Bác sĩ hết lòng vì sức khỏe nhân dân và đồng đội

Đó là Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh, nguyên Chủ nhiệm Labo tách chiết thành phẩm máu của Học viện Quân y. Năm nay ông bước sang tuổi 88 nhưng vẫn minh mẫn, hiện là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Đông Nam Á. Trung tâm chuyên nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao các chế phẩm sinh học cho người bệnh và ngành thủy sản, ngành chăn nuôi.

Bác sĩ Phan Ngọc Minh sinh ra và lớn lên ở quê hương đất Tổ Vua Hùng, hiện trú tại số 172 Phùng Hưng, phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội). Nhà có hai anh trai đã nhập ngũ, năm 1946, khi mới 14 tuổi, cậu bé Phan Ngọc Minh trốn gia đình lên chiến khu, xin vào học Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc. Do chăm chỉ học tập, rèn luyện, lại nhanh nhẹn, hoạt bát, Phan Ngọc Minh được nhà trường cử đi học y tá. Từ đây, Phan Ngọc Minh bước vào con đường binh nghiệp, học tập và nghiên cứu khoa học với mục đích "nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tế và phải có kết quả phục vụ cuộc sống”.

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Phan Ngọc Minh được cử đi học đào tạo bác sĩ tại Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y), rồi thực tập sinh (1968-1970) ở Học viện Quân y Kirov (Liên Xô). Về nước, bác sĩ Phan Ngọc Minh đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng. Năm 1972, đang là giảng viên Trường Đại học Quân y, bác sĩ Phan Ngọc Minh xung phong đưa học viên quân y vào phục vụ chiến trường Quân khu 4, Quân khu 5…

 Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh (bên trái) với nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: VÂN MINH

Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh (bên trái) với nguyên lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: VÂN MINH

Khi là y tá phục vụ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, cũng như sau này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là người trực tiếp cấp cứu, điều trị thương binh ở chiến trường Khu 4, Khu 5… bác sĩ Phan Ngọc Minh luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thiếu thốn của chiến trường, cứu chữa thành công nhiều thương binh, bệnh binh. Tuy vậy, ông cũng vô cùng day dứt khi không cứu được những đồng đội bị bỏng nặng hay sốt rét ác tính dẫn đến suy kiệt cơ thể. Những lúc ấy, ông ao ước giá có điều kiện tách chiết các thành phần của máu, trong đó có acid amin cần thiết giúp cơ thể phục hồi nhanh, tránh được tình trạng suy kiệt.

Từ ước vọng đó, năm 1974, ông xây dựng đề án, báo cáo với lãnh đạo, chỉ huy Trường Đại học Quân y xin thành lập Labo tách chiết thành phẩm máu, với nhiệm vụ trước mắt là tách chiết acid amin cung cấp cho thương binh ở chiến trường. Tiếp đó, ông cùng đồng nghiệp nghiên cứu tách chiết các chế phẩm khác phục vụ cuộc sống, trong đó có những chế phẩm quan trọng giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể để phòng, chống dịch bệnh.

Ngay sau khi được nhà trường ra quyết định thành lập, Labo đã nghiên cứu tách chiết được acid amin, làm ra hàng triệu viên Polyamin cung cấp kịp thời cho các bệnh viện và quân y các đơn vị, giúp nhanh phục hồi sức khỏe cho thương binh nặng, bệnh nhân sốt rét suy kiệt. Chế phẩm acid amin từ thập niên 1990 đã được chính thức đưa vào dự án cấp Nhà nước (64D-0402), sản xuất hàng chục triệu viên Polyamin giúp phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân bị bỏng nặng, trẻ em suy dinh dưỡng và bộ đội ở các đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt, như: Phi công, đặc công, bộ đội làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo…

Một điều đặc biệt là sau khi thành lập Labo tách chiết thành phẩm máu, ngành thủy sản của Việt Nam khi ấy gặp phải một thử thách lớn: Không có thuốc kích thích cá đẻ nhân tạo (do nước bạn đột ngột cắt không cung cấp). Không có thuốc, các trại cá giống không còn cá và sẽ không có thực phẩm cho nhân dân. Trong lúc chúng ta đang rất khó khăn, thấm nhuần lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm…”, bác sĩ Phan Ngọc Minh cùng tập thể cán bộ Labo xin nhận nhiệm vụ Nhà nước giao: “Tách chiết và tinh chế Prolanb (HCG) từ máu nhau thai”. Vận dụng kiến thức đã học tập bên nước bạn, sau hai tháng miệt mài, ông cùng các cộng sự tinh chế thành công chế phẩm HCG. Từ tháng 7-1974, Labo nghiên cứu tách chiết thành phẩm máu của Trường Đại học Quân y đã có sản phẩm cung cấp cho ngành thủy sản. Do thành tích xuất sắc nghiên cứu tách chiết và tinh chế chế phẩm HCG, Labo tách chiết thành phẩm máu (Học viện Quân y) được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ngành chăn nuôi nước ta gặp rất nhiều khó khăn: Số trâu, bò, lợn chậm sinh sản có tỷ lệ cao. Bác sĩ Phan Ngọc Minh lại nhận nhiệm vụ nghiên cứu tách chiết thành công chế phẩm Gravohocmon từ huyết thanh ngựa chửa (thuốc điều khiển sinh sản cho gia súc, ký hiệu là PMSG). Chế phẩm được Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Thú y Trung ương nghiệm thu và cấp phép sản xuất thương mại cung cấp cho các trang trại trong cả nước. Công trình nghiên cứu tách chiết PMSG của bác sĩ Phan Ngọc Minh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Được nghỉ chế độ năm 1989, cũng là lúc công cuộc đổi mới của Đảng ta đang khởi sắc; các thành phần kinh tế phát triển. Nhận thấy nhu cầu acid amin, HCG và PMSG rất lớn, trong khi đó Học viện Quân y không sản xuất nữa, nếu nhập ngoại thì giá thành cao, bác sĩ Phan Ngọc Minh xin thành lập Trung tâm Công nghệ Sinh học Đông Nam Á gồm nhiều nhà khoa học và đồng nghiệp tự nguyện tham gia để tiếp tục công việc trên. Từ năm 1990 đến 2019, trung tâm đã cung cấp hàng trăm triệu viên Polyamin cho các bệnh viện, trẻ em suy dinh dưỡng và cho các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; gần 60 triệu đơn vị chế phẩm HCG và PMSG cho ngành thủy sản và ngành chăn nuôi.

Hơn 50 năm miệt mài làm việc, kiên trì với phương châm “nghiên cứu khoa học phải gắn liền với thực tế, phải cho kết quả thiết thực phục vụ người bệnh và góp phần phát triển kinh tế đất nước”, với 3 sản phẩm: Polyamin, HCG và PMSG là những đóng góp quan trọng của bác sĩ Phan Ngọc Minh. TS Bùi Xuân Nguyên, Viện Khoa học Việt Nam, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực y-sinh học, nói về hai chế phẩm HCG và PMSG của bác sĩ Phan Ngọc Minh: “Thật là may mắn được sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của bác sĩ Phan Ngọc Minh cung cấp chế phẩm HCG và PMSG, chúng tôi đã thực hiện thành công việc gây rụng trứng nhân tạo an toàn và đạt hiệu quả cao trên gia súc. Đây là thành công đầu tiên của Việt Nam những năm 1979, 1980. Kết quả này giúp ngành chăn nuôi phát triển mạnh như ngày nay”. Theo Thạc sĩ Phạm Thị Hải Âu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nuôi trồng Thủy sản Hạ Long, công ty của chị là một trong nhiều cơ sở được bác sĩ Phan Ngọc Minh cung cấp chế phẩm HCG và PMSG liên tục trong nhiều năm qua. Kết quả của sự giúp đỡ đó không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành thủy sản, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước mà còn thể hiện tâm huyết của một nhà khoa học luôn đồng hành với cuộc sống nhân dân. Còn bà con nuôi cá giống, các trại chăn nuôi gia súc nhiều tỉnh, thành phố rất quý trọng và biết ơn bác sĩ Phan Ngọc Minh. Họ gọi ông là "Nhà khoa học của nông dân, nhà khoa học của cuộc sống!”. Và không chỉ hết lòng vì sức khỏe cộng đồng, bác sĩ Phan Ngọc Minh còn hết lòng vì đồng đội. Ông sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có thể giúp đỡ được đồng chí, đồng đội nhiều nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Một đảng viên gần 90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng vẫn hằng ngày sống và làm việc theo gương Bác Hồ. Các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh vẫn góp phần chăm sóc sức khỏe người bệnh, người cao tuổi và trẻ em suy dinh dưỡng; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Không những thế, khi xưa ở chiến trường, ông đồng cam cộng khổ, chung một chiến hào với cán bộ, chiến sĩ thì nay vẫn tận tâm, tận lực làm việc nghĩa tình với đồng chí, đồng đội, với nhân dân.

NGỌC VÂN - THÁI MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/bac-si-het-long-vi-suc-khoe-nhan-dan-va-dong-doi-611381