thụy Ba làm Chủ tịch Hội Y sĩ Bắc Việt đầu tiên của nước Việt Nam. Đó là Hội phi Chính phủ của các nhà trí thức, khoa học, độc lập với chính quyền, là tổ chức nghề nghiệp của các thầy thuốc làm việc ở các bệnh viện công và tư... Bác sĩ đã cùng đồng nghiệp đấu tranh yêu cầu chính quyền thời đó bỏ thuế bệnh viện và nhà hộ sinh. Trước ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, Chính quyền Bảo Đại đã mời cụ vào Sài Gòn nhưng bị từ chối. Chính phủ Pháp tặng vé máy bay một chiều cho cả gia đình sang Paris sinh sống, nhưng vé đó không được dùng.

Ở lại Thủ đô, Thành ủy và Ủy ban Hành chính Hà Nội đã cử cụ thay mặt trí thức và nhân dân tặng hoa Hồ Chủ tịch đón chào Bác và Chính phủ trở về. Đầu năm 1955, khi được tin thân mẫu qua đời tại Sài Gòn, bác sĩ Hoàng Thụy Ba đã xin phép chính quyền vào Sài Gòn chịu tang mẹ rồi trở về Hà Nội dù được chính quyền miền Nam mời ở lại làm việc. Bác sĩ tích cực hoạt động văn hóa, khoa học, xã hội, là Ủy viên Ban quan hệ Bắc - Nam, Ban đấu tranh thư tín của Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội các khóa I, II, III. Từ tháng 5/1960 - làm trưởng phòng điều trị tại Bệnh viện C Hà Nội. Một người rất lâu năm trong nghề, đã làm Giám đốc đầu tiên của Ty Y tế Hà Nội, đã từ chối nhận những chức vụ cao của chính quyền Bảo Đại và chính quyền miền Nam, đến lúc sắp nghỉ hưu lại vui vẻ nhận làm Trưởng phòng vì muốn cống hiến những kinh nghiệm lâu năm và vốn kiến thức y khoa dồi dào cho nhân dân. Khi Mỹ ném bom miền Bắc năm 1964, dù đã quá tuổi nghỉ hưu, ngành Y tế vẫn trân trọng giữ cụ làm việc cho đến cuối năm 1975 khi đã bước sang tuổi 74.

Cụ Hoàng Thụy Ba ra đi thanh thản trong giấc ngủ, ngày 22/10/1994, thọ 93 tuổi. Tang lễ làm tại nhà, giản dị, đầy tình người, tình gia tộc, tình thầy trò. Báo chí gọi là “đám tang của người Thầy”: “…người ta thấy một đoàn dài các cụ bà tóc bạc phơ, các cựu học sinh trường Nữ hộ sinh trung cấp liên khu III-IV của cụ đi sau linh cữu dọc theo phố Đường Thành…”. Có hơn 300 đoàn và cá nhân đến viếng với những lời chia buồn chân tình của nhiều lãnh đạo và đồng nghiệp ngành Y tế Việt Nam, của dòng tộc Hoàng, của bà con quê hương, các cựu học sinh, các bệnh nhân.

“Vô cùng thương tiếc cụ Hoàng Thụy Ba, bác sĩ, một vị cán bộ y tế lão thành, đã có nhiều đóng góp lớn cho ngành y tế Việt Nam, ngay từ các ngày đầu của chính quyền Nhà nước Việt Nam, và tiếp tục trong nhiều năm đóng góp cho ngành”.

(Giáo sư Hoàng Đình Cầu Chủ tịch Tổng Hội Y Dược học Việt Nam; Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế).

“Cụ đã để lại cho đời, cho con cháu một chữ TÂM đẹp vĩnh cửu”

(Nhà thơ Hoàng Cầm , đồng hương Bắc Ninh)

Là một bác sĩ bình thường, bác sĩ Hoàng Thụy Ba đã được kỷ niệm 100 năm ngày sinh vào ngày 06/10/2002 tại làng Phù Lưu quê nhà ở Hương Hiền từ, nơi vinh danh các nhà đại khoa và các vị có công với làng.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm trường Đại học Y khoa Hà Nội (1902–2002) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh bác sĩ Hoàng Thụy Ba (1902–2002), nhiều tờ báo Nhân dân, Lao động, Sức khỏe và đời sống, Xưa và nay, An ninh thế giới, Bắc Ninh… đã viết về người bác sĩ đáng kính này. Ngày 28/3/2003 Đài Truyền hình Việt Nam đã phát bộ phim “Người thầy thuốc giàu lòng nhân ái” về bác sĩ. Một số tác giả đã viết về cụ như nhà thơ Vân Long viết trong “Sống nhiều hơn một đời” (NXB Phụ nữ, 2013), nhà báo Hoàng Ngọc Bính viết trong “Những bông hoa đời thường” (NXB Hội Nhà văn, 2016)...

Văn Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/bac-si-hoang-thuy-ba-mot-doi-tam-huyet-tintuc436136